Hình phạt thích đáng mới đủ sức răn đe tội phạm

Thứ Năm, 05/06/2014, 19:54
Chỉ cần chiếm đoạt năm trăm triệu đồng là có thể phải chịu mức hình phạt cao nhất là tù chung thân nhưng số tiền mà bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt được lên đến 264 tỷ đồng, gấp hơn năm trăm lần số tiền định khung hình phạt nêu trên, nhưng lại chỉ bị đề nghị mức hình phạt từ 15 đến 16 năm tù (!?).

Qua theo dõi diễn biến phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm - một trong những “đại án” được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng quan tâm chỉ đạo, dư luận xã hội rất vui mừng, tin tưởng việc Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phát hiện, kịp thời đưa ra ánh sáng tổ chức tội phạm kinh tế đặc biệt nguy hiểm, góp phần lành mạnh hóa hoạt động tài chính, ngân hàng được ví như mạch máu của nền kinh tế đất nước. Điều này càng khẳng định quyết tâm phòng, chống tội phạm tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta đã đi vào cuộc sống, đem lại những chuyển biến tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên, trước khi bản án đối với các bị cáo trong vụ án này được tuyên, nhất là đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên, tôi cũng như nhiều bạn đọc khác không khỏi có những băn khoăn, bức xúc. Không băn khoăn sao được khi  được biết trong phần luận tội tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo Nguyễn Đức Kiên mức án 30 năm tù cho cả 4 tội danh, trong khi chỉ riêng hành vi tổ chức lừa đảo chiếm đoạt 264 tỷ đồng bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt đối với Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát đã đủ để buộc bị cáo Nguyễn Đức Kiên phải chịu hình phạt cao nhất là tù chung thân theo quy định tại khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

Người dân chúng tôi không hiểu vì sao Bộ luật Hình sự quy định rõ ràng, cụ thể như vậy, chỉ cần chiếm đoạt năm trăm triệu đồng là có thể phải chịu mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Trong trường hợp này, số tiền mà bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt được lên đến 264 tỷ đồng, gấp hơn năm trăm lần số tiền định khung hình phạt nêu trên, nhưng lại chỉ bị đề nghị mức hình phạt từ 15 đến 16 năm tù (!?).

Dư luận bức xúc đặt câu hỏi vì sao số tiền bị chiếm đoạt lớn như vậy mà bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm lại chỉ bị đề nghị mức hình phạt “khiêm tốn”? Với số tiền bị chiếm đoạt này, có thể xây dựng được cả trăm trường học cho các cháu học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đóng được hàng trăm con tàu để ngư dân vươn khơi đánh cá, đồng thời góp phần bảo vệ lợi ích, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Có người, vì không kìm được bức xúc đã thốt lên phải chăng bị cáo Nguyễn Đức Kiên là “đại gia” nên được đề nghị mức hình phạt nhẹ hơn so với người dân bình thường?

Chúng tôi tin tưởng Hội đồng xét xử sẽ xem xét, quyết định mức hình phạt thích đáng đối với Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm nhằm bảo đảm yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử vụ án công tâm, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, góp phần răn đe tội phạm, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Làm được như vậy là để đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của nhân dân vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra rất gay go, quyết liệt, phức tạp hiện nay và cũng là để thực hiện nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ kính yêu đối với hoạt động tư pháp là: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”

Phan Hải Đăng
.
.
.