Giang Kim Đạt bị tuyên án tử hình

Thứ Tư, 22/02/2017, 19:15
HĐXX đã tuyên phạt bị cáo giữ vai trò chính là cựu Tổng Giám đốc Vinashinlines - Trần Văn Liêm và cựu Quyền Trưởng phòng Vinashinlines Giang Kim Đạt cùng  mức án tử hình về tội tham ô tài sản.

Chiều 22-2, TAND TP Hà Nội đã kết thúc phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án tham ô tài sản và rửa tiền xảy ra tại Tổng Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (viết tắt là Vinashinlines).

Trong vụ án này, bị cáo Trần Văn Liêm, 62 tuổi, cựu Tổng Giám đốc Vinashinlines; Trần Văn Khương, 66 tuổi, cựu Kế toán trưởng Vinashinlines và Giang Kim Đạt, 37 tuổi, cựu Quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines cùng bị xét xử về tội tham ô tài sản. Bị cáo Giang Văn Hiển, 67 tuổi, cha đẻ bị cáo Đạt bị xét xử về tội rửa tiền.

Sau 4 ngày xét xử vụ án này, HĐXX sơ thẩm đủ cơ sở xác định, từ tháng 7-2006 đến tháng 3-2007, Liêm đã ký hợp đồng mua ba tàu Vinashin Summer, Vinashin Island, Vinashin Phoenix và giao cho Đạt thực hiện đàm phán mua các con tàu này.

Quá trình thỏa thuận, Đạt thống nhất với Công ty môi giới Marvin Shipping LTD mua tàu Vinashin Sumer của nước Panama với giá 6,25 triệu USD và Vinashinlines sẽ được hưởng 2% trên tổng giá trị hợp đồng mua bán tàu. Trong số 2% đó, công ty môi giới được giữ lại 10%, số tiền còn lại hơn 1,9 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản mang tên Hiển.

Các bị cáo nghe Toà tuyên án.

Tương tự, tàu Vinashin Island được mua với giá 5,95 triệu USD của Croatia. Trong đó, Đạt thỏa thuận với Marvin Shipping LTD để được hưởng 3,75% và cũng trích lại 10% trên tổng số tiền chênh lệch cho đối tác. Số tiền lần này được Đạt chuyển vào tài khoản của cha đẻ hơn 3 tỷ đồng. Đối với tàu VinashinPhoenix được mua với giá 21,55 triệu USD của Hy Lạp, Đạt cũng thỏa thuận để hưởng lợi bất chính 2% theo giá trị hợp đồng. Số tiền Marvin Shipping LTD được Đạt chuyển vào tài khoản của cha đẻ (lần thứ ba) gần 6,5 tỷ đồng.

Từ hành vi sai phạm này, cha con Đạt - Hiển đã nhận được tổng cộng gần 11,5 tỷ đồng tiền bất chính từ những hợp đồng mua bán các con tàu của Vinashinlines. Quá trình điều tra còn xác định, từ tháng 5-2006 đến tháng 6-2008, thông qua các công ty môi giới, Liêm, Đạt và Khương đã thoả thuận, đàm phán với các chủ tàu để gửi giá cước trong hợp đồng thuê mướn 9 con tàu và đã chiếm đoạt 249 tỷ đồng của doanh nghiệp Nhà nước.

Thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, Liêm cùng đồng phạm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt của Vinashinlines hơn 260 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Liêm chiếm hưởng 3,1 tỷ đồng, Đạt hưởng hơn 255 tỷ đồng và Khương chiếm đoạt 110.000 USD. Sau khi nhận được tiền chuyển vào tài khoản, Hiển đã rút ra đưa cho Đạt, đồng thời mua 40 bất động sản và mua đi bán lại 13 ô tô đứng tên Hiển và người thân.

Quá trình xét xử, các bị cáo phủ nhận lời khai như đã khai tại cơ quan điều tra. Tuy nhiên, HĐXX xác định, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét xử công khai có đủ cơ sở xác định, việc các bị cáo chối tội chỉ để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật về hành vi phạm tội đã gây ra. 

Với phán quyết trên, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo giữ vai trò chính là cựu Tổng Giám đốc Vinashinlines - Trần Văn Liêm và cựu Quyền Trưởng phòng Vinashinlines cùng án tử hình về tội tham ô tài sản. Cũng tội danh này, cựu Kế toán trưởng Vinashinlines - Trần Văn Khương bị phạt tù chung thân. Cha đẻ bị cáo Đạt là là bị cáo Hiển bị tuyên phạt 12 năm tù về tội rửa tiền.

Trước đó, quá trình luận tội, đại diện Viện kiểm sát chỉ đề nghị mức án tử hình đối với bị cáo Đạt và án chung thân đối với bị cáo Liêm; bị cáo Khương bị đề nghị 20 năm tù về tội tham ô tài sản. Bị cáo Hiển bị đề nghị từ 8 - 9 năm tù về tội rửa tiền. 

Lý do HĐXX tuyên phạt các bị cáo mức án cao hơn vìtrong quá trình xét xử, các bị cáo quanh co, chối tội; bị cáo này đổ thừa trách nhiệm cho bị cáo khác; có bị cáo còn khai báo gian dối với mục đích tránh sự trừng phạt của pháp luật.

Nguyễn Phương
.
.
.