Kéo giảm án bạo lực cần bắt đầu từ… luật!

Kỳ cuối: Phải “trám” kẽ hở của pháp luật!

Thứ Năm, 15/06/2017, 08:12
Cơ chế để hình thành loại tội phạm sử dụng bạo lực đã rõ; giải pháp để kéo giảm án bạo lực thì những người có trách nhiệm đã tường. Thế nhưng trong thực tế, việc phòng chống loại tội phạm này đang gặp rất nhiều khó khăn do luật còn lỏng lẻo, chồng chéo…


Đại tá Ngô Khắc Hưng, Trưởng Công an quận 10 cho biết các vụ án hình sự có sử dụng bạo lực xảy ra trên địa bàn quận 10 thời gian qua đều được khám phá đạt tỷ lệ trên 90%. Tuy nhiên, trong quá trình chứng minh tội phạm, Công an quận gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đó là một số tội danh “cố ý gây thương tích”, “cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần kích động mạnh”, “cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”…  có ranh giới chưa rõ ràng, sự vận dụng pháp luật chưa thống nhất mà tùy vào nhận thức của từng cán bộ tố tụng nên xảy ra quan điểm trái chiều giữa các cơ quan tố tụng. Từ đó việc xử lý tội phạm chưa đúng với hành vi đã gây ra.

Cán bộ Công an khám nghiệm hiện trường một vụ thanh toán nhau ở quận 4.

Mặt khác, sau khi xảy ra sự việc cố ý gây thương tích, trong khi nạn nhân đang còn chữa trị tại bệnh viện thì các đối tượng gây án đã tìm đến nhà, người thân của nạn nhân để thương lượng, gây áp lực, thậm chí đe dọa để nạn nhân viết đơn bãi nại, không yêu cầu xử lý hình sự và từ chối giám định thương tật.

Mà khi nạn nhân không hợp tác thì không đủ căn cứ để xử lý hành vi này nên đối tượng gây án thoát thân. Tuy nhiên, người dân thì lại nghi ngờ cán bộ Công an tiêu cực dẫn đến làm giảm niềm tin vào lực lượng Công an…

“Thời gian giám định thương tích kéo dài cũng là một trong những trở ngại trong công tác điều tra. Mặt khác, khi vụ án có nhiều đối tượng tham gia gây án, thường không thể bắt cùng lúc hết các đối tượng nên các đối tượng bị bắt đổ tội hết cho đối tượng còn trốn.

Do không thể kiểm chứng ngay nên tạm thời các đối tượng bị bắt được cho người thân bảo lãnh về nhà. Từ đó, chúng liên hệ nhau để bàn bạc khai báo đối phó với cơ quan điều tra nên việc xác định đúng người, đúng tội là không dễ dàng”, Đại tá Hưng cho biết thêm.

Đồng quan điểm, Đại tá Lê Ngọc Phương, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, khó khăn nhất trong công tác điều tra là đối với các vụ án có nhiều đối tượng tham gia thực hiện hành vi bạo lực với một người hoặc nhiều người bằng nhiều loại hung khí, công cụ khác nhau.

Vụ án lại xảy ra nơi vắng vẻ, nạn nhân đã chết, nhân chứng không có, dấu vết hiện trường bị xóa, các đối tượng bị bắt giữ khai báo gian dối, quanh có, chối tội… thì việc xác định hành vi của từng đối tượng là rất nan giải. Nếu không làm kỹ thì rất dễ xảy ra quan điểm khác nhau trong việc xác định tội danh giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Mà chưa có sự thống nhất thì rất khó cho công tác truy tố, xét xử về sau.

Về mặt chủ quan, trong quá trình xử lý các vụ việc hình sự có tính chất bạo lực của Công an các địa phương còn bộc lộ nhiều hạn chế về mặt chuyên môn cũng như tâm huyết của cán bộ, điều tra viên trong việc điều tra, khám phá.

Từ đó dẫn đến thời gian điều tra án bị kéo dài, thậm chí phải đình chỉ điều tra vì quá hạn dẫn đến dư luận trong nhân dân không tốt về lực lượng Công an và làm giảm tính răn đe đối với đối tượng lưu manh, côn đồ hung hãn.

Mặt khác, sự phối kết hợp với Công an cơ sở hiện nay là chưa hiệu quả. Khi tiếp nhận vụ án từ Công an cơ sở chuyển lên, do hồ sơ còn nhiều thiếu sót nên cơ quan điều tra phải làm lại từ đầu nên rất mất thời gian và công sức.

Ngoài ra, theo Đại tá Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng Công an quận 1 thì hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, chưa điều chỉnh kịp thời theo diễn biến thực tế tạo kẽ hở để đối tượng phạm tội lách luật.

Các đối tượng cho vay nặng lãi núp bóng dưới danh nghĩa công ty cho thuê tài chính; đòi nợ thuê mang danh công ty thu hồi nợ… nhưng thực chất là cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen.

Bên cạnh đó, do cán bộ được giao nhiệm vụ xử lý các vụ tố cáo lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (thực chất là tranh chấp dân sự, kinh tế)… còn hạn chế về mặt chuyên môn hoặc thiếu trách nhiệm nên giải quyết không được kịp thời, triệt để. Từ đó dẫn đến việc người bị mất của nhờ các băng nhóm đòi nợ thuê để giải quyết.

Một vấn đề cốt lõi cần giải quyết khác mà chúng tôi đã đề cập ở bài viết trước là “bầu sữa” nuôi nấng bọn tội phạm, tức những cơ sở kinh doanh tệ nạn. Muốn ngăn “nguồn sữa” này hiện nay quá khó bởi luật còn quá nhẹ tay và chưa kín kẽ.

Như tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, theo quy định tại Bộ luật Hình sự, yếu tố chính để xác định một người nào đó có phạm vào tội này là họ phải biết đó là đồ gian nhưng vẫn cố ý mua.

Trong khi thực tiễn chẳng kẻ phạm tội nào lại dại dột khai rằng mình biết đó là đồ gian. Từ đó phát sinh ra một nghịch lý là người nào thành khẩn nhận tội thì bị khởi tố, còn kẻ biết lách luật thì chẳng bị hề hấn gì.

Nhiều cửa hàng mua bán phụ tùng xe gắn máy, phụ tùng ôtô, cửa hành kinh doanh mua bán đồ cũ như laptop, ĐTDĐ… toàn là hàng không rõ nguồn gốc nhưng việc xử lý cũng chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính từ 200 ngàn đến 40 triệu đồng tùy theo giá trị hàng hóa vi phạm.

Với mức phạt này chẳng thấm vào đâu so với nguồn thu nhập bất chính mà họ có được. Nếu pháp luật quy định người kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý hình sự như buôn bán hàng giả, hàng cấm thì có lẽ chuyện mua hàng gian sẽ giảm đáng kể. 

Về những vi phạm trong hoạt động cầm đồ hiện nay được xử lý theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của  Chính phủ.

Theo đó, nhận cầm cố tài sản mà theo quy định tài sản đó phải có giấy tờ sở hữu nhưng không có các loại giấy tờ đó; nhận cầm cố tài sản nhưng không có hợp đồng theo quy định; bảo quản tài sản cầm cố không đúng nơi đăng ký với cơ quan có thẩm quyền… thì bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng.

Trong trường hợp cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có thì bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. Hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong thời hạn từ 6-9 tháng.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, chủ cơ sở cầm đồ chẳng bao giờ chịu nhận mình cầm cố đồ gian, vậy là thoát! Việc xử lý vi phạm vũ trường, nhà hàng, quán bar cũng vậy.

Trong thời gian qua, các Đoàn liên ngành văn hóa – xã hội đã kiểm tra nhiều vũ trường, quán bar, nhà hàng, khách sạn… và phát hiện khá nhiều vi phạm nhưng việc xử lý chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính, chứ chưa thể đề xuất rút giấy phép kinh doanh do vướng phải luật doanh nghiệp.

Vì các lỗi vi phạm ấy hoàn toàn không nằm trong các trường hợp bị rút giấy phép theo luật doanh nghiệp. Đây chính là bất cập dẫn đến việc xử lý sai phạm tại vũ trường, quán bar cũng giống như “bắt cóc bỏ đĩa”!

Nhóm PV
.
.
.