Kiên quyết xử lý “tín dụng đen” tại TP Hồ Chí Minh

Chủ Nhật, 02/12/2018, 08:27
TP Hồ Chí Minh là một trong những vùng trũng tội phạm, tệ nạn của cả nước. Riêng cho vay nặng lãi (CVNL), theo một điều tra sơ bộ của Công an TP Hồ Chí Minh, toàn địa bàn có gần 600 đối tượng có dấu hiệu tham gia hoạt động này. Đi cùng với hoạt động  này là hàng ngàn đối tượng đòi nợ thuê, hành xử theo “luật rừng” hoặc núp bóng dưới danh nghĩa các công ty đòi nợ thuê hoạt động có giấy phép.


Tuy nhiên, dù đòi nợ theo hình thức nào thì những kẻ “thực thi nhiệm vụ” cho hoạt động “tín dụng đen” đều phải sử dụng “chiêu bẩn” và... “nắm đấm”. Nhẹ thì trộn sơn với mắm tôm, lòng thối tạt vào nhà; trung bình thì đánh dằn mặt, bắt cóc, dọa giết; còn nặng thì đánh “con nợ” hoặc người có liên quan đến tàn phế, tử vong...

Một người vay, nhiều người... “sống trong sợ hãi”

Cách đây 1 tuần - ngày 21-11, Công an quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh lập hồ sơ xử lý Nguyễn Ngọc Ngân (23 tuổi, ngụ quận 3, TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Phi Hùng (16 tuổi, quê Ninh Thuận) và Trương Quốc Khánh (29 tuổi, quê Bạc Liêu; cùng tạm trú tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) về hành vi “Bắt giữ người trái pháp luật”, “Cố ý gây thương tích” và “Huỷ hoại tài sản”.

Theo Công an quận Bình Tân, nạn nhân của 3 đối tượng  trên là chị N. (24 tuổi, ngụ quận Bình Tân). Chị N. vay tiền góp của Ngân 2 triệu đồng với lãi suất 25%/ tháng, trả góp 24 ngày, mỗi ngày 100 ngàn đồng.

Nhóm đối tượng khống chế con nợ được Công an quận 12 giải cứu.

Trả lãi được vài ngày, chị N. vay tiếp của Ngân 1,5 triệu đồng với lãi suất tương tự, mỗi ngày trả góp 75 ngàn đồng nhưng sau đó chị N. mất khả năng chi trả. Khoảng 22h30 ngày 17-11, Ngân chạy xe máy đến phòng trọ chị N. thu tiền nhưng không gặp. Anh H. chồng chị N. lời qua tiếng lại với Ngân nên hai bên xảy ra mâu thuẫn.

Anh H. dùng tay đánh vào mặt Ngân rồi bỏ chạy. Bực tức, sau khi quay về nhà, Ngân huy động nhiều đồng bọn (trong đó có Hùng và Khánh) quay trở lại nhà chị N. Nhóm người này đạp cửa xông vào đập phá vật dụng trong phòng trọ rồi dùng khăn bịt mắt, bắt chị N., đưa đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Bình Tân) đánh đập buộc chị N. phải gọi chồng đến để nói chuyện phải quấy. Anh H. sợ không đến, chị N. bị ngất xỉu nên chúng chở chị N. đến ngã tư Bình Long - Tân Kỳ - Tân Quý bỏ chị giữa đường rồi tẩu thoát.

Cũng bị đánh đập tương tự là trường hợp của chị V.A (ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh). Công an quận 12 cho biết chị V.A vay của Nguyễn Văn Năm (27 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Phúc) 25 triệu đồng với lãi suất 15%/tháng. Sau đó chị V.A còn đứng ra bảo lãnh cho một số người quen vay của Năm với số tiền 70 triệu đồng.

Tuy nhiên, những người này vay tiền chủ yếu để tiêu xài nên sau đó không có khả năng trả nợ. Vì mất một khoản tiền lớn nên Năm cùng nhóm giang hồ dưới trướng bắt giữ V.A đưa vào một quán nhậu. Tại đây, các đối tượng bắt chị V.A phải gọi điện cho chồng đem tiền đến trả.

Cứ 10 phút trôi qua, không thấy chồng V.A đến thì các đối tượng tiến hành một trận ra đòn. Qua cách nói chuyện của vợ qua điện, nghi ngờ vợ mình bị bắt cóc, chồng chị V.A trình báo Công an quận 12. Khi bắt giữ Năm cùng đồng bọn, cơ quan Công an thu giữ nhiều tờ rơi, giấy nợ của rất nhiều “con nợ”.

Trước vụ việc vừa kể không lâu, Công an quận 8 cũng đã làm rõ đối tượng đã tạt mắm tôm pha với sơn đỏ trước nhà bà  Nguyễn Thị B. (ngụ hẻm 215 Bông Sao, phường 5, quận 8). Lê Bình Minh (31 tuổi) và Nguyễn Văn Thiện (25 tuổi, cùng quê Hải Phòng, tạm trú phường 13, quận 6) thừa nhận trước đó đã cho con trai bà B. là Nguyễn Hiếu Th. (20 tuổi) vay (của Thiện) số tiền 7 triệu đồng, góp cả vốn lẫn lãi mỗi ngày 280 triệu đồng trong vòng 30 ngày.

Khi Th. chậm trả tiền và đi đâu không rõ, Thiện kêu Minh và Trần Văn Biên (quê Lào Cai, tạm trú phường 13, quận 8) và Nguyễn Văn Minh (33 tuổi, quê Hải Phòng) đến nhà “con nợ” liên tiếp uy hiếp bằng hành vi trên, mục đích là để khủng bố tinh thần gia chủ để đòi nợ.

Công an quận 11 cho biết ông N.T.B trình báo ông có vay của ông V. (ngụ quận 11) số tiền 130 triệu đồng với lãi suất 12%/tháng để làm vốn kinh doanh. Sau khi trả vốn lẫn lãi được 88 triệu đồng thì ông B. mất khả năng chi trả.

Sáng 11-11 vừa qua, V. tìm đến nhà để đòi nợ và yêu cầu ông B. ký giấy mượn nợ là 300 triệu đồng. Thấy quá bất hợp lý, ông B. không chấp nhận thì bị ông V, đạp té đập đầu vào cửa sắt. Thấy em trai bị đánh, bà Đ. cùng chồng là ông K. xông vào can ngăn thì cũng bị V. đánh túi bụi. Kết cuộc, ông K. bị chấn thương vùng ngực, gãy xương sườn và tổn thương phổi.

Không chỉ bị thương tích do có người nhà vay nặng lãi mà có người đã mất mạng dù chẳng liên quan đến chuyện nợ vay. Đó là trường hợp của anh Võ Thanh Quân (ngụ quận 3). Cách đây không lâu, bà V.N.O. (mẹ anh Quân) có vay của M. một số tiền để xoay xở lúc khó khăn nhưng sau đó không có tiền để trả.

Tối 8-11, M. cùng nhiều đối tượng tìm đến nhà bà O. đòi tiền nhưng chỉ có anh Quân ở nhà. Lời qua tiếng lại vài câu, nhóm M. dùng dao đâm anh Quân thiệt mạng rồi bỏ trốn nhưng đã bị bắt đúng 1 tuần sau đó khi đang lẩn trốn tại tỉnh Thái Bình. Cơ quan điều tra cho biết, M. còn là một mắt xích quan trọng liên quan đến nhiều băng nhóm “tín dụng đen” và đâm thuê, chém mướn trên địa bàn thành phố...

Đừng tự mình đưa đầu vào “thòng lọng”

Hoạt động “tín dụng đen” có mặt khắp cộng đồng dân cư nhưng số đối tượng bị bắt giữ, xử lý về hành vi “cho vay nặng lãi” lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thường những đối tượng này “xộ khám” là từ các hành vi phạm tội khác như “Bắt giữ người trái pháp luật”, “Cưỡng đoạt tài sản”, “Cố ý gây tương tích”.

Thượng tá Nguyễn Quang Thắng, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh lý giải: “Các đối tượng thường ngụy trang hành vi CVNL bằng các hợp đồng mua bán xe trả góp chỉ cần hộ khẩu, CMND, người vay không cần làm hợp đồng vay.

Sau đó người vay tiền phải kí giấy bán ôtô, xe máy cho đối tượng và hợp đồng thuê lại chính tài sản của mình để trả tiền góp hằng ngày. Chúng đối phó như vậy nên cơ quan điều tra rất khó để chứng minh hành vi CVNL.

Đó chính là cái bẫy của “tín dụng đen” nên người dân phải hết sức cảnh giác. Cơ quan Công an rất cần sự hợp tác từ phía người dân. Khi phát hiện đối tượng CVNL hãy tố giác đến cơ quan Công an để có biện pháp xử lý”.

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Quang Thắng, hiện Công an thành phố đã lên danh sách gần 600 đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động “tín dụng đen”. Công an các đơn vị, địa phương  đang thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý.

Công an thành phố cũng đang tăng cường kiểm tra hành chính các công ty đòi nợ, công ty tài chính, các dịch vụ cầm đồ núp bóng CVNL để kịp thời xử lý sai phạm và răn đe chung; đồng thời, tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, không nên vay tiền của các đối tượng CVNL nhất là từ các thông tin ở “ngân hàng cột điện”.

Bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng Công an, theo chỉ đạo của UBND thành phố, các đơn vị chức năng đang tích cực thực hiện việc xử lý hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh nơi công cộng trên địa bàn, nhất là quảng cáo rao vặt cho vay tiền, làm bẩn phố phường.

Sở Thông tin và Truyền thông tích chực cung cấp thông tin chủ thuê bao có số điện thoại quảng cáo rao vặt không đúng nơi quy định để các đơn vị có cơ sở xử phạt theo quy định. UBND thành phố cũng vừa kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh.

Bởi hoạt động kinh doanh này phức tạp, có liên quan đến ANTT, an toàn xã hội và dễ bị các phần tử xấu lợi dụng hoạt động theo kiểu “xã hội đen”.

Thời gian qua, Báo CAND từng có nhiều bài viết phản ánh về hoạt động “tín dụng đen” và đòi nợ thuê tại TP Hồ Chí Minh. Khi được đặt câu hỏi, lãnh đạo nhiều cơ quan chức năng thành phố cũng đã đề ra nhiều giải pháp phòng, chống nhưng thực tế vấn nạn này vẫn diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân chính là do pháp luật còn nhiều kẽ hở dẫn đến việc xử lý hành vi CVNL rất khó khăn. Nhìn nhận vấn đề một cách sòng phẳng hơn, vấn nạn này còn tồn tại phần lớn xuất phát từ lỗi của nạn nhân.

Kẻ cho vay cũng có lý khi cho rằng họ hoàn toàn không ép buộc ai vay tiền của mình mà thậm chí nạn nhân còn van nài thì họ mới cho vay. Trên thực tế, qua tìm hiểu của PV Báo CAND, nạn nhân của kẻ CVNL chỉ có phần ít là do hoàn cảnh bi đát, cùng đường không còn sự lựa chọn nào khác.

Còn phần lớn người vay lãi nặng sử dụng vào mục đích phi pháp như đánh bài, đánh đề, cá độ… hoặc làm liều, thiếu tính toán trong việc kinh doanh, không phòng hờ đến khả năng rủi ro nên khi làm ăn thất bại đã để lại khoản nợ, lãi khổng lồ. Đến khi kiệt quệ, than thân trách phận thì đã muộn.

Điều đáng nói hơn là không chỉ người vay nhận lãnh hậu quả do mình gây ra mà họ còn liên lụy đến người thân. Bên cạnh việc bịt kín kẽ hỡ pháp luật để xử lý đối tượng CVNL, chính quyền và ngành chức năng cần tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về hậu quả của việc vay nặng lãi để mọi người thức tỉnh, tránh xa “thòng lọng” có thể siết cổ mình và người thân bất cứ lúc nào.

Nhóm PV
.
.
.