Kết thúc ngày thứ nhất phiên tòa xử “vụ án Nguyễn Đức Kiên”

Thứ Ba, 20/05/2014, 08:45
Chiều nay, trong lúc HĐXX tạm nghỉ phiên tòa để hội ý, những giọt nước mắt bắt đầu xuất hiện trên khuôn mặt vợ của bị cáo Nguyễn Đức Kiên - bà Đặng Ngọc Lan. Khuôn mặt bà Lan thời điểm này ít nhiều tỏ rõ sự suy tư, lo lắng. Điều này rất khác biệt với tâm trạng khá thỏa mái của bà Lan vào buổi sáng khi phiên tòa bắt đầu.

17h45’, phiên tòa tạm nghỉ. Ngày 21/5, HĐXX tiếp tục làm việc.

17h15’, HĐXX tiếp tục thẩm vấn bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến, nguyên Kế toán trưởng Công ty ACBI cũng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại công ty này.

Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến, nguyên Kế toán trưởng Công ty ACBI.

17h7’, bị cáo Thanh tiếp tục thanh minh về sự thiếu hiểu biết của mình nên đã bị Nguyễn Đức Kiên “qua mặt”, từ đó dẫn đến việc bị cáo phạm tội mà không biết mình phạm tội.

16h35’, HĐXX tiếp tục làm việc. Bị cáo đầu tiên được Tòa thẩm vấn là Trần Ngọc Thanh, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (gọi tắt là Công ty ACBI) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch HĐQT Công ty ACBI. Theo cáo trạng, Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán trưởng công ty lập khống biên bản họp Hội đồng quản trị, lập khống quyết định của Hội đồng quản trị thể hiện chủ trương của công ty bán 20 nghìn cổ phần của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát làm cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát tin tưởng là Công ty ACBI đang quản lý và sở hữu số cổ phiếu này của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát chưa chuyển nhượng và không có tranh chấp, hoặc chưa thực hiện bất kỳ nghĩa vụ bảo đảm với bất kỳ tổ chức, cá nhân, cá nhân nào. Vì thế, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát đã ký hợp đồng mua 20 nghìn cổ phần của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát do Công ty ACBI sở hữu, đồng thời chuyển số tiền 264 tỷ đồng cho Công ty ACBI. Nguyễn Đức Kiên đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền này của Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát.   

Trả lời thẩm vấn HĐXX, bị cáo Thanh lý giải cho hành vi phạm tội rằng, thực chất của chức danh Giám đốc của bị cáo chỉ là chức danh vô hình thôi. “Hợp đồng trong của công ty là do anh Kiên (bị cáo Kiên- PV) bảo Kế toán trưởng (bị cáo Yến- PV) đưa cho bị cáo để bị cáo ký, chứ bị cáo cũng không được đọc, được xem. Khi bị cáo yêu cầu xem thì Kế toán trưởng bảo anh Kiên đã xem kỹ rồi, anh chỉ ký thôi”, bị cáo Thanh cho biết.

16h30’, trong lúc HĐXX tạm nghỉ phiên tòa để hội ý, đã có những giọt nước mắt bắt đầu xuất hiện trên khuôn mặt vợ của bị cáo Nguyễn Đức Kiên - bà Đặng Ngọc Lan. Khuôn mặt bà Lan thời điểm này ít nhiều tỏ rõ sự suy tư, lo lắng. Điều này rất khác biệt với tâm trạng khá thỏa mái của bà Lan vào buổi sáng khi phiên tòa bắt đầu

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên trả lời thẩm vấn.

Bị cáo Trần Ngọc Thanh, nguyên Giám đốc Công ty ACBI, trả lời thẩm vấn tại phiên tòa.

16h23’, HĐXX thông báo phiên tòa tạm nghỉ 10 phút.

16h17’, HĐXX hỏi lại các bị cáo về việc bị truy tố về những tội danh nào. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đều trả lời đúng với tội danh mà Viện KSND tối cao đã truy tố trong cáo trạng. Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi “Theo nhận thức của bị cáo, việc Viện KSND tối cao truy tố bị cáo về tội danh có đúng không?”, hầu hết các bị cáo đều cho rằng, việc Viện KSND tối cao truy tố tội danh như đã nêu trong cáo trạng là chưa đúng. 

16h15’, đại diện Viện kiểm sát công bố xong bản cáo trạng dài 36 trang quy kết hành vi phạm tội của 9 bị cáo trong vụ án này. Sau khi công bố xong bản cáo trạng, đại diện Viện kiểm sát thông báo, cắt phần truy tố ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB để truy tố sau theo quyết định của HĐXX.

14h03’, Kiểm sát viên Viện KSND TP Hà Nội Nguyễn Thị Hải Yến bắt đầu công bố bản cáo trạng.

Kiểm sát viên Viện KSND TP Hà Nội - Nguyễn Thị Hải Yến công bố cáo trạng vụ án.

14h10’ ngày 20/5, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tiếp tục. Chủ tọa phiên tòa đề nghị vị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố công tố bản cáo trạng truy tố 9 bị cáo về bốn tội danh: kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB) và một số công ty trên địa bàn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Trước khi đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng, bị cáo Nguyễn Đức Kiên giơ tay xin phép HĐXX cho phát biểu, nhưng không được vị Chủ tọa phiên tòa chấp thuận.

11h20, HĐXX kết thúc phần thủ tục và tạm nghỉ. 14h, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.

11h15’, HĐXX thông báo quyền, nghĩa vụ đối với các bị cáo cũng như nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

11h10’, Chủ tọa phiên tòa tiếp tục thông báo: Về việc vắng mặt của bị cáo Trần Xuân Giá, HĐXX nhận thấy, bị cáo Giá đang mắc bệnh hiểm nghèo và có đơn đề nghị HĐXX chưa thể tham dự phiên tòa là phù hợp với quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định của pháp luật, HĐXX quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo Trần Xuân Giá.

“Căn cứ vào hồ sơ vụ án, xét thấy bị cáo Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB đang bị bệnh hiểm nghèo phải điều trị thời gian dài tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội nên không đủ sức khỏe tham dự phiên tòa. Vì thế, TAND TP Hà Nội quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo Trần Xuân Giá, bị Viện KSND tối cao truy tố về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ án sẽ được tiếp tục khi bị cáo Trần Xuân Giá hồi phục sức khỏe và có thể tham gia quá trình xét xử”, Chủ tọa phiên tòa đọc quyết định.

11h5’, HĐXX trở lại làm việc. Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Chính thông báo một số nội dung liên quan đến đề nghị triệu tập những người vắng mặt tại phiên tòa này. Theo vị Chủ tọa, một số nhân chứng, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng như một số đơn vị, tập thể, cá nhân vắng mặt tại phiên xử này nhưng các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã thể hiện rõ lời khai của họ nên phiên tòa vẫn có thể tiếp tục. “Trong quá trình xét xử, HĐXX sẽ tiếp tục triệu tập những người vắng mặt theo đề nghị của các luật sư và bị cáo Nguyễn Đức Kiên”, Chủ tọa phiên tòa khẳng định.

10h35’, HĐXX thông báo phiên tòa tạm nghỉ 10 phút để HĐXX hội ý trước ý kiến của Viện kiểm sát, đề nghị của các luật sư và của bị cáo Nguyễn Đức Kiên.

10h20’, sau khi nghe ý kiến của các luật sư, bị cáo Kiên tiếp tục đề nghị HĐXX một số nội dung sau: Thứ nhất, cho tôi được gặp gia đình tôi vì đã tám tháng nay kể từ khi tôi đề nghị nhưng vẫn chưa được gặp gia đình. Thứ hai, cho luật sư của tôi được cung cấp cho tôi các tài liệu liên quan để tôi có thể tự bào chữa cho mình. Thứ ba, đề nghị HĐXX tiếp tục triệu tập các thành phần vắng mặt trong phiên xử hôm nay, vì đây là việc rất cần thiết liên quan đến quyền lợi của tôi. Thứ tư, đề nghị cho tôi được mặc quần áo dân sự tới phiên xử vì tôi chưa bị tuyên án là có tội. “Tôi không chối bỏ trách nhiệm của mình trong vụ án này. Tôi có tội đến đâu thì tôi chịu trách nhiệm đến đó. Tôi chỉ tha thiết đề nghị HĐXX chấp thuận một số đề nghị của tôi”, bị cáo Kiên nói.

Bà Đặng Ngọc Lan, vợ bị cáo Nguyễn Đức Kiên trong khi chờ HĐXX hội ý.

10h10’, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đề nghị HĐXX cần triệu tập đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và cá nhân bà Nguyễn Chi Lan, nguyên Trưởng phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam với tư cách là nhân chứng. “Việc triệu tập đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam không chỉ để giải thích liên quan đến vụ án này mà còn liên quan đến hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động hiện nay”, bị cáo Kiên nói.

10h5’, một số luật sư khác đều đề nghị HĐXX tạm hoãn phiên tòa cho đến khi có mặt bị cáo Giá và những người được Tòa triệu tập nhưng đều vắng mặt.

10h, hai luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên đều đề nghị HĐXX triệu tập đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và một số tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ án này đã được Tòa triệu tập nhưng hôm nay vẫn không có mặt tại phiên xử. “Việc triệu tập này để xác định quyền của bị cáo và vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan đến vụ án này”, luật sư nói.

9h55’, sau khi thông báo đơn đề nghị của bị cáo Giá gửi ngày 19/5, Chủ tọa phiên tòa hỏi ý kiến của đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố về nội dung này. Đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm: Liên quan đến vụ án này các bị cáo khác cũng như bị cáo Trần Xuân Giá đã có lời khai đầy đủ tại cơ quan điều tra cũng như các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án nên đã khá rõ ràng. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo Giá theo luật định, đề nghị HĐXX tạm đình chỉ xét xử đối với riêng bị cáo Giá. Còn đối với các bị cáo khác đề nghị HĐXX tiến hành bình thường. Luật sư Lưu Tiến Dũng, bào chữa cho bị cáo Giá đề nghị HĐXX tạm hoãn phiên tòa chờ tới khi sức khỏe của ông Giá đảm bảo sẽ tiến hành xét xử vụ án này, chứ không nên tách ra phần xét xử ông Giá sau theo đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố.

9h45’, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Chính công bố lý do vắng mặt của bị cáo Trần Xuân Giá tại phiên xử này. Theo thông báo của Chủ tọa phiên tòa, hiện tại sức khỏe của ông Giá đã ổn định hơn so với thời điểm Tòa sơ thẩm mở phiên tòa lần một vào ngày 16/4. Và kể từ ngày 16/4 đến nay, ông Giá liên tục có đơn gửi TAND TP Hà Nội thông báo về tình trạng sức khỏe. Cho đến ngày hôm qua (19/5), ông Giá có đơn gửi Tòa thông báo rõ: “Sức khỏe của tôi hiện đang có diễn biến xấu. Tôi vẫn chưa chắc chắn có thể tham dự phiên tòa được hay không. Vì thế tôi đề nghị Tòa một số nội dung như sau: Nếu ngày 20/5 sức khỏe của tôi cho phép thì tôi sẽ đến tham dự phiên tòa này, nhưng sẽ có bác sĩ điều trị và người thân đi cùng. Và tôi chỉ tham dự những vẫn đề liên quan đến tôi. Những nội dung khác, HĐXX thông tin tới luật sư bào chữa cho tôi (luật sư Lưu Tiến Dũng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)”.

9h25, HĐXX vẫn đang tiếp tục phần kiểm tra căn cước của đại diện các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân đã được Tòa triệu tập đến phiên xử. Trong số các cá nhân được Tòa triệu tập tham dự còn có bị án Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Phó trưởng Phòng quản lý rủi ro Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh bị cáo buộc đã có hành vi chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB gần 719 tỷ đồng.

Bị án Huỳnh Thị Huyền Như có mặt tại phiên tòa.

9h10, HĐXX tiến hành kiểm tra sự có mặt của các thành phần khác liên quan đến vụ án này đã được Tòa triệu tập tới tham dự phiên tòa. Đáng chú ý là trong số những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án này có vợ bị cáo Nguyễn Đức Kiên là bà Đặng Ngọc Lan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại B & B.

Bà Đặng Ngọc Lan, vợ bị cáo Nguyễn Đức Kiên.

9h5, HĐXX kiểm tra các luật sư tham dự phiên tòa với tư cách là người bào chữa cho các bị cáo. Ngoại trừ sự vắng mặt luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến, nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội do bận tham dự phiên tòa khác nên có đơn đề nghị tạm hoãn phiên tòa đến chiều. Còn lại các luật sư khác đều có mặt đầy đủ.

9h, sau khi HĐXX kiểm tra căn cước các bị cáo, Thư ký phiên tòa thông báo các thành phần được Tòa triệu tập tới phiên xử. Đó là đại diện các cơ quan, đơn vị, Bộ, Sở, ngành, ngân hàng, công ty và các tổ chức như: Ngân hàng Nhà nước; Vụ Pháp chế, Vụ quản ký Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;  Vụ Pháp chế, Bộ Công thương; Tổng cục Thuế; Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và nhiều cá nhân khác liên quan đến vụ án này với các tư cách là: nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Theo thông báo của Thư ký phiên tòa thì tại phiên xử này, vẫn vắng mặt rất nhiều thành phần đã được Tòa triệu tập.

8h35’, Hội đồng xét xử (HĐXX) do Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội làm Chủ tọa phiên tòa bắt đầu tiến hành phiên xử. Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố là ông Đào Hùng Cường và bà Nguyễn Thị Hải Yến, Kiểm sát viên Viện KSND TP Hà Nội. Sau khi công bố các thành viên trong HĐXX, HĐXX tiến hành kiểm tra căn cước các bị cáo trước khi vào phần thẩm vấn. Theo quan sát của phóng viên, thời điểm HĐXX kiểm tra căn cước của các bị cáo thì bị cáo Trần Xuân Giá chưa có mặt tại phòng xử án.

HĐXX do Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội làm Chủ tọa.

8h15’, lực lượng Cảnh sát dẫn giải các bị cáo vào Phòng xử án. Trước đó, vợ bị cáo Nguyễn Đức Kiên là bà Đặng Ngọc Lan cũng có mặt tại Phòng xử án để tham dự phiên tòa. Tới phiên xử này, bị cáo Kiên mặc áo trắng, quần xanh, đi dép da có dây. Cũng giống như phiên tòa trước, gương mặt bị cáo Kiên thể hiện thái độ khá tự tin. Vừa bước vào Phòng xử án, bị cáo Kiên nhìn quanh để tìm kiếm người thân và ánh mắt Kiên đã dừng lại khá lâu nơi người vợ như để tìm sự động viên trước khi phiên xử bắt đầu.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên tòa.

Sáng nay, 20/5, TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Đức Kiên và 8 đồng phạm. Trước đó, ngày 16/4, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án này, nhưng thời điểm đó, bị cáo Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB do bệnh nặng đang điều trị tại bệnh viện nên không thể có mặt tại phiên xử. Theo đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố cũng như ý kiến của một luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và cũng để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo Trần Xuân Giá trong suốt quá trình xét xử vụ án này nên Chủ tọa phiên tòa đã quyết định tạm hoãn phiên xử.

9 bị can bị truy tố trong vụ án gồm: Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập và Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, Chủ tịch HĐQT các Công ty: B & B, ACI, ACBI, AFG, Thiên Nam và Chủ tịch HĐTV Công ty ACI-HN;  Ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB; ông Lê Vũ Kỳ; ông Phạm Trung Cang; ông Trịnh Kim Quang, đều nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB và ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB cùng Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội; Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội; Huỳnh Quang Tuấn, Thành viên HĐQT Ngân hàng ACB

Theo cáo trạng, bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, Kiên và Thường trực HĐQT Ngân hàng đã chỉ đạo ACB cấp cho Công ty ACBS 1.500 tỷ đồng cùng vốn tự có, Công ty ACBS đã chuyển cho các Công ty ACI, ACI-HN tổng số tiền hơn 1.557 tỷ đồng để đứng tên mua hộ hơn 52,5 triệu cổ phiếu ACB, đến nay mới thu về hơn 364 tỷ tiền gốc… gây thiệt hại hơn 614 tỷ đồng (tính theo đơn giá cổ phiếu lúc mua) và thiệt hại hơn 879 tỷ đồng (tính theo giá trị cổ phiếu hiện tại). Đặc biệt, việc Kiên chỉ đạo ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi tiền vào Vietinbank đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh chiếm đoạt, gây thiệt hại cho ACB gần 719 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng làm rõ hành vi trốn thuế với số tiền hơn 25 tỷ đồng của Kiên trong vụ kinh doanh vàng giữa Công ty B & B và ACB thu lãi được hơn 100 tỷ đồng

Nguyễn Hưng
.
.
.