Làm tốt công tác dân vận để thuyết phục tội phạm truy nã ra đầu thú

Chủ Nhật, 25/01/2015, 15:49
Nhận thức công tác “dân vận” rất quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú nói riêng, Công an Bình Dương đã đẩy mạnh phối hợp cùng các cấp chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả công tác này.

Tỉnh Bình Dương - địa bàn tập trung hàng vạn công nhân từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đến mưu sinh. Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Bình Dương (PC52) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động gia đình đối tượng thuyết phục, khuyên nhủ người thân họ ra đầu thú. Điều này không chỉ thể hiện sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước, tính nhân đạo của pháp luật đối với những người phạm tội mà đây còn là niềm tin để những người phạm tội quay về nẻo thiện.

Như trường hợp của đối tượng Trần Văn Quyết (24 tuổi, quê quán Nghệ An) phạm tội trộm cắp tài sản. Sau nhiều ngày nghiên cứu hồ sơ vụ án, đặc điểm nhân thân của đối tượng, trinh sát N.V.T., cán bộ Phòng PC52 Công an Bình Dương đã đến tận nơi ở của đối tượng này thể thuyết phục người thân của y.

Qua tìm hiểu mới biết, từ khi chính quyền địa phương thông báo về trường hợp của Quyết thì gia đình này cũng sống mặc cảm, tách biệt với bà con lối xóm. Ngày qua ngày, trinh sát T. lại cùng chính quyền địa phương đến gia đình này để thăm hỏi, động viên cha mẹ của Quyết với mong muốn y sớm ra đầu thú để chấp hành án về sum họp với gia đình, trở thành người có ích cho xã hội. Đáp lại những tình cảm đó mà Quyết đã quyết định nghe theo gia đình đến cơ quan Công an đầu thú.

Cố nén những giọt nước mắt xót xa đang lăn dài trên khuôn mặt hằn sâu nét khắc khổ, ông T.V.T., cha của Quyết, sẻ chia: “Khi nhận được thư kêu gọi đầu thú của Công an tỉnh Bình Dương, gia đình chúng tôi vô cùng bất ngờ, đau xót khi biết tin con em mình phạm tội. Được sự quan tâm của cán bộ Công an và chính quyền địa phương gia đình tôi đã khuyên nhủ cháu sớm ra đầu thú để nhận được sự khoan hồng của pháp luật”.

Lìu Hảo Phú (22 tuổi, ngụ huyện Dầu Tiếng) bị truy nã về tội trộm nghiêm trọng. Sau khi gây án, Phú đã bỏ trốn xuống TP Hồ Chí Minh rồi về khu công nghiệp ở thị xã Dĩ An “đội lốt” phụ hồ, bốc vác... để lẩn trốn.

Các đối tượng được cơ quan Công an vận động ra đầu thú.

Đối tượng từng nói với gia đình rằng, sẽ không chịu đến cơ quan Công an đầu thú vì mặc cảm về tội lỗi của bản thân mình. Chính sự quan tâm của các trinh sát với người thân của Phú như gia đình và mong muốn người em như Phú sớm được hưởng khoan hồng khiến y phải thay đổi suy nghĩ. Thế là, Phú quyết định đến Công an tỉnh đầu thú sau gần 1 năm bị truy nã.

Chia sẻ với chúng tôi, Phú cho biết: “Em đã trót phạm tội, nhưng sau một thời gian dài lẩn trốn em cảm thấy việc sống chui nhủi, lén lút thật khổ sở và chẳng khác nào đang khép lại tương lai của chính mình. Chính vì thế, được sự vận động của các anh trinh sát và gia đình, em đã ra đầu thú để nhận sự khoan hồng của pháp luật, sớm cải tạo tốt để trở về làm lại cuộc đời, sống một cuộc đời mới tốt đẹp hơn”…

Theo Đại tá Mai Công Danh, Phó Giám đốc Công an Bình Dương: Nhận thức công tác “dân vận” rất quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú nói riêng, Công an Bình Dương đã đẩy mạnh phối hợp cùng các cấp chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả công tác này.

Năm 2014 đến nay, Phòng PC52 Công an Bình Dương đã bắt, vận động đầu thú và thanh loại 196 đối tượng có quyết định truy nã của Công an các tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó có 53 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm lẩn trốn ở nhiều khu công nghiệp trên địa bàn; hơn 80 đối tượng được vận động ra đầu thú nhằm hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
C.Bình
.
.
.