Cần liều vaccine đủ mạnh để ngừa… “virus tham nhũng”

Kỳ 2: Quên điều cấm, trật… “đường ray”!

Thứ Hai, 05/07/2021, 09:25
“Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép”. Đó là nội dung của “điều cấm” đầu tiên trong 19 điều đảng viên không được làm.

Với một số cán bộ giữ chức vụ chủ chốt, họ còn thấm nhuần nhiều giá trị cốt lõi về sứ mệnh “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Thế nhưng kết cuộc của họ lại là các quyết định kỷ luật, thậm chí là các bản án hình sự. Đó là hệ lụy do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, phớt lờ những quy định mang tính nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Như là một tất yếu, một khi đã bỏ qua “điều cấm”, cùng với động cơ không trong sáng, con người ta khó có thể làm đúng...

Núi Chín Khúc đã bị “băm nát” để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự.

Vi phạm “điều cấm”

Trung tuần tháng 6 vừa qua, dư luận không khỏi giật mình khi được biết, nhiều lãnh đạo của tỉnh Bình Dương (nhiệm kỳ 2015-2020) đã vi phạm những điều đảng viên không được làm, trong đó có việc hợp thức hóa tài liệu để che giấu vi phạm (ký văn bản rồi ghi lùi ngày) liên quan diện tích lớn “đất vàng” tại trung tâm của thành phố mới Bình Dương. Sau khi các sai phạm được Trung ương công bố, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã họp, chính thức nói lời xin lỗi nhân dân và nhìn nhận nguyên để xảy ra sai phạm là “do Thường trực Tỉnh ủy, các cá nhân có liên quan thiếu kiểm tra, giám sát, đồng thời xuất phát từ mục đích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chung của tỉnh, không có tư lợi, vụ lợi, không có lợi ích nhóm.

Qua vụ việc này, Tỉnh ủy cũng rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo”. Tin một phần lý giải vừa kể, người dân cảm thấy rất tiếc khi “bài học kinh nghiệm” ấy được “rút ra” có phần muộn màng. “Đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm và dám chịu trách nhiệm” từng được xem là một giá trị cốt lõi của Bình Dương. Thế nhưng một số cán bộ lãnh đạo lại giẫm đạp và gây tổn hại, sứt mẻ giá trị đó.

Đã là cán chủ chốt, chắc chắn ai cũng đều phải “nằm lòng” và thừa hiểu phải thực hiện nghiêm quy chế làm việc, quy định, nguyên tắc của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Như trong vụ án xảy ra tại IPC, hơn ai hết, ông Tất Thành Cang, khi đó là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thừa biết khi chưa có ý kiến thống nhất của tập thể Ban thường vụ (BTV) Thành ủy, không ai có quyền định đoạt tài sản của IPC bởi đây là DN của Thành ủy.

Biết nhưng ông Cang vẫn ký phê duyệt cho IPC chuyển nhượng 32ha đất cho DN khác. Với giá bán chỉ 1,29 triệu đồng/m2, khu đất rất đẹp nằm cạnh sông Sài Gòn rốt cuộc thu về chưa được 420 tỷ đồng, gây thất thoát hơn 154 tỉ đồng. Với Khu dân cư Ven Sông (quận 7) cũng tương tự. Quá trình IPC chuyển nhượng, hoán đổi góp vốn và chuyển nhượng một phần dự án này, ông Cang đã góp phần gây thiệt hại gần 80 tỷ đồng. Những con số này sẽ “khủng” hơn nhiều nếu giá đất được tính sát theo giá thị trường.

Nhìn vào hàng loạt nội dung kết luận được Thanh tra Chính phủ công bố gần đây, người ta dễ nhận ra điểm chung. Đó là tại những nơi có tốc độ đô thị hóa, phát triển công nghiệp “nóng”, thu hút nhiều dự án bất động sản, du lịch đình đám, giá đất đai biến động và thường xuyên lên cơn “sốt”, thì cũng chính là nơi hay xảy ra sai phạm. Và thật đáng ngại khi sai phạm trở nên phổ biến, dính líu đến cán bộ chủ chốt lại như một điều mặc nhiên.

Ở “thiên đường du lịch” Phú Quốc, từng xảy ra cơn “sốt đất” kéo dài. Đâu phải hoàn toàn do “cò đất” mà có phần “tiếp sức” của cán bộ. Chỉ trong vài tháng, Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang đã cho tách gần 18.000 thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ hơn 500m2. Cùng với sự buông lỏng khác tại địa phương, hàng trăm, hàng nghìn công trình hạ tầng “chui” mọc lên trên đất nông nghiệp, phục vụ mục đích phân lô, bán nền…

Tại Bình Thuận - địa phương có tiềm năng về du lịch biển, gắn với những đồi cát đẹp, thơ mộng, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp cung cấp các văn bản chỉ đạo, hiệp thương và hướng dẫn UBND tỉnh này thực hiện 9 dự án bất động sản có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong số đó, có khu đô thị du lịch biển Phan Thiết quy mô khoảng 62ha (tiền thân là sân golf Phan Thiết), nằm tại một trong những vị trí đắc địa nhất TP biển Phan Thiết do Công ty CP Rạng Đông làm chủ đầu tư. Nhiều sai sót, bất thường tại dự án này từng được Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ phát hiện.

Nhìn vào các dự án mà Cơ quan điều tra đề cập tới (như dự án khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương; dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long, TP Phan Thiết; dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2), ai cũng thắc mắc khi thấy “đất vàng” nhưng chẳng qua đấu giá. Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng vừa đề nghị cục thuế tỉnh này cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến nghĩa vụ tài chính thực hiện dự án của 8 DN, của hàng chục dự án.

Sai, xử nhẹ do… nể nang (?)  

Sau nhiều vụ việc được phanh phui, người dân nhận thấy, đâu đó vẫn còn biểu hiện hô hào, hình thức khi thực hiện các chủ trương lớn của Đảng. Không ai khác - chính cán bộ bị “túyt còi” có sai phạm cũng là người rất thường xuyên chủ trì các cuộc họp và nói nhiều về những giá trị chuẩn mực, trách nhiệm nêu gương của đảng viên, người đứng đầu về cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Thế nhưng khi sai phạm của bị phát hiện, họ lộ ra một con người “nói một đằng, làm một nẻo”.

Trước khi bị bắt, một lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết trung bình mỗi tháng ông ký 700 - 800 chữ ký. Và do ký quá nhiều nên có nhiều văn bản liên quan đến chỉ định thầu, giá đất,… không đúng (?). Cán bộ chủ chốt hiện nay đều được đào tạo, học hành bài bản; kinh nghiệm dày dạn. Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa bị bắt là tiến sỹ. Ông Tất Thành Cang là Thạc sỹ, lại là Thạc sỹ luật. Nhìn vào sai phạm chỉ trong 2 vụ án đã kể, điểm chung chính là ông Cang tự cho mình cái quyền cao hơn cả tập thể BTV Thành ủy. Chính điều đó đã tiếp sức cho tội phạm, gây hậu quả nặng nề. 

Trong vụ Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI, DN 100% vốn nhà nước) cho “bán lúa non” dự án khu nhà ở tại Thủ Đức, chữ ký của cựu phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến đã tạo điều kiện cho DN này hoàn tất thủ tục bán dự án trái pháp luật, gây thiệt hại hơn 670 tỉ đồng. Phụ trách lĩnh vực kinh tế, tài chính, xây dựng, quản lý đô thị của địa phương “đầu tàu” với  nguồn thu ngân sách mỗi năm chiếm 27% tổng thu ngân sách quốc gia nhưng sau khi bị bắt, ông Tuyến thanh minh nhẹ tênh rằng mình sai phạm “một phần do nể nang ông Lê Tấn Hùng là em trai nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh”.

Nể nang đến mức quên cả pháp luật, quá nguy hiểm. Càng nguy hiểm khi điều đó không dừng lại chỉ ở một cá nhân. Một cán bộ cho biết, trước khi bị khởi tố (7/2019), ông Hùng từng được “nâng lên, đặt xuống” nhiều lần. SAGRI bị phát hiện nhiều sai phạm, ông Hùng chỉ bị… khiển trách. Khi có nhiều ý kiến rằng xử thế là chưa tương xứng, thành phố đã phải lập hội đồng kỷ luật mới, xem xét lại,  nâng mức kỷ luật thành cảnh cáo. Có thể cũng do nể nang mà tới khi xem xét xử lý vi phạm, trong số gần 20 người dính tới các sai phạm, chỉ 3 người còn trong thời hiệu, trong đó có ông Hùng, có đến 4 nội dung kỷ luật mức cảnh cáo.

Một thực tế đang khiến dư luận băn khoăn, đó là việc khắc phục, thu hồi tài sản từ những vụ sai phạm cũ lại rất chậm chạm. Tại Khánh Hoà, tổng số tiền vi phạm (do không đấu thầu chọn nhà đầu tư, không đấu giá đất, tài sản trên đất, cho triển khai trái quy hoạch và kế hoạch SDĐ, miễn giảm tiền thuê đất không đúng quy định... qua việc chuyển đổi hơn 30 dự án nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác, giai đoạn từ đầu 2010 đến giữa 2017) mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra, kiến nghị cấp thẩm quyền chỉ đạo thu hồi lên đến 1.062 tỷ đồng. Thế nhưng đến nay, tỉnh này mới thu hồi chỉ vừa hơn con số lẻ (gần 67 tỷ đồng).

“Mới đây, Ban Bí thư đã ban hành chỉ thị số về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Hy vọng các giải pháp được đưa ra sẽ nâng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tăng cao hơn so với mức 32,04% - tỷ lệ trung bình giai đoạn 2013-2020”, một điều tra viên Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh nói.

Binh Huyền
.
.
.