Hé lộ đường dây đưa người sang Macau làm việc bằng visa du lịch

Thứ Tư, 31/07/2013, 17:05
Với chiêu bài quen thuộc, hứa hẹn đưa người đi làm việc tại Macau (Trung Quốc) với mức lương hấp dẫn từ 19 đến 32 triệu đồng/tháng, nhiều lao động đã bị Nguyễn Văn Học, xưng là Giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động, có trụ sở tại tầng 3 tòa nhà E-Trường Trung cấp Nông nghiệp số 30A Vũ Hữu (Thanh Xuân - Hà Nội) chiếm dụng vốn, đưa người sang Macau bằng visa du lịch, để rồi lại trở về nước.

Mất 3.200 USD sang Macau du lịch

Trong lá đơn gửi đến Bộ LĐ-TB&XH, các cơ quan báo chí, lao động Nguyễn Thị Hảo (28 tuổi) có hộ khẩu ở Hương Cát - Duy Hải (Duy Tiên - Hà Nam) bày tỏ bức xúc khi bị Nguyễn Văn Học chiếm đoạt tài sản một cách vô lý. Chị Hảo cho biết, trong lúc gia đình đang khó khăn, chị được người quen giới thiệu chỗ công ty ông Học chuyên tổ chức các lớp đào tạo tiếng và nghiệp vụ  đưa người đi sang Macau làm việc. Công việc làm tại nhà hàng, khách sạn với mức lương cao  từ 19 đến 32.000.000 đồng/tháng. Phí xuất cảnh là 3.200 USD (tương đương với 67.200.000 đồng). Ông Học có hứa làm đủ giấy tờ hợp pháp để đưa chị Hảo sang làm việc tại Macau.

Khi lên Hà Nội, chị Hảo được giới thiệu đến trụ sở của Công ty CP XKLĐ và Thương mại Du lịch (Colecto) tại Mỹ Đình, thấy đúng là công ty đàng hoàng, nên chị Hảo đã đồng ý đăng ký đi làm việc tại Macau. Tháng 1/2013, ông Học có tổ chức lớp học nghiệp vụ buồng phòng cho hơn 20 người  tại Trường Trung cấp Hoa Sữa (Hoàng Mai - Hà Nội). Đến cuối tháng 4/2013, chị Hảo được thông báo  lo tiền nộp cho công ty để đầu tháng 5 xuất cảnh. Chị Hảo vội vàng vay mượn để nộp cho ông Học làm 3 đợt, với tổng số tiền là: 64,2 triệu đồng cùng 1 hoá đơn nhận tiền đặt cọc ở Công ty Colecto trị giá 3 triệu đồng.

Chiều ngày 24/7, khi trình bày với phóng viên Báo CAND, chị Hảo có đưa ra biên lai của các lần đóng tiền. Theo trình bày của chị Hảo, ngày 30/4/2013, là lần cuối chị nộp tiền để đi. Chị Hảo với kinh nghiệm từng đi làm việc tại Singapore, nên chị đòi phải được ký hợp đồng nhưng ông Học đã giải thích "ký ở đây không quan trọng, ở Macau có văn phòng đại diện của công ty bên đó. Qua bên đó đi làm rồi ký sau". Chị Hảo có yêu cầu ông Học viết giấy cam kết là đã nhận của tôi số tiền trên và phải lo được việc cho tôi thì ông cứ gạt đi nói là mình tin tưởng nhau là chính cần gì phải viết giấy tờ gì nữa, và khẳng định chủ bên Macau đã nhận rồi, chị Hảo sang đó là đi làm luôn.

Đến ngày 1/5/2013, ông Học cho người của công ty đưa chị Hảo ra bắt xe đi cửa khẩu Hữu Nghị để qua Trung Quốc rồi sang Macau. Lúc cầm hộ chiếu trên tay, chị Hảo mới biết là visa du lịch. Ngày 2/5, chị  nhập cảnh Macau và được một người tên là Trần Thị Nữ đón và đưa về nhà trọ, đồng thời thu giữ luôn hộ chiếu.

Trụ sở Công ty Xuất khẩu lao động hiện đang được ông Nguyễn Văn Học giao dịch với người lao động ở 30A phố Vũ Hữu, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Chị Hảo chờ đợi lay lắt cho đến điểm hết hạn visa 14 ngày mà chị Nữ và ông Học không đưa đi tuyển ở công ty nào, không đưa đi gặp bất cứ ai. "Khi đó tôi nóng ruột và có nói rằng nếu anh chị không lo được việc cho tôi thì hãy lo thủ tục để tôi về nước, khi nào có việc tôi lại sang tiếp nhưng họ đều không đồng ý còn mắng chửi tôi, sỉ nhục tôi trên điện thoại", chị Hảo bức xúc. Cuối cùng thì chị Hảo đã phải nhờ đến Công an Macau giúp lấy lại hộ chiếu nhưng chị Nữ cũng không trả, còn đổ cho chị Hảo tự sang đây du lịch và làm mất hộ chiếu. Phải 2 ngày sau người cháu chị Nữ mới gọi chị Hảo đến lấy hộ chiếu và đến ngày 6/6, chị Hảo đã về được Lạng Sơn.

Cũng nộp số tiền 3.200 USD (1.000 USD đặt cọc tại văn phòng Công ty Colecto, nộp cho ông Nguyễn Văn Thuật (PGĐ); 2.200 USD tại trụ sở trong Trường Trung cấp Đào tạo cán bộ Nông nghiệp (Từ Liêm - Hà Nội) do kế toán tên Dung ký nhận tiền), lao động Vũ Thị Ngoan ở Hưng Yên cũng rơi vào cái bẫy tương tự.

Không có chức năng đưa người sang làm việc tại Macau

Trong thời gian sống lưu vong nơi đất khách, chị Hảo cho biết công ty có đưa tiếp một số người sang, nhưng đều không có việc làm, bị đưa về nước và chưa giải quyết kinh tế cho họ. Trong số đó có Vũ Thị Ngoan, Chu Văn Phước ở Hưng Yên, Trịnh Thị Lạng ở Lạng Sơn, Nguyễn Đức Phương ở Hải Phòng… Chị Hảo còn cho biết thêm về trường hợp của chị Mai Thị Ngọc (Nghệ An) còn bị chị Nữ ép đi tuyển để làm massage và tắm cho đàn ông. Chị Ngọc đã cương quyết không đi làm nên chị Nữ đã để chị ăn chực nằm chờ suốt 38 ngày. Cuối cùng chị Ngọc tìm được người thân tìm cho công việc làm tạm. Trường hợp này chị Ngọc cũng đã nộp khoản tiền lớn cho chị Nữ (đầu mối bên Macau) và ông Lê Minh Triều (phía Việt Nam) là PGĐ Công ty CP XNK Tổng hợp và Chuyển giao công nghệ Việt Nam (VINAGIMEX) - Trung tâm Hợp tác quốc tế tại số 149 Giảng Võ (Đống Đa - Hà Nội).

Điều mà chúng tôi nhận ra ngay chiêu bài của người tên là Học (trước làm tại Công ty Colecto-công ty mà Báo CAND đã từng phanh phui việc đưa lao động "chui" sang Angola, công ty này đã bị Bộ LĐ-TB&XH đình chỉ hoạt động trong 6 tháng, tính từ ngày 13/6/2013), các biên lai thu tiền đều không có dấu của công ty, không có tên công ty, chỉ ghi địa chỉ chung chung 30A Vũ Hữu. Đây là một trong những điểm bất lợi cho người lao động khi có vấn đề tranh chấp xảy ra, người lao động không có bằng chứng tố cáo người đã chiếm dụng tiền của mình. Vì sao các lao động lại dễ dàng nộp số tiền lớn cho ông Học?. Hầu hết họ đều cho rằng vì đến tận trụ sở công ty, có biển hiệu, có logo đàng hoàng, thì tin. Chị Ngoan cho biết, khi nộp tiền chị có hỏi về việc ký hợp đồng thì ông Học cho biết, công ty vừa được cấp phép, chuyển sang trụ sở khác, không phải là Colecto nên chưa có con dấu, sẽ làm hợp đồng sau.

Sau khi nhận được đơn tố cáo của người lao động, chúng tôi đã có buổi làm việc với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TBXH. Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng cho biết, việc đưa người sang Macau bằng visa du lịch là hoàn toàn không đúng quy định.

Ông Hải cũng khẳng định việc đưa người sang Macau theo phản ánh của lao động rõ ràng là lừa đảo, đưa người đi không đúng mục đích, để thu tiền lợi nhuận. Cục QLLĐNN sẵn sàng tiếp nhận đơn và gặp gỡ lao động để tìm hiểu sự việc. Hơn nữa, theo đăng ký thẩm định hợp đồng tại Cục QLLĐNN, mới chỉ có 3 doanh nghiệp XKLĐ đang tuyển lao động đi làm việc tại Macau bao gồm: Isalco, Vilaco và Vitourco.

Đối với trường hợp của chị Hảo, sau khi về nước ngày 6-6, chị đã nhiều lần gọi điện và lặn lội lên Hà Nội để tìm gặp ông Học nhưng đều nhận lời khất hẹn, hoặc không nghe máy. Đến ngày 24/7, chị Hảo đột xuất tới công ty thì gặp ông Học. Lúc này khi chị đã phải trình báo sự việc lên Công an phường Thanh Xuân Bắc, thì ông Học mới chấp nhận làm cam kết trả lại số tiền: 42.678.000 đồng cùng hoá đơn 3 triệu đồng, hẹn trả vào ngày 6/8/2013. Số tiền còn lại hơn 20 triệu đồng, ông Học nói là trừ vào chi phí.

Chị Hảo cho biết, tại trụ sở Công an phường Thanh Xuân Bắc, ông Học có xuất trình giấy ủy quyền tuyển người đi làm việc tại Macau, có dấu của Công ty Vietcom Human cấp ngày 6/4/2013. Hiện tại các lao động trở về vẫn chưa lấy lại được hết số tiền mà họ đã nộp cho công ty, có người đã nộp từ cuối năm 2012 cho đến nay. "Tôi và những người bị hại đều tha thiết mong các cơ quan báo chí vạch trần bộ mặt của các công ty lừa đảo đã lợi dụng lòng tin và thiếu hiểu biết của những người nông dân để chuộc lợi cho bản thân", chị Hảo chua xót.

Chiều 30/7, ông Quyền, Giám đốc Công ty Vietcom Human đã khẳng định với PV Báo CAND, Vietcom Human không ký giấy tờ gì liên quan đến việc ủy quyền tuyển lao động sang Macau với ông Học. Đồng thời công ty này cũng chưa ký hợp đồng đi làm việc tại Macau với bất kỳ lao động nào.

Như vậy, việc tổ chức đưa người đi Macau của ông Học là hoàn toàn trái phép. Rõ ràng có sự móc nối, hình thành đường dây giữa công ty của ông Nguyễn Văn Học và bà Trần Thị Nữ tại Macau, để tiến hành các bước đưa người sang, thu tiền, chiếm dụng vốn của người lao động. Vụ việc này cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sớm ngăn chặn hành vi lừa đảo trong lĩnh vực XKLĐ

Thu Uyên
.
.
.