Khởi tố nhóm giám đốc tư nhân nhập khống máy móc, thiết bị dệt, chiếm đoạt 64 tỷ đồng

Thứ Bảy, 18/10/2014, 09:38
Ngày 17/10, theo cơ quan tố tụng Trung ương, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đã khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Công ty cổ phần Dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển Bắc Ninh (chi nhánh Bắc Ninh), nay là Phòng giao dịch Bắc Ninh – Sở Giao dịch I Ngân hàng Phát triển Việt Nam; khởi tố bị can đối với 6 đối tượng trong vụ án.

Trong đó có bị can Nguyễn Việt Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần Dệt Quế Võ; Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần dệt may xuất khẩu Chương Dương, về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 139 BLHS; Nguyễn Thế Thư, nguyên Giám đốc chi nhánh Bắc Ninh; Nguyễn Thế Tài, cán bộ tín dụng Ngân hàng An Bình (Hội sở phía Bắc) về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 BLHS.

Công ty cổ phần Dệt Quế Võ được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch đầu tư Bắc Ninh cấp. Tháng 11/2005, ông Hoàng ký đơn gửi Giám đốc chi nhánh Bắc Ninh đề nghị vay 45 tỷ đồng với mục đích đầu tư xây dựng Nhà máy Dệt Quế Võ. Kèm theo đơn là hồ sơ dự án nhà máy do chủ đầu tư tự lập, chưa có ý kiến của các cơ quan liên quan, chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, không có báo cáo tài chính quý gần nhất, không có xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của cơ quan thuế. Hồ sơ này trái với quy định của Tổng Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển.

Chi nhánh Bắc Ninh sau khi tiếp nhận hồ sơ dự án đã giao cho ông Tài thẩm định. Sau đó, ông Tài đã có báo cáo thẩm định tổng hợp với nội dung chủ đầu tư đã nộp hồ sơ đầy đủ và đúng quy định, dự án đúng đối tượng vay vốn. Tuy nhiên, trên thực tế thì báo cáo này không đúng nhưng vẫn được trình lên ông Thư để trình Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam đề nghị chấp thuận cho vay và giao kế hoạch giải ngân năm 2005. Sau đó, chi nhánh này đã cho Công ty cổ phần Dệt Quế Võ vay 45 tỷ đồng với lãi suất 7,8%/năm trong thời hạn 72 tháng. Để làm thủ tục giải ngân, Chi nhánh Bắc Ninh đã cử ông Tài đến công ty này để kiểm tra hiện trường và đã có biên bản kiểm tra khối lượng hoàn thành tại hiện trường với nội dung có khoảng 50% máy móc thiết bị của dây chuyền đã được vận chuyển về kho của Công ty cổ phần Dệt Quế Võ đang thuê. Tuy nhiên, trên thực tế không có việc kiểm tra mà chỉ ghi theo báo cáo của chủ đầu tư.

Cơ quan chức năng xác định chi nhánh này đã giải ngân khi công ty không mở tài khoản vốn tự có, không nộp đầy đủ bộ chứng từ giải ngân theo quy định, không kiểm tra máy móc thiết bị nhập khẩu, không đối chiếu bộ chứng từ gốc nhưng vẫn giải ngân, trái với quy định của Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ phát triển.

Đến cuối năm 2009, Phòng Giao dịch Bắc Ninh và tổ biệt phái của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đi kiểm tra hiện trường công ty nêu trên xác định toàn bộ dây chuyền thiết bị không có tại nhà máy, thực tế nhà máy chưa bao giờ hoạt động sản xuất và Công ty cổ phần Dệt Quế Võ không sử dụng vốn vay để nhập khẩu máy móc như hợp đồng đã ký, do đó không có tài sản hình thành từ vốn vay để định giá.

Cơ quan điều tra xác định hành vi của Hoàng, Hùng và hai đồng phạm khác đã có hành vi lập hợp đồng ủy thác và chứng từ nhập khẩu máy móc, thiết bị nhằm hợp thức hóa thủ tục hồ sơ vay vốn 45 tỷ đồng, sử dụng sai mục đích dẫn đến mất khả năng thanh toán trả nợ tổng cộng 64 tỷ đồng (trong đó có 28 tỷ đồng tiền gốc và 36 tỷ đồng tiền lãi) cho Chi nhánh Bắc Ninh. Hành vi này phạm vào tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đối với Nguyễn Thế Thư và Nguyễn Thế Tài, hai bị can đã làm trái các quy định của Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ phát triển, của Tổng Giám đốc quỹ gây thất thoát khoản tiền trên, phạm vào tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”

Đào Minh Khoa
.
.
.