Kiên quyết thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng

Thứ Ba, 10/06/2014, 19:16
Điều không bình thường ở đây là vì sao số tiền mà bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt lên đến 264 tỷ đồng, gấp hơn 500 lần số tiền định khung hình phạt cao nhất của tội phạm này mà không bị áp dụng hình phạt tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản được quy định tại khoản 5 Điều 139 Bộ luật hình sự?

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, bên cạnh việc chứng minh, làm rõ và xử lý nghiêm minh tội phạm, thì việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân, là một nhiệm vụ quan trọng. Bộ luật hình sự hiện hành của Nhà nước ta đã quy định cụ thể về các hình phạt tiền, tịch thu tài sản, các biện pháp tư pháp về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm và trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại...

Thực hiện những quy định trên, thời gian qua, trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều cố gắng thu hồi tài sản bị chiếm đoạt cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân, góp phần khắc phục những thiệt hại về vật chất do tội phạm gây ra cho xã hội. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2013, cùng với việc khám phá, điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng, Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân đã thu hồi cho Nhà nước trên 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tài sản được thu hồi chiếm tỷ lệ thấp so với số tài sản bị chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân tội phạm kinh tế, tham nhũng không từ bất kỳ thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nào để che giấu, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, thu hồi tài sản bị chúng chiếm đoạt.

Trong vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, dư luận xã hội băn khoăn đặt câu hỏi về sự không bình thường, thiếu sự nghiêm minh cần thiết của pháp luật trong bản án đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Đặc biệt, ngoài việc bị cáo Nguyễn Đức Kiên chỉ phải nhận mức án 30 năm tù, Tòa án đã tuyên phạt bị cáo này số tiền trốn thuế hơn 75 tỷ đồng; phạt tiền 100 triệu đồng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án những tài sản mà Cơ quan điều tra đã kê biên của Nguyễn Đức Kiên. Đồng thời, buộc Công ty B&B do bà Đặng Ngọc Lan, vợ Nguyễn Đức Kiên làm Tổng giám đốc nộp hơn 25 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp đã trốn trong năm 2009 cho Chi Cục thuế quận Đống Đa, thành phố Hà Nội để nộp Ngân sách Nhà nước.  

Điều không bình thường ở đây là vì sao số tiền mà bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt lên đến 264 tỷ đồng, gấp hơn 500 lần số tiền định khung hình phạt cao nhất của tội phạm này mà không bị áp dụng hình phạt tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản được quy định tại khoản 5 Điều 139 Bộ luật hình sự?

Để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, dư luận cho rằng ngoài việc phải tuyên hình phạt chính tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội đối với các hành vi phạm tội mà các bị cáo đã gây ra, bị cáo Nguyễn Đức Kiên còn bị áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản được quy định tại khoản 5 Điều 139 Bộ luật hình sự như đã nêu. Việc làm này là để thực hiện nguyên tắc xử lý tội phạm được quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật hình sự: “Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố, chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng...”, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa; giáo dục mọi người ý thức tuân thủ pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm

Minh Văn
.
.
.