Không có vùng cấm trong công tác đấu tranh chống tội phạm

Thứ Bảy, 21/07/2018, 10:27
Việc xử lý ông Phan Văn Vĩnh - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an và ông Nguyễn Thanh Hóa - Nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50)- Tổng cục Cảnh sát cho thấy, quan điểm chỉ đạo triệt để, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không có vùng cấm.


Từ kết quả điều tra vụ án “Tổ chức đánh bạc” trực tuyến trên mạng Internet, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã có căn cứ làm rõ hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của ông Phan Văn Vĩnh - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an và ông Nguyễn Thanh Hóa - Nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50)- Tổng cục Cảnh sát.

Với chức trách nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và ngành giao cho, thay vì phải thực thi đầy đủ chức trách phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh xử lý tội phạm, hai bị can đã lợi dụng vị trí công tác được giao, trực tiếp hoặc gián tiếp giúp sức cho các đối tượng tổ chức đánh bạc trực tuyến bằng game bài RikVip/TipClub, gây bức xúc trong dư luận nhân dân, gây hậu quả xấu cho xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của lực lượng CAND. 

Việc xử lý các bị can nguyên là cán bộ Nhà nước cho thấy, quan điểm chỉ đạo triệt để, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không có vùng cấm.

Ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa.

Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ xác định: Khi biết Công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, ông Vĩnh không ngăn chặn, xử lý mà còn ký văn bản đề nghị Bộ Thông tin truyền thông tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tổ chức đánh bạc của Công ty CNC. 

Còn ông Hóa không chỉ tham mưu, ban hành các văn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi tổ chức đánh bạc mà còn bao che, không cho các phòng nghiệp vụ có chức năng phòng, chống tội phạm công nghệ cao được xác minh, xử lý. 

Khi lãnh đạo Bộ Công an phát hiện Công ty CNC vận hành 2 game bài RikVip.com và 23zdo.com là đánh bạc trá hình có dấu hiệu vi phạm pháp luật, yêu cầu có báo cáo. 

Nhưng ông Vĩnh và ông Hóa báo cáo không đúng sự thật và cũng không chỉ đạo ngăn chặn hành vi tổ chức đánh bạc. Ông Vĩnh đồng thời đã chỉ đạo cấp dưới ký tiếp văn bản đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông cấp giấy phép cho vận hành game bài đánh bạc của Công ty CNC.

Trong vụ án này, bị can Vĩnh là người đứng đầu Tổng cục Cảnh sát, được Đảng, nhà nước, Bộ Công an giao cho thực hiện chức năng, nhiệm vụ cao nhất trong đấu tranh, phòng chống tội phạm của lực lượng Cảnh sát. Nhưng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình làm trái công vụ tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm thực hiện hành vi “Tổ chức đánh bạc” gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đồng thời làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng CAND. 

Điều đáng tiếc là trong quá trình công tác ông Vĩnh đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ An ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều huân, huy chương, bằng khen, là thương binh hạng 2/4.

Ông Nguyễn Thanh Hóa là người đứng đầu trong cơ quan phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cũng không làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, làm trái công vụ tạo điều kiện thuận lợi cho bị can Nguyễn Văn Dương và đồng phạm thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 

Đồng thời, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. 

Ông Hóa ngoài việc có nhân thân tốt, là con của liệt sĩ, quá trình công tác đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương, bằng khen đã có ý thức tự nguyện nộp số tiền 700 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Mai Anh
.
.
.