Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và vận tải Trường Phát:

Không có chức năng vẫn môi giới việc làm

Chủ Nhật, 09/06/2013, 10:31
Họ là những người đàn ông đã có không dưới chục năm kinh nghiệm lái xe. Khi kinh tế cả nước suy thoái, họ rơi vào cảnh thất nghiệp. Cầm bộ hồ sơ đẹp trên tay đi tìm việc làm, họ không ngờ rằng có ngày mình phải trở đi trở lại cái văn phòng nho nhỏ trên phố Phạm Văn Đồng (huyện Từ Liêm, Hà Nội) để đòi tiền đặt cọc.

Rồi họ lại tìm đến Báo CAND, phản ánh những nghi ngờ về cái nơi mà họ từng đặt niềm tin tìm việc, những mong cảnh báo cho các lao động khác thận trọng khi đi tìm việc.

Đi tìm việc ăn phải “bánh vẽ”

Anh Kiều Văn Năng, anh Trần Viết Tường ở thôn Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội; anh Nguyễn Văn Vinh ở ngõ Huy Văn, quận Đống Đa, Hà Nội… cùng tìm đến Báo CAND trong tâm trạng bức xúc.

Anh Năng cho biết, anh 43 tuổi và đã có thâm niên hơn 10 năm lái xe cho một doanh nghiệp của Tổng Công ty Sông Đà. Khi doanh nghiệp giảm biên chế, anh thất nghiệp và phải đi tìm một công việc mới. Anh lên mạng Internet tìm việc phù hợp với khả năng. Quảng cáo tuyển lao động làm lái xe của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Vận tải Trường Phát (địa chỉ tại số 439 Phạm Văn Đồng, huyện Từ Liêm, Hà Nội) ngay lập tức đã hấp dẫn anh. Anh và anh Trần Viết Tường lao đến văn phòng của công ty này nộp hồ sơ.

“Họ giới thiệu công việc lái xe thời gian 8 tiếng một ngày, thứ 7, chủ nhật nghỉ, mức lương tháng đầu là 7 triệu đồng/tháng, từ tháng sau trở đi sẽ là 8 triệu đồng. Đang thời buổi suy thoái kinh tế mà được trả mức lương như vậy thì hơn cả mơ ước còn gì” – anh Năng tâm sự. Anh bảo, thấy biển hiệu của công ty ghi bên trên là “Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội”, trụ sở công ty đàng hoàng nên anh đã tin tưởng làm theo hướng dẫn của nhân viên ngồi tại trụ sở công ty tại địa chỉ 439 Phạm Văn Đồng ghi trên biển hiệu (số nhà ghi 441 Phạm Văn Đồng).

Các anh Năng, Tường, Vinh bức xúc trước hoạt động thiếu minh bạch của Công ty Trường Phát.

Việc đầu tiên, các nhân viên ở đây yêu cầu anh phải có 3 bộ hồ sơ đóng dấu đỏ, đơn xin việc cũng phải có đóng dấu địa phương, đơn xin đổi bằng phải có công chứng… Mọi yêu cầu đó anh đều đáp ứng. Anh Năng phải nộp 300.000 đồng gọi là phí hồ sơ. Nộp hồ sơ trọn một ngày, anh nhận được điện thoại thông báo trúng tuyển, đề nghị anh đến công ty nộp tiền đặt cọc 3 triệu đồng. Nghĩ rằng việc đặt cọc là hợp lý nếu công ty giao xe cho người lao động làm việc, bởi vậy hai anh không ngần ngại nộp số tiền đặt cọc trên. Mấy hôm sau, nhân viên công ty này đưa hai anh đến một địa điểm khác trên phố Trần Quý Kiên, quận Cầu Giấy. Người tiếp nhận tại đây đã thu lại hợp đồng có dấu đỏ và 2 ảnh thẻ, nói là để làm thẻ ra vào sân bay (nơi các anh sẽ lái xe vào đó).  Tin là thật, hai anh cũng chuyển toàn bộ giấy tờ đã ký cho những người làm tại đây.

Anh Năng và anh Tường thì đã có bằng lái xe hạng F và C, còn anh Vinh thì mới có bằng lái xe hạng B2 nhưng cũng tìm đến Công ty Trường Phát tìm việc. Anh kể, do công việc làm ăn khó khăn khi kinh tế suy thoái, nhà cũng có xe tải nhỏ nhưng anh vẫn muốn làm công việc lái xe để kiếm đồng lương ổn định. Tìm việc với thái độ nghiêm túc, thế rồi, anh cũng rơi vào một quy trình nộp tiền, nộp hồ sơ, dẫn dắt đến một địa điểm khác… Và, dù đã nộp tổng cộng 3,6 triệu đồng vào công ty này nhưng anh Nguyễn Văn Vinh không giữ được giấy tờ gì chứng minh. Anh cho biết: “Họ lấy lại hợp đồng, phiếu thu và bảo là để làm thẻ ra vào sân bay và thẻ ATM để trả lương qua tài khoản”.

Công ty Trường Phát không có chức năng môi giới việc làm

Để làm rõ phản ánh của người lao động, chiều 6/6, phóng viên Báo CAND cùng Công an xã Cổ Nhuế đến Văn phòng Công ty Trường Phát tại 441 Phạm Văn Đồng. Ông Nguyễn Văn Đức tự giới thiệu là người quản lý của Công ty Trường Phát trao đổi với chúng tôi. Ông Đức lý giải hình thức hoạt động của công ty rằng: “Chúng tôi tìm thông tin tuyển dụng của các công ty. Sau khi nắm được thông tin thì chúng tôi đăng quảng cáo trên mạng rồi gặp gỡ lao động, đưa họ qua đó tìm việc”.

Chúng tôi hỏi: “Vậy có nghĩa là giữa Công ty Trường Phát và công ty tuyển dụng không có mối liên hệ nào khác?”. “Đúng”, ông Đức trả lời. “Vậy lẽ ra người lao động phải ký hợp đồng đặt cọc với công ty tuyển dụng lao động chứ sao lại ký với Công ty Trường Phát?”, ông Đức khẳng định: “Công ty yêu cầu họ đặt cọc để ràng buộc thực hiện hợp đồng. Đó là theo yêu cầu của nhà tuyển dụng”. Ngoài ra, lúc đầu ông Đức nói rằng không thu tiền của người lao động. Nhưng sau đó, ông công nhận rằng có thu của mỗi lao động đến tìm việc số tiền 300.000 đồng gọi là phí giao dịch. Những câu trả lời của ông Đức chứa đầy mâu thuẫn.

Hỏi về đăng ký kinh doanh của Công ty Trường Phát, ông Đức cho biết: “Công ty đăng ký kinh doanh giới thiệu việc làm trong nước”.

Về lĩnh vực hoạt động của Công ty Trường Phát, phóng viên Báo CAND đã đến Sở Kế hoạch Đầu tư TP Hà Nội tìm hiểu và được biết, Công ty CP Đầu tư thương mại và Vận tải Trường Phát đăng ký ngành nghề chính là dịch vụ hỗ trợ giáo dục và xuất nhập khẩu các mặt hàng công ty kinh doanh. Điều đó cho thấy, Công ty Trường Phát giới thiệu việc làm trong nước là không đúng với đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, việc thu phí hồ sơ của người lao động với mức 300.000đ/người, thu tiền đặt cọc 3 triệu đồng/người và không rõ ràng, minh bạch trong khâu giới thiệu việc làm là câu hỏi lớn.

Trước khi chờ các cơ quan chức năng vào cuộc, đề nghị người lao động hãy thận trọng, tìm hiểu và suy nghĩ kỹ trước khi đặt bút ký hợp đồng và nộp tiền cho công ty này

Việt Hà
.
.
.