Làm giả hơn 4.000 chứng chỉ tin học, ngoại ngữ bán với giá 'bèo'

Chủ Nhật, 22/03/2015, 13:22
Ngày 21/3, cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, đơn vị đang tiếp tục điều tra làm rõ đường dây làm giả khoảng 4.000 giấy chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trên địa bàn.

Con số này nói lên sự báo động về trình độ thực sự của một bộ phận cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên, khi mà những chứng chỉ ấy chỉ được mua với giá “bèo”, được chứng nhận một cách giản đơn... 

Trước đó, ngày 28/10/2014, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Thái Nguyên tiếp nhận đơn tố cáo của người dân về việc cửa hàng photocopy Trần Nghĩa, địa chỉ số 85 đường Lương Thế Vinh, tổ 8, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên nhận làm chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ mà không cần qua bất kỳ một khoá học hay làm bài kiểm tra nào.

Những người có nhu cầu chỉ cần nộp tiền, ảnh, bản photo CMND, sẽ được Trung tâm tin học, ngoại ngữ quốc tế APOLO (gọi tắt là Trung tâm APOLO) cấp giấy chứng chỉ có dấu đỏ, do Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm cấp, với giá 200.000 đồng/bộ (gồm chứng chỉ tin học và chứng chỉ ngoại ngữ).

Nguyễn Quốc Tuấn (ảnh trái).

Ngày 13/1, cơ quan ANĐT đã triệu tập Trần Văn Nghĩa (41 tuổi), trú tại tổ 29, phường Phú Xá, TP Thái Nguyên, chủ cửa hàng photocopy Trần Nghĩa đến làm việc. Nghĩa khai nhận, bắt đầu hoạt động photocopy từ năm 2000.

Đến khoảng tháng 10 năm 2012 thì được Nguyễn Quốc Tuấn đề nghị hợp tác đặt biển hiệu của Trung tâm APOLO tại cửa hàng, với mục đích tuyển sinh cho trung tâm. Đồng thời Nghĩa được giao thu tiền học phí và phát phiếu học của Trung tâm APOLO cho những ai đến đăng ký học tại cửa hàng. Mỗi trường hợp đến đăng ký, Nghĩa sẽ nhận được “hoa hồng” từ 20.000 - 30.000 đồng.

Trong quá trình hợp tác với Tuấn, Nghĩa đã được Tuấn tư vấn và hướng dẫn “nếu có người đến đặt vấn đề mua chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thì hướng dẫn họ và thu gom giúp”, thủ tục hết sức giản đơn là chỉ cần có 3 ảnh chân dung kích thước 3x4 và bản photo CMND.

Cả hai thỏa thuận, với mỗi chứng chỉ Tuấn thu 50.000 đồng, Nghĩa bán lại với giá 150.000 đồng/chiếc (nếu làm 1 chứng chỉ tin học hoặc ngoại ngữ), hoặc 200.000 đồng/2 chiếc (nếu làm cùng lúc 2 chứng chỉ), số tiền còn lại Nghĩa sẽ được hưởng. Tính từ lúc đó, Nghĩa đã làm với Tuấn được khoảng 100 chứng chỉ bao gồm cả tin học và ngoại ngữ.

Căn cứ vào lời khai của Trần Văn Nghĩa, cơ quan ANĐT đã tiến hành xác minh và triệu tập Nguyễn Quốc Tuấn (37 tuổi), trú tại tổ 8, phường Hương Sơn, TP Thái Nguyên đến làm việc. Tuấn khai nhận, bản thân tốt nghiệp Khoa Điện – Điện tử tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành Công nghệ thông tin. Năm 2000, Tuấn về địa phương nhưng không xin việc làm mà mở các lớp dạy tin học và ngoại ngữ tại nhà riêng.

Đến tháng 2 năm 2005, Tuấn xin giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cá thể, sau đó được Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cấp phép kinh doanh ngành nghề “dịch vụ đào tạo tin học ngoại ngữ”, địa điểm là tổ 11, phường Trung Thành, TP Thái Nguyên.

Đến khoảng năm 2011, Tuấn tự đặt tên cho Trung tâm là “Trung tâm tin học, ngoại ngữ quốc tế APOLO”, đồng thời chuyển đến địa chỉ số 133 đường Z115 thuộc phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Cùng lúc đó Tuấn cũng đặt làm các con dấu hình tròn, dấu nổi, dấu tên, chức danh để nhằm mục đích đóng vào các chứng chỉ.

Đây là trung tâm do Tuấn làm Giám đốc kiêm giáo viên, kinh doanh về loại hình dạy học, đào tạo tin học, ngoại ngữ. Tuy nhiên trung tâm này hoạt động “chui”, không có giấy phép của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên. Kể từ đó, qua nhiều hình thức khác nhau, Tuấn cùng một số đối tượng tiến hành thu gom tài liệu của nhiều người có nhu cầu, rồi ký cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho họ mà không tổ chức thi hoặc kiểm tra kiến thức thực tế. Hiện tại Trung tâm có 2 nhân viên là Ngô Tiến Dũng, giáo viên dạy tiếng Nhật và Chu Thị Thủy, nhân viên trực văn phòng.

Trong quá trình hoạt động tại Trung tâm APOLO, Tuấn đã ký cấp chứng nhận tin học, ngoại ngữ cho khoảng 2.000 người, các phôi chứng chỉ là do Tuấn tự thiết kế và đặt in tại cửa hàng photocopy Mạnh Hùng (ở gần cửa hàng photocopy Trần Nghĩa).

Trong số các chứng chỉ do Tuấn ký cấp, theo Tuấn khai có những người có thời gian học tại Trung tâm APOLO, nhưng có những người không học, không thi tại Trung tâm mà chỉ do cửa hàng photocopy Trần Nghĩa, cửa hàng photocopy Mạnh Hùng, cửa hàng photocopy Trần Bình và một số đối tượng khác cung cấp ảnh và bản photo CMND. Mỗi chứng chỉ cấp ra, Tuấn được hưởng lợi số tiền 50.000 đồng.

Quỳnh Vinh
.
.
.