Hơn 14.000 thuê bao di động bị nghe lén: Khởi tố vụ án, điều tra, làm rõ xử lý nghiêm

Thứ Sáu, 27/06/2014, 08:57
Ngày 26/6, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết, đã khởi tố vụ án hình sự về hành vi sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet liên quan đến hơn 14.000 thuê bao di động bị cài phần mềm theo dõi Ptracker do Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (Công ty Việt Hồng) cung cấp, đồng thời cơ quan điều tra cũng triệu tập một số nhân viên của Công ty Việt Hồng điều tra làm rõ, củng cố hồ sơ xử lý nghiêm theo pháp luật.

Đã phát hiện nhiều doanh nghiệp mua bán phần mềm nghe lén

Với nhiều người, điện thoại không có là vật dụng xa lạ được sử dụng vào nhiều mục đích như công việc làm ăn, buôn bán... Nhưng ngay sau khi PC50, Công an TP Hà Nội phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông liên tiếp phanh phui hơn 14.000 thuê bao di động bị nghe lén ở Công ty Việt Hồng, khi sử dụng một loại phần mềm gọi là Ptracker để theo dõi người dùng qua điện thoại. Qua phần mềm Ptracker, doanh nghiệp này có thể truy cập thông tin của rất nhiều người: ghi âm cuộc thoại, định vị, quay phim, chụp ảnh, xem tin nhắn, kiểm soát cuộc gọi... và một “đại lý” nhỏ do Lê Văn Tám làm chủ đã khiến người tiêu dùng giật mình, lo lắng. Liệu họ là một trong 14.000 chiếc điện thoại kia đang bị theo dõi hàng ngày?

Khách hành nên mua, sửa điện thoại ở các cửa hàng uy tín.

Đây cũng không phải lần đầu PC50 phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện ra vụ việc nghe lén điện thoại. Trước đó, vào cuối năm 2013, Phòng PC50 phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành khám phá đầu mối buôn bán, kinh doanh dòng sản phẩm này tại Công ty TNHH Lê Gia T&T. Kết quả khám xét đã thu giữ hơn 3.000 thiết bị nghe lén, phá sóng điện thoại, các loại camera ngụy trang, thiết bị định vị.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện Công ty TNHH Dịch vụ và Phát triển điện tử viễn thông Thái Thắng, có trụ sở và chi nhánh ở địa điểm gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng có 70 kiện hàng không hóa đơn nguồn gốc xuất xứ, trong đó những kiện hàng này chứa nhiều thiết bị nghe trộm, phá sóng điện thoại, camera mini...

Công nghệ phát triển cũng kéo theo nhiều hiểm họa khôn lường. Có “cầu” ắt có “cung”. Hiện vấn nạn nghe lén điện thoại đang gây nhiều hoang mang cho người dùng Việt. Sáng 26/6, chúng tôi có mặt tại cửa hàng điện thoại Nhật Cường, trên phố Bạch Mai. Tại đây, lượng người ra, vào mua điện thoại rất đông. Chị N.T.V. (29 tuổi), trú tại Trương Định (Hoàng Mai) khách hàng đang xem điện thoại Smartphone cho biết, bản thân rất thích tính năng của dòng điện thoại này. Nhưng mấy ngày nay xem thông tin trên các tờ báo về việc hàng nghìn điện thoại bị nghe lén nhất là dòng Smartphone chị V. cũng rất sợ bị cài phần mềm để theo dõi mọi hoạt động của bản thân. Lượn qua một số cửa hàng di động như FPT, Hoàng Hà... chúng tôi phát hiện ra nhiều khách hàng trước khi mua điện thoại di động ngoài việc hỏi các tính năng thường thấy của các loại di động thì còn kèm thêm câu hỏi việc phát hiện bị giám sát điện thoại?

Theo anh V.X.S. (36 tuổi), trú tại phường Nhân Chính, Thanh Xuân, bản thân là dân kinh doanh nên thường phải giao dịch trên điện thoại và có nhiều thông tin bí mật. Anh S. lo lắng, chẳng may điện thoại bị giám sát, nghe lén thì những thông tin làm ăn của anh này sẽ bị lộ, hậu quả thiệt hại về kinh tế rất lớn.

Mức độ nguy hại khôn lường và cách phòng tránh nghe lén

Với những người đang sử dụng điện thoại smartphone, theo ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Công ty Bkav, tội phạm mạng đang tích cực sử dụng các mã độc tấn công điện thoại để đánh cắp thông tin cá nhân và moi tiền từ thuê bao di động.

Thống kê mới nhất của Bkav cho thấy, 22,7% smartphone ở Việt Nam từng bị lây nhiễm mã độc. Số lượng mã độc tấn công smartphone tăng nhanh thời gian qua. Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2014, phần mềm Bkav Mobile Security đã cập nhật 621.000 mã độc mới xuất hiện, vượt xa số lượng 528.000 của cả năm 2013... về cơ bản, mã độc, phần mềm độc hại nói chung và các phần mềm nghe lén điện thoại nói riêng chủ yếu được cài đặt vào thiết bị bởi chính chủ nhân mà họ không hề hay biết.

Rất đơn giản, kẻ gian có thể dễ dàng tích hợp mã độc, thậm chí là bản cài đặt của cả một ứng dụng gián điệp vào bản cài đặt của game, ứng dụng mà người dùng đang có nhu cầu sử dụng. Thông thường các ứng dụng độc hại này sẽ ngụy trang dưới một ứng dụng, game miễn phí và đang "hot", như Flappy Bird, Đuổi Hình Bắt Chữ, Zing MP3, Xem Phim Sex... Trong quá trình cài đặt, theo thói quen, người dùng thường đồng ý tất cả các yêu cầu của ứng dụng cũng như bỏ qua các cảnh báo từ hệ điều hành, khiến thiết bị âm thầm bị dính mã độc từ lúc nào cũng không hay. Do đó, tốt hơn hết là người dùng smartphone Android, iOS, Windows Phone, BlackBerry,... đều chỉ nên tải các ứng dụng trên kho ứng dụng "chính chủ" của nền tảng đang sử dụng.

Về những dòng điện thoại khác, theo một cán bộ Đội 5, PC50, người tiêu dùng cần "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Trước hết, chủ động bảo vệ thiết bị của mình trước khi nó bị cài đặt các phần mềm gián điệp nguy hiểm, như: không cho người lạ, người thiếu tin tưởng mượn điện thoại trong thời gian dài vì họ có thể cài đặt phần mềm bất kỳ lên thiết bị.

Đặc biệt, nếu cho những người này mượn điện thoại của bạn từ ngày này sang ngày khác thì họ có thể kiểm tra thêm tính ổn định của phần mềm sau khi cài đặt thành công, khiến việc bị theo dõi về sau càng trở nên dễ dàng hơn. Nếu là người thân như vợ, chồng, bạn bè, họ hàng có mượn điện thoại nên có mặt ở đấy hoặc họ cầm điện thoại lâu thì nhanh chóng kiểm tra, có hướng xử lý sớm trước khi quá muộn, bởi chỉ cần vài phút thôi là có thể cài đặt phần mềm gián điệp mà mình không hay biết.

Các chuyên gia bảo mật cho rằng, với người dùng phổ thông, bước đầu tiên để phát hiện điện thoại của mình có bị cài đặt phần mềm Ptracker và các loại phần mềm gián điệp khác hay không thì có thể nhận biết bằng mắt thường. Ví dụ như là pin điện thoại hao hụt nhanh, lưu lượng dữ liệu 3G tăng đột biến, và cấu hình định vị GPS bật, tắt một cách bất thường… Tuy nhiên, đối với một số điện thoại cấu hình cao, tốc độ nhanh thì những dấu hiệu trên gần như không thể hiện, thế nên người dùng rất khó để xác định chính xác. Khuyến cáo người dùng khi cài đặt các ứng dụng trên điện thoại cần lựa chọn các nguồn tin cậy, chính thống của các hãng, như Apple Store, Google Play, Windows Store, Nokia Store. Đối với các kho ứng dụng không chính thống, các phần mềm được cài đặt mã độc có thể ẩn chứa trong ứng dụng tưởng như vô hại.

Nếu không kịp thời ngăn chặn, thị trường thiết bị, phần mềm nghe lén sẽ trở thành một “ngành công nghiệp” bởi những kẻ xấu có thể lợi dụng sự tinh vi của phần mềm để tống tiền, ăn cắp thông tin người dùng, và thực hiện nhiều hành động khác mà khó ai có thể ngờ tới

M.Hiền - T.Hòa
.
.
.