Hành vi của Kiên và đồng phạm đã làm lũng loạn thị trường tài chính, tiền tệ

Thứ Ba, 09/12/2014, 16:53
Theo đại diện của VKS, nếu không có sự phát hiện và can thiệp kịp thời của Chính phủ và các cơ quan bảo vệ pháp luật thì hậu quả xấu xảy ra với thị trường tín dụng, ngân hàng còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Ngày 9/12, TAND Tối cao tại Hà Nội tiếp tục phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.

Trước đó, ngày 8/12, kết thúc phần xét hỏi, vị đại diện Viện KSND Tối cao giữ quyền công tố đã đề nghị HĐXX bác toàn bộ nội dung kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, đồng thời giữ nguyên bản án sơ thẩm cả về tội danh, hình phạt và vấn đề dân sự như Tòa sơ thẩm đã quy kết. Lý do vì trong quá trình xét xử phúc thẩm, các bị cáo không khai báo thêm được tình tiết gì mới, cũng không có tài liệu gì chứng minh không phạm tội.

Trong phần tranh tụng, 4 luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên cho rằng, việc Tòa sơ thẩm quy kết bị cáo Kiên phạm bốn tội danh: kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là chưa thuyết phục, nhất là hành vi cố ý làm trái. Để minh chứng cho sự bào chữa của mình là có cơ sở, các luật sư nhận định, hành vi cố ý làm trái trong việc ủy thác cho nhân viên gửi số tiền gần 720 tỷ đồng vào Vietinbank sau đó bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt không thể coi là hành vi nghiêm trọng vì tới đây, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như mới diễn ra. Để xác định hành vi của các bị cáo trong vụ án này có nghiêm trọng hay không phải chờ bản án phúc thẩm liên quan đến vụ Huỳnh Thị Huyền Như mới có thể xác định được.

Đối với hành vi đầu tư cổ phiếu của Ngân hàng ACB dẫn đến hậu quả thiệt hại số tiền gần 690 tỷ đồng, các luật sư cũng cho rằng, số tiền này chưa mất nên cũng không thể coi là hành vi nghiêm trọng. Với những nhận định trên, các luật sư bào chưa cho bị cáo Kiên đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải đưa ra nhận định, trước năm 2010 pháp luật không cấm hoạt động ủy thác. Năm 2011, Luật Tổ chức tín dụng có hiệu lực nhưng hoạt động ủy thác vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn nên không thể quy kết hành vi của các bị cáo là vi phạm pháp luật. Vị luật sư này cho rằng, bản án sơ thẩm quy kết hậu quả đã được xem xét trong vụ Huyền Như nên không xem xét ở vụ án này là chưa chính xác.

Lực lượng Công an áp giải bị cáo Kiên về trại giam sau phiên xử.

Vì bản án sơ thẩm tuyên phạt Huyền Như chưa có hiệu lực pháp luật nên cần điều tra để xác định số tiền 720 tỷ đồng mà Ngân hàng ACB gửi Vietinbank đi đâu? Từ đó mới đủ căn cứ xác định hậu quả của hành vi cố ý làm trái có nghiêm trọng hay không. Với lập luận trên, vị luật sư bào chữa cho bị cáo Hải đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm đối với hành vi cố ý làm trái trong việc Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi số tiền gần 720 tỷ đồng vào Vietinbank. Đồng thời, chờ kết quả phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ Huyền Như để xem xét hành vi cố ý làm trái các bị cáo trong vụ án này ở mức nào.

Các luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo khác nguyên là thành viên HĐQT Ngân hàng ACB cũng đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét lại mức độ vi phạm của các bị cáo trong hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để có hình thức xử lý phù hợp.

Theo quan điểm của đại diện Viện kiểm sát thì trong quá trình Ngân hàng ACB hoạt động, lợi dụng kẽ hở của pháp luật nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng, Kiên và đồng phạm đã thực hiện các thủ đoạn kinh doanh không đúng quy định của pháp luật về cạnh tranh lành mạnh, tạo ra dòng tiền và tài sản ảo, tiền chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác làm tăng trưởng tín dụng ảo, lợi nhuận ảo và tăng giá trị cổ phiếu ảo.

Tiền mặt được Ngân hàng ACB huy động từ người dân, sau đó lại được ngân hàng này giao cho nhân viên gửi vào các ngân hàng khác để hưởng chênh lệch lãi suất đã vi phạm Luật Tổ chức tín dụng năm 2010. Sự cạnh tranh không lành mạnh và không dựa trên một quy luật thông thường của Kiên và đồng phạm nhằm phục vụ lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân.

Trong hành vi đầu tư cổ phiếu, Kiên và đồng phạm đã tự nâng giá trị cổ phiếu bằng việc tự đầu tư trực tiếp vào vào cổ phiếu của mình. Mặt khác, lợi dụng là cổ đông lớn nên Kiên đã rút tiền một cách dễ dàng từ Ngân hàng ACB vào các công ty sân sau do Kiên làm Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, từ đó thực hiện các hành vi kinh doanh trái pháp luật, với thủ đoạn dùng các công ty phát hành trái phiếu bán cho ngân hàng.

Hành vi của Kiên và đồng phạm đã làm lũng loạn trên thị trường tài chính, tiền tệ, ảnh hưởng xấu đến chính sách tài chính, chính sách quản lý thị trường tiền tệ trong nước. Nếu không có sự phát hiện và can thiệp kịp thời của Chính phủ và các cơ quan bảo vệ pháp luật thì hậu quả xấu xảy ra với thị trường tín dụng, ngân hàng còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Ngày 10/12, phiên tòa tiếp tục.

Nguyễn Hưng
.
.
.