Lật tẩy những băng nhóm tội phạm “ngoại” lừa đảo công nghệ cao

Lật tẩy những băng nhóm tội phạm “ngoại” lừa đảo công nghệ cao

Thứ Hai, 21/04/2014, 09:00

Có thể nói, mỗi màn lừa đảo sử dụng công nghệ cao của các đối tượng “ngoại” như một màn ảo thuật. Bởi nó khiến các bị hại bị cuốn vào cuộc chơi, hết chiêu này đến trò khác và chỉ bừng tỉnh khi đã mất một số tiền kha khá. Các bị hại đều không chỉ là những người hạn chế về hiểu biết, nhiều người còn là giám đốc doanh nghiệp, thậm chí là giảng viên…
>> Tình ảo “Xứ sương mù” và món lừa 90 ngàn USD /  >> Giả cơ quan luật pháp gọi điện, lừa hơn 10 tỷ đồng / >> Cảnh báo các vụ đe dọa lừa đảo để tống tiền qua điện thoại

Bài 1: Những màn ảo thuật của tội phạm “ngoại”

Mất tiền vì những mối tình “ảo” xuyên biên giới

“Đạo diễn” của các màn kịch “tình- tiền” nói trên là một số đối tượng người gốc Phi. Bọn chúng đóng vai các chàng trai ngoại quốc đẹp đẽ, lúc là một doanh nhân người Anh có học thức, giàu sang về kinh tế, lúc là một người lính Mỹ đóng quân tại Afghanistan thiếu thốn tình cảm để làm quen, muốn kết hôn với các cô gái cũng đang khao khát một tình yêu đích thực ở cái tuổi thường đã ngoài 30. Khi các cô đang mộng tưởng về kết thúc đẹp đẽ của những mối tình xuyên biên giới ấy thì bị các đối tượng dẫn dắt vào các bẫy lừa đảo tiền cực kỳ ngoạn mục. Chúng thông báo đã gửi quà, hoặc chuyển tiền tặng, đầu tư mua nhà cho các “cô vợ tương lai” người Việt Nam.

Sau đó, trên đường vận chuyển các món quà, tiền này, bọn chúng đóng giả nhân viên của Ngân hàng, hay các Công ty chuyển phát nhanh tại nước trung gian (như là Malaysia, Campuchia) để yêu cầu người nhận quà nộp vào tài khoản cho bọn chúng các khoản lệ phí. Cao thủ hơn, các đối tượng nói rằng sẽ bay về Việt Nam gặp mặt người yêu. Nhưng tại các sân bay (Malaysia, Việt Nam), các đối tượng bị Hải quan, Cảnh sát tạm giữ vì mang số tiền quá lớn. Các đối tượng cầu cứu “người yêu”, vì “muốn tạo bất ngờ cho em nên anh liều mạng mang theo một số tiền lớn”. Sẽ có đồng bọn của các đối tượng đóng giả làm cán bộ Hải quan, thậm chí đóng giả Cảnh sát để yêu cầu các cô nộp tiền phạt để “cứu” người yêu cùng va ly đựng số tiền lớn.

Nhiều cô gái đã bỏ ra một khoản tiền lớn (chia ra làm nhiều lần) để nộp vào tài khoản cho các đối tượng. Đa số các cô đều có hiểu biết nhưng các đối tượng đã tạo tình huống, lý do dẫn dắt các cô rất hợp lý, khiến họ bị cuốn vào “mê hồn trận” lừa đảo của bọn chúng. Thông thường, khi đã bị lừa quá nhiều, không còn khả năng đưa tiền cho bọn chúng nữa, bọn chúng sẽ tự tắt máy, cắt đứt liên lạc với các cô.

Một người bị hại mắc bẫy lừa đảo giả bắt cóc người thân ở nước ngoài đang trình báo tại cơ quan Công an.

Với cái bẫy “ngọt ngào” như thế, hàng trăm nữ (kể cả trí thức), đang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, rồi giáo viên… ở 24 tỉnh, thành phố đã trở thành nạn nhận của băng nhóm tội phạm quốc tế nói trên. Người mất nhiều nhất là chị Nguyễn Thu T, một nữ trưởng phòng tuổi ngoài 30, rất năng động trong một doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Chị đã bị rơi vào cái “bẫy” của một nhóm tội phạm “ngoại”, chúng giả tên là Raivin Jonson, quốc tịch Anh quốc để làm quen, giả yêu đương và lừa gạt chị. Tổng số tiền chị T đã bị các đối tượng này lừa khoảng 90 ngàn USD, tương đương gần 2 tỷ đồng Việt Nam.

Đánh vào tình thương con của các bậc làm cha mẹ

“Mẹ ơi, bố ơi, cứu con với, chúng đánh con đau quá!”. Những tiếng khóc văng vẳng xen lẫn tiếng nạt nộ trong các băng ghi âm của nhóm tội phạm “ngoại” này đã khiến nhiều bậc cha mẹ đứng tim khi được nghe. Thông thường, chúng gọi đến các gia đình vào tầm giữa buổi sáng, khi lúc đó ở nhà thường có các ông bà già, con cái đi học, đi làm. Chúng gọi vào máy điện thoại cố định, nói với các bị hại rằng, con (cháu) họ vì nợ tiền bọn chúng nên đang bị bắt giữ, gia đình phải gửi tiền trả tiền vào tài khoản cho bọn chúng thì mới được thả người. Bọn chúng yêu cầu người bị hại phải để thông máy bàn liên tục, nhằm cho họ không có thời gian để liên lạc với người khác. Sau đó, chúng gọi vào di động của bị hại, cứ thế điều khiển họ đi ra ngân hàng và gửi tiền vào các tài khoản của chúng. Nhiều ông bố, bà mẹ đã quá lo lắng, hoang mang cho tính mạng của con cháu mình mà rơi vào bẫy của bọn tội phạm. Người mất nhiều thì khoảng vài trăm triệu, người ít thì vài chục triệu.

Thủ đoạn này bắt đầu xảy ra tại Hà Nội vào khoảng tháng 7/2013, nhưng nó tái diễn liên tục. Cứ lắng một thời gian khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin nhiều, rồi lại rộ lên. Qua điều tra, cơ quan Công an đã xác định được chủ mưu gây ra các vụ việc này là một nhóm đối tượng bên Trung Quốc. Cho đến nay, có khoảng 30 trường hợp đã bị các đối tượng lừa đảo với thủ đoạn này. Khi “bài” giả bắt cóc trong nước bị một số bị hại cảnh giác lật tẩy, các đối tượng lại quay sang giả bắt cóc con em các gia đình đang lao động tại nước ngoài. Khoảng cách địa lý, khác nhau về thời gian nên các bị hại rất khó kiểm tra được độ thật, giả. Thực tế đã có nhiều gia đình có con đang lao động tại Đức, Nhật…, bị bọn chúng lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Giả cả cơ quan điều tra pháp luật để hù bị hại

Nếu ở các tỉnh phía Bắc rộ lên thủ đoạn giả bắt cóc con để lừa đảo tiền của cha mẹ thì trong Nam, một băng nhóm người Đài Loan (Trung Quốc) lại giở chiêu bài giả cơ quan thực thi pháp luật để lừa đảo tiền của các bị hại. Theo lời kể của bà  B.T.H, trú tại quận Tân Bình, một người đàn ông gọi điện thoại đến, xưng là cán bộ VKSND tỉnh Tây Ninh. Người này cho biết đang thụ lý một đường dây ma túy xuyên quốc gia, quá trình điều tra vụ án cho thấy bà H. có liên quan đến đường dây này với vai trò là người rửa tiền. Ông này khẳng định, các đối tượng khai nhận, toàn bộ tài sản của bà H. có trong ngân hàng là do phạm tội mà có nên yêu cầu bà chuyển 400 triệu đồng để “hợp tác điều tra”. Tưởng thật nên bà H. đã chuyển toàn bộ số gia sản trên của mình vào tài khoản của người nhận tên Nguyễn Văn Đông. Hoàn hảo và táo tợn hơn, trong trường hợp của bà N.T.H., trú tại quận 1, TP Hồ Chí Minh, các đối tượng gọi điện thoại bàn, thông báo bà H. đang nợ tiền cước 8,93 triệu đồng. Sau đó, các đối tượng ở đầu dây bên kia tìm cách khai thác thông tin cá nhân của bà H. và thông báo cho bà H. biết việc bà này đang liên quan đến một vụ rửa tiền. Muốn làm rõ trắng đen thì họ sẽ nối máy để bà H. liên hệ với Công an Hà Nội.

Sau vài tiếng tút, tút… bà H gặp một người đàn ông xưng trực ban Công an Hà Nội yêu cầu khai báo qua điện thoại. Qua âm thanh nghe được, bà H. thấy tiếng còi hú, tiếng ra lệnh như trong trụ sở Công an. Khi thấy “con mồi” đã sập bẫy, bọn chúng yêu cầu bà H. chuẩn bị 200 triệu đồng để “hợp tác điều tra” nếu số tiền này không liên quan đến đường dây rửa tiền sẽ được trả lại trong 2 giờ. Một lát sau, có người đến cho bà H. xem thẻ tên Nguyễn Văn Minh, Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM. Đối tượng này nhận tiền rồi lên taxi đi mất

T.Hòa - P. Thủy
.
.
.