Khởi tố nữ Giám đốc lừa người đi xuất khẩu lao động
Theo hồ sơ điều tra: Tháng 10/2007, Văn phòng Công ty cổ phần hợp tác lao động ngoài nước tại Thừa Thiên – Huế (LOD) với danh nghĩa là đại diện của CPDLHT, tiến hành thủ tục tuyển 57 người trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đi làm việc có thời hạn tại Cộng hòa Séc.
Theo yêu cầu, 57 lao động này đã nộp cho CPDLHT và LOD số tiền 16 triệu đồng/người để làm thủ tục XKLĐ.
Đến tháng 9/2008, các đơn vị trên và 57 lao động chính thức ký hợp đồng đi làm việc tại Cộng hòa Séc, đồng thời có giấy xác nhận tuyển dụng 57 lao động tại Thừa Thiên - Huế để người lao động làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Tiếp đến, từ ngày 5-8/11/2008, CPDLHT và LOD gửi 3 công văn đến NHCSXH Hương Thủy với nội dung các lao động đã có Visa (nhưng thực tế chưa có) để người lao động được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng/người và nộp cho 2 đơn vị này.
Tuy nhiên, ngay sau đó, ngày 25/11/2008, CPDLHT và LOD tiếp tục gửi thông báo đến người lao động với nội dung: “Thị trường lao động tại Séc đã đóng cửa, CPDLHT và LOD đã chuyển số lao động đã đăng ký đi Séc sang thị trường Slovakia…”. Từ đó đến nay, tất cả những người đã ký kết hợp đồng chưa có người nào được XKLĐ và số tiền khoảng hơn 1,5 tỷ đồng chi nhánh đã thu từ 34 người lao động (một số người khác đã được CPDLHT và LOD hoàn trả tiền) vẫn chưa được hoàn trả…
Bị can Trần Thị Thanh Phương, Giám đốc Công ty CPDLHT, Chi nhánh tại Hà Nội. |
Sau thời gian nghiên cứu, xác minh, thu thập chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã cơ bản làm rõ vụ án, trong đó Trần Thị Thanh Phương, Giám đốc Công ty CPDLHT, Chi nhánh tại Hà Nội là một trong những đối tượng đã tham gia lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của số người dân nói trên.
Thủ đoạn lừa đảo trong vụ án này là Công ty CPDLHT sử dụng hợp đồng cung ứng lao động đã hết giá trị để tuyển và thu tiền của người lao động rồi chiếm đoạt. Cụ thể, tháng 1/2008, CPDLHT và LOD đã thực hiện xong hợp đồng 01/2007/HATTOCO- VIETVANDA với công ty TNHH Vietvanda- Cộng hòa Séc về việc cung ứng 14 lao động Việt Nam cho chủ sử dụng lao động tại Cộng hòa Séc nhưng vẫn dùng hợp đồng này để tiếp tục tuyển 57 lao động tại tỉnh Thừa Thiên -Huế. Ngoài ra, theo quy định, khi người lao động được cấp thị thực nhập cảnh (Visa) tại nước tiếp nhận lao động, doanh nghiệp mới được phép thu các khoản chi phí thì trong vụ án này CPDLHT và LOD đã đồng loạt thu tiền của người lao động khi chưa có Visa…