Làm rõ nhiều vụ án mạng do mâu thuẫn

Thứ Tư, 25/05/2016, 08:03
Liên tiếp xảy ra các vụ án mạng tại TP HCM khiến nhiều người tử vong và thương tích nặng mà nguyên nhân chỉ là những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt hằng ngày. Các đối tượng không giải quyết mâu thuẫn bằng lý lẽ mà sử dụng bạo lực, tước đi mạng sống của người khác. 


Nhìn lại các vụ án, chưa bao giờ chúng tôi thấy mạng người rẻ rúng như hiện nay. Các đối tượng gây án đều nằm trong lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, thiếu suy xét trong giải quyết mâu thuẫn, không nghĩ đến hậu quả do mình gây ra, thiếu kỹ năng sống và sử dụng những cái đầu nóng để xử lý tình huống.

Công an quận Gò Vấp phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP HCM tiến hành truy xét 2 đối tượng gây ra cái chết cho anh Huỳnh Anh Dũng (48 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, người trông coi cửa hàng chim). 

Trưa 12-5, anh Dũng đang ngồi trông cửa hàng thì có 2 thanh niên đến hỏi mua đồ ăn cho chim rồi chê anh Dũng bán mắc. Giữa hai bên xảy ra mâu thuẫn, đến chiều tối 2 đối tượng quay lại và dùng hung khí đâm anh Dũng tử vong.

Trong lớp học, Lê Đoàn Phước Khang (16 tuổi, ngụ quận Tân Phú) mâu thuẫn với T. nên Khang hẹn T. ra ngoài nói chuyện để giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên khi đến điểm hẹn, Khang không gặp T. mà còn bị bạn của T. là Trần Thanh Tuấn (15 tuổi, ngụ quận Tân Phú) đuổi đánh. Bực tức vì chưa “trả thù” được, Tuấn gọi điện kêu Khang ra siêu thị Aeon (quận Tân Phú) để giải quyết mâu thuẫn. 

Các đối tượng nhỏ tuổi trong các vụ hỗn chiến dẫn đến chết người gần đây tại TP HCM.

Lo sợ bị Tuấn đánh, Khang nhờ Trần Minh Hiếu (17 tuổi, ngụ huyện Củ Chi), Nguyễn Tiến Hoàng Anh (16 tuổi, ngụ quận Tân Phú), Phạm Công Nhật (19 tuổi, ngụ quận Bình Tân) giải quyết mâu thuẫn giùm mình và được 3 đối tượng này nhận lời. Để đề phòng đối phương nhiều người, các đối tượng rủ thêm một số thanh niên khác và mang theo hung khí đến điểm hẹn. 

Về phần Tuấn, khi Khang đồng ý đến điểm hẹn, Tuấn rủ thêm Nguyễn Phước Sang (17 tuổi, ngụ quận Bình Tân) và một số đối tượng khác mang hung khí đến điểm hẹn chờ sẵn. Khi đến nơi, hai nhóm lao vào dùng hung khí tấn công khiến Sang bị nhiều vết chém trên người và tử vong trên đường đi cấp cứu.

Ngồi chờ nhận thi thể anh Huỳnh Văn Sang (28 tuổi, quê Tiền Giang) tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (Bình Thạnh) đem về quê an táng, người nhà của anh Sang cũng không thể ngờ rằng, chỉ vì một món tiền nợ nhỏ khi làm chung trong nhà hàng mà 2 đối tượng Trần Đông Quốc (29 tuổi) và Lê Nhựt Tân (24 tuổi, cùng quê Đồng Nai) đã ra tay tước đi mạng sống của anh. 

Chiều 10-5, anh Sang đến trông nhà giúp bạn gái trên đường Đinh Tiên Hoàng, phường 1, quận Bình Thạnh thì Quốc và Tân đến. Giữa hai bên xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau bởi món tiền mà anh Sang mượn Quốc trong chỗ làm. 

Trong lúc đánh nhau, Quốc dùng 2 con dao thủ sẵn trong người đâm anh Sang tử vong. Khi bị bắt, 2 đối tượng khai nhận, do mâu thuẫn nợ nần khi còn làm chung tại một quán ăn trên địa bàn quận 1, TP HCM, Quốc đòi nhiều lần nhưng anh Sang không trả. Bực tức Quốc mua 2 con dao và nhờ Tân chở đi tìm anh Sang để giải quyết.

Những án mạng liên tiếp xảy ra, những nạn nhân đa phần tuổi đời còn khá trẻ và những nguyên nhân dẫn đến những vụ giết người trên cũng đa phần là mâu thuẫn nhỏ nhặt. 

Từng là nạn nhân của các đối tượng nhỏ tuổi này khi va quẹt giao thông, một cán bộ hưu trí ở quận 6 chắt lọc kinh nghiệm: “Ra đường giờ thấy tụi nó ăn nói giang hồ quá, cứ va quẹt là chửi nhau, kéo băng, kéo nhóm tới, lao vào đâm chém mà thấy sợ! Những đứa loắt choắt, tuổi đáng con cháu nhưng đụng đến chúng là chúng chửi thẳng vào mặt mình. Bởi vậy, giờ ra đường, lỡ gặp chuyện cũng phải chủ động “xin lỗi”, nếu không là nhập viện hoặc vĩnh viễn không về nhà được!”.

Tiếp xúc nhiều với các đối tượng trẻ gây án giết người chúng tôi nhận thấy, có rất nhiều đối tượng trong các băng nhóm thực chất không muốn tham gia nhưng bị lôi kéo, rủ rê nên vô tình biến thành tội phạm. Đây là hình thức a dua phổ biến trong các đối tượng gây án. 

Dường như những đối tượng trẻ hiện nay thường sử dụng cái đầu nóng trong cách xử sự, coi trọng việc thắng thua, sử dụng hung khí trả thù người khác bất chấp pháp luật. 

Nhiều vụ án, các đối tượng phải trả giá cho hành vi của mình bằng các vụ án với khung hình phạt cao nhất, tuy nhiên những án phạt này dường như không đủ nặng đối với những đối tượng thiếu kiềm chế, thiếu kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết tình huống…

Sự thiếu quan tâm chăm sóc của gia đình, sự tiêm nhiễm hành vi chém giết nhan nhản trên game bạo lực, sống theo kiểu a dua, bầy đàn, thích thể hiện bản thân, đề cao cái tôi cá nhân cộng thêm việc hung khí mua quá dễ dàng từ đường phố, chợ búa cho đến mạng xã hội, nên việc thủ hung khí trong người và gây án khi mâu thuẫn khá dễ dàng. 

Một cán bộ Phòng PC45 Công an TP HCM cho biết: “Việc phòng ngừa các đối tượng gây án có chủ đích thì còn có thể ngăn chặn, nhưng những vụ án mà các đối tượng gây án trong một phút bốc đồng thì khó có thể phòng ngừa. Tội phạm trẻ bây giờ đa phần dễ bị kích động và sẵn sàng thực hiện hành vi của mình khi đối phương… trên cơ. Các đối tượng dường như thiếu đi kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết tình huống nên khi gây án chỉ muốn thỏa mãn cái tôi của mình mà không nghĩ đến hậu quả. Điều đặc biệt, đa phần các đối tượng gây án đều dính líu đến chất kích thích và game bạo lực. Bởi vậy những vụ án xảy ra, những tình tiết trong vụ án đều giống những hình ảnh chém giết trong game”.

M.Đức
.
.
.