Lật tẩy đường dây lừa đảo đa cấp núp bóng đầu tư tài chính

Thứ Sáu, 05/04/2019, 08:38
Một đường dây lừa đảo đầu tư tài chính dưới hình thức đa cấp biến tướng vừa được cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội phanh phui. 

Trong đó, các đối tượng tội phạm là người nước ngoài vào Việt Nam câu kết với các đối tượng trong nước dùng thủ đoạn thành lập văn phòng “ma” mạo danh đại diện Tập đoàn tài chính nước ngoài, đưa ra các gói đầu tư tài chính lãi suất cao để dụ dỗ người dân. Sau khi thu được một khoản tiền lớn, các đối tượng người nước ngoài lập tức “ôm tiền” về nước…

Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội vừa thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đoàn Văn Đạt (SN 1979, ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng), đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, làm thủ tục truy nã quốc tế đối với Wu Run Hua (SN 1987, quốc tịch Trung Quốc), Yeo Alex Siak Chuan tức Anson Yang (SN 1979, quốc tịch Singapore) cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Đây là 3 đối tượng chính trong đường dây lừa đảo đa cấp núp bóng đầu tư tài chính hết sức tinh vi, trong một thời gian ngắn đã chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của người dân.

Bẫy đầu tư tài chính lãi suất cao

Theo cơ quan điều tra, chủ mưu cầm đầu đường dây lừa đảo này là Wu Run Hua và Anson Yang. Hai đối tượng này nhập cảnh vào Việt Nam từ năm 2014, 2016. Sau đó, thông qua người phiên dịch, các đối tượng đi tìm và lôi kéo một số người Việt Nam thực hiện kế hoạch lừa đảo. 

Theo đó, Anson Yang tự giới thiệu là giám đốc marketting của công ty GGV, thuộc Tập đoàn GGV (Global Gaming Ventures Limited) có trụ sở tại Vương quốc Anh, hoạt động trong lĩnh vực casino, cá cược, có lượng thành viên lên tới trên 50.000 người khắp toàn cầu. 

Khi bỏ tiền đầu tư vào tập đoàn quốc tế này, nhà đầu tư sẽ được cấp mã tài khoản để truy cập hệ thống, trở thành thành viên chương trình phát triển cộng đồng của công ty, được bảo trợ mời các cá nhân khác tham gia chương trình.

Đối tượng Đoàn Văn Đạt và Wu Run Hua.

Để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, Wu Run Hua nhờ khoảng 10 người Việt Nam đứng ra mở tài khoản ngân hàng tại Đà Nẵng. Khi có tiền của nhà đầu tư chuyển vào các tài khoản này (theo chỉ định của các đối tượng khi nhà đầu tư tham gia) thì những người mở tài khoản trên sẽ trực tiếp đến ngân hàng rút tiền và chuyển cho Wu Run Hua.

Tiếp tay cho Wu Run Hua và Anson Yang  là một số đối tượng người Việt Nam, trong đó có Đoàn Văn Đạt. Tháng 4-2016,  Đạt được 2 người phụ nữ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giới thiệu đầu tư vào dự án của công ty GGV và gặp trực tiếp Anson Yang. 

Tại cuộc gặp này, thông qua trợ lý, phiên dịch của Anson Yang, Đoàn Văn Đạt được giới thiệu về dự án GGV gồm 4 gói đầu tư như sau: Gói 1 sao  (đầu tư 1.000 USD = 25 triệu đồng) được nhận lãi 3%/tháng và nhận lãi đều trong vòng 36 tháng  là 23.760.000 đồng. Gói 2 sao (4.000 USD = 100 triệu đồng) nhận lãi 6%/tháng x 36 tháng = 190.080.000 đồng.

Gói 3 sao (13.000 USD = 325 triệu đồng) nhận lãi 9%/tháng x 36 tháng = 960.000.000 đồng. Gói 4 sao (40.000 USD = 1 tỷ đồng) nhận lãi 12%/tháng x 36 tháng = 3,8 tỷ đồng. Hết 36 tháng nhà đầu tư sẽ được nhận lãi gốc sau khi trừ đi phí quản lý tài khoản. 

Ngoài số lãi “khủng” như cách tính trên thì nhà đầu tư khi giới thiệu được người cùng tham gia vào hệ thống còn được hưởng hoa hồng theo mô hình đa cấp với nhiều loại hoa hồng khác nhau như: hoa hồng trực tiếp, hoa hồng hệ thống, hoa hồng may mắn, hoa hồng bảo trợ đặt cược, hoa hồng bảo trợ thắng cược…

Nhờ người Việt Nam mở tài khoản để rút tiền chiếm đoạt

Ban đầu, Đoàn Văn Đạt đầu tư thử gói 1 sao. Sau khi được trả lợi nhuận 3%/tháng, Đạt quyết định tham gia phát triển hệ thống GGV và được Anson Yang “phong” cho làm Trưởng văn phòng đại diện GGV để quảng bá dự án, lôi kéo nhà đầu tư và thu tiền cho các đối tượng. 

Theo đó, Đạt thuê phòng 602 tòa C2 khu tổ hợp Vinaconex 1 tại 289A Khuất Duy Tiến, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội làm văn phòng làm việc và sinh hoạt chung cho các thành viên trong hệ thống. 

Không quảng cáo rầm rộ trên mạng Internet, Đoàn Văn Đạt và các đối tượng đầu tư tuyến trên lôi kéo nhà đầu tư bằng hình thức trực tiếp tư vấn, giới thiệu về quy mô hoạt động của Tập đoàn GGV Anh quốc cùng 4 gói đầu tư và chính sách trả thưởng hậu hĩnh. 

Nếu đồng ý tham gia và nộp tiền, nhà đầu tư sẽ được tạo ID, cung cấp mật khẩu để truy cập, quản lý tài khoản cá nhân tại website: ggvuk.com và được trả lãi vào tài khoản này. 

Việc nộp tiền đầu tư theo 2 cách: Nhà đầu tư nộp tiền mặt trực tiếp cho Đoàn Văn Đạt, sau đó Đạt sẽ chuyển vào tài khoản do  công ty GGV (thực chất là Wu Run Hua và Anson Yang) chỉ định hoặc Đạt xin lệnh tài khoản chỉ định từ group chat của công ty GGV, sau khi GGV chỉ định một tài khoản ngân hàng thì Đạt đưa tài khoản đó cho nhà đầu tư ra ngân hàng nộp tiền và chuyển giấy nộp tiền cho Đạt để được cấp ID và mật khẩu. 

Toàn bộ việc đầu tư này không hề có hợp đồng nhưng vì ham lợi nhuận “khủng” nên nhiều người vẫn tham gia. Thời gian đầu, nhà đầu tư được hệ thống trả lãi đầy đủ như quảng cáo theo các gói đầu tư. Tuy nhiên đến đầu tháng 3-2017, tập đoàn GGV ngừng trả lợi nhuận qua tài khoản ngân hàng và nhà đầu tư cũng không rút tiền ra được.

Sau khi có đơn tố cáo của nhà đầu tư, cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh tại Bộ Công thương, được biết Công ty GGV có địa chỉ đăng ký tại Anh là loại hình công ty tư nhân, thành lập năm 2010 nhưng không còn hoạt động. Không có doanh nghiệp Việt Nam nào hợp tác, đầu tư với GGV. 

Trên hệ thống cơ sở dữ liệu văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam trên website của Bộ Công thương, Tập đoàn Global Gaming Venture Limited không đăng ký thành lập chi nhánh tại Việt Nam. 

Website:  ggvuk.com chưa tiến hành đăng ký và không được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Cuối tháng 5-2017, hai đối tượng Wu Run Hua và Anson Yang cũng đã xuất cảnh khỏi Việt Nam.

Theo cơ quan điều tra, thực tế, những tài khoản nhận tiền của nhà đầu tư do đối tượng Wu Run Hua nhờ một số người Việt Nam lập để rút tiền chuyển lại cho Wu. Sau đó Wu Run Hua và Anson Yang dùng chính tiền của nhà đầu tư để trả lãi cho họ. 

Sau một thời gian khi đã thu được khoản tiền lớn thì các đối tượng “ôm tiền” tẩu thoát ra nước ngoài. Hiện tại, đã có 33 người bị hại đến cơ quan điều tra tố cáo Đoàn Văn Đạt chiếm đoạt trên 13,5 tỷ đồng. 

Tuy nhiên theo cơ quan điều tra, còn rất nhiều bị hại chưa trình báo và số tiền bị chiếm đoạt có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ vai trò của những đối tượng liên quan khác.

Để phục vụ công tác điều tra, Cơ quan CSĐT đề nghị, những ai là bị hại trong vụ án lừa đảo trên, đề nghị gặp điều tra viên Nguyễn Hùng Cường, Đội 10 Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội để trình báo và giải quyết. Địa chỉ: 40B Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hương Vũ
.
.
.