Phúc thẩm “siêu lừa” gần 4.000 tỷ đồng Huỳnh Thị Huyền Như:

Luật sư Vietinbank: Huyền Như lừa đảo chứ không tham ô

Thứ Bảy, 27/12/2014, 10:25
Ngày 26/12, phiên tòa “nóng” lên khi 5 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vietinbank lần lượt đưa ra các luận cứ nhằm “bác bỏ” quan điểm của VKS và luật sư của các nguyên đơn dân sự, người bị hại đề nghị xử Huyền Như tội “tham ô” liên quan đến hành vi chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 công ty và Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi chiếm đoạt tài sản của bị cáo này.
>> Luật sư của Huyền Như đề nghị xem xét bị cáo... không phạm tội tham ô

Phát biểu ý kiến chung về vụ án, luật sư Nguyễn Văn Trung (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Theo Điều 52 Luật Tố tụng hình sự quy định, nguyên đơn dân sự là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nguyên đơn dân sự có quyền kháng cáo bản án, quyết định của tòa án về phần thiệt hại. Vì vậy, các tổ chức bị thiệt hại do hành vi phạm tội của Huyền Như đã được tòa án xác định tư cách nguyên đơn dân sự là chính xác. Các nguyên đơn dân sự này không có quyền kháng cáo về tội danh và hình phạt đối với Huyền Như.

Về giới hạn của việc xét xử; hiệu lực của bản án; quyết định sơ thẩm của tòa án không có kháng cáo, kháng nghị; phạm vi xét xử phúc thẩm… luật sư Trung đã viện dẫn các Điều 196, Điều 240, Điều 241 Bộ luật tố tụng Hình sự quy định thì tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa phúc thẩm TANDTC và VKS xét xử phúc thẩm tối cao không có quyền xem xét tội danh “tham ô” đối với Huyền Như.

Mặt khác, Luật tổ chức VKSND quy định: VKSND cấp dưới phải chịu sự lãnh đạo của VKSND cấp trên. Trong vụ án này, cáo trạng VKSND Tối cao được ký thừa ủy quyền cho VKSND TP Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại tòa. Tại phiên tòa sơ thẩm, VKS đã giữ nguyên nội dung cáo trạng. Tuy nhiên, tại phiên tòa này, đại diện VKS tối cao lại kết luận và đề nghị HĐXX hủy một phần bản án sơ thẩm đã xét xử Huyền Như về tội “lừa đảo…” với 5 nguyên đơn dân sự, để điều tra về tội tham ô với số tiền chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng và xác định lại tư cách tham gia tố tụng của 5 đơn vị này; đồng thời tuyên buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm bồi thường, trái với cáo trạng của Viện trưởng VKSND TC là không đúng quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự.

Còn về việc áp dụng pháp luật, cũng theo luật sư Trung, trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm, các cơ quan tố tụng đã xem xét, đánh giá và xác định sự thật của vụ án hết sức khách quan, toàn diện và đầy đủ, đó là: Do có mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu, Huyền Như đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối để lừa đảo các tổ chức, cá nhân mở tài khoản và chuyển tiền vào tài khoản Vietinbank. Giao dịch giữa Huyền Như với các tổ chức, cá nhân trước khi họ chuyển tiền vào Vietinbank đều là các giao dịch bất hợp pháp, thậm chí là tội phạm đã bị xử lý hình sự bằng một bản án đã có hiệu lực pháp luật (vụ án Nguyễn Đức Kiên-PV). Do đó, không thể cắt khúc vụ án ra, chỉ xem xét hành vi của cá nhân Huyền Như sau khi tiền của các tổ chức, cá nhân đã được chuyển vào tài khoản của họ tại Vietinbank, cố tình loại bỏ nguyên nhân, động cơ, mục đích của các hành vi vi phạm pháp luật mà họ đã được thực hiện theo thỏa thuận, thậm chí móc ngoặc với Huyền Như trước khi mở tài sản và chuyển tiền, để cho rằng Huyền Như tham ô tài sản của Vietinbank do Huyền Như quản lý, hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Vietinbank quản lý như một số ý kiến của các luật sư bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân đã bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các luật sư tham gia bào chữa trong vụ án Huyền Như. 

Dẫn chứng cho lời đồng nghiệp, trước đó luật sư Nguyễn Thị Bắc (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đã nêu ra thủ đoạn Như chiếm đoạt tiền của Công ty CP Chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS) bằng “bẫy lãi suất”. Theo luật sư, ngay từ khi tiếp xúc với công ty này, Như đã có ý định chiếm đoạt tiền khi thoả thuận với Vũ Thị Mỹ Linh, Kế toán trưởng SBBS về việc huy động tiền của SBBS với lãi suất được ghi trong hợp đồng là 14%, chênh ngoài hợp đồng (được trả ngay sau khi tiền chuyển vào tài khoản thanh toán) là 16% đến 18%/năm.

“Tại nhiều bút lục, Vũ Thị Mỹ Linh cũng có lời khai đã thỏa thuận với Như từ trước với lãi suất dao động từ 17% đến 23%/năm tùy từng thời điểm... và Linh đã báo cáo với lãnh đạo công ty mức lãi suất từ 16% đến 21% tùy theo từng hợp đồng, phần chênh lệch lãi suất còn lại Vũ Minh Hải là người nhận tiền và chia lại cho Linh”, luật sư Bắc đưa ra dẫn chứng. Theo luật sư, đây là “thỏa thuận ngầm” giữa cá nhân Như với Linh và cũng là thủ đoạn của Như để thực hiện mục đích chiếm đoạt tiền của SBBS.

Với “con mồi lãi suất cao” và tiền % chênh cho Linh, Như đã thực hiện có tính toán tiếp theo các thủ đoạn gian dối, dẫn dụ Linh làm mọi việc theo sự sắp đặt của mình để chiếm đoạt trót lọt 210 tỷ đồng của SBBS. Cụ thể, sau khi SBBS “sập bẫy lãi suất”, Như đã thuê khắc dấu giả đứng tên công ty này và thực hiện tiếp các thủ đoạn gian dối khác như: dẫn dụ SBBS mở tài khoản thanh toán; làm 14 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giả và dẫn dụ SBBS ký kết các hợp đồng này… Tất cả các hợp đồng giả này đều không lưu trong hệ thống Vietinbank.

Tiếp đó, Như đã dẫn dụ SBBS chuyển 225 tỷ đồng vào tài khoản thanh toán theo hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giả. Sau khi SBBS chuyển tiền, Như đã dùng tiền của mình thanh toán tiền lãi chênh 4,2 tỷ đồng cho SBBS, thanh toán cho SBBS tiền lãi các tháng 5, 6, 7,  8 theo hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giả với tổng số tiền là 7,1 tỷ đồng, thanh toán một phần lãi chênh cho riêng Linh và Hải.

“Vấn đề không bình thường là toàn bộ 14 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn đều quy định lãi suất 14%/năm, SBBS đã nhận khoản lãi suất 14% này đều đặn hàng tháng với tổng số tiền là 7,1 tỷ đồng, đồng thời nhận thêm khoản lãi suất chênh là 4,2 tỷ đồng nhưng SBBS không thông báo cho Vietinbank biết. Trong khi theo hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giả thì tiền thanh toán phải chuyển vào tài khoản thanh toán của SBBS tại Vietinbank nhưng hầu hết số tiền Như thanh toán đều đứng tên người giúp việc của Như nộp/chuyển vào tài khoản thanh toán của SBBS tại Eximbank”, luật sư nêu.

Theo luật sư, trong vụ việc này, SBBS không những đã bị lừa ký và thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giả, chuyển tiền vào tài khoản thanh toán theo hợp đồng giả mà nghiêm trọng hơn SBBS đã không thực hiện bất kỳ trách nhiệm nào của chủ tài khoản khi không theo dõi số dư trên tài khoản, không đối chiếu giấy báo nợ, không thực hiện hạch toán nghiệp vụ phát sinh theo quy định về hạch toán kế toán doanh nghiệp… Với luận cứ nêu trên, luật sư Bắc cho rằng trong vụ việc này, hành vi lừa đảo của Như đã rõ nên bản án sơ thẩm tuyên là hoàn toàn có căn cứ và đúng pháp luật.

Tương tự như hai đồng nghiệp, trong phần bào chữa của mình, các luật sư Trương Xuân Tám (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Lê Hồng Nguyên, Trương Thị Hòa (cùng Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) lần lượt trình bày các thủ đoạn của Như trong việc chiếm đoạt tiền của các công ty còn lại để bảo vệ quan điểm Như không “tham ô” và Vietinbank không có trách nhiệm bồi thường.

Trong bài bào chữa của mình, luật sư Trương Xuân Tám khẳng định: Theo quy định của Vietinbank thì với chức vụ Trưởng phòng giao dịch, Như không phải là người quản lý của Vietinbank và không được giao nhiệm vụ quản lý tài sản. Vì vậy để chiếm đoạt tiền của các công ty, Như đã cố tình che giấu việc làm phi pháp của mình khi không sử dụng email của Vietinbank mà sử dụng email cá nhân để trao đổi, thỏa thuận hợp đồng, lãi suất, số tiền gửi, chênh lệch ngoài hợp đồng với các cá nhân có trách nhiệm…

A.Huy
.
.
.