Giáo viên ngoại ngữ tung chiêu lừa xin việc, chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng

Thứ Bảy, 27/06/2015, 11:52
Na tự giới thiệu là cán bộ Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ hứa hẹn hỗ trợ, giúp đỡ xin việc… chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng của nhiều bị hại.

Báo Công an nhân dân đã đưa tin ban đầu về vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Thị Na (30 tuổi, tạm trú tại phường Thọ Sơn, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) thực hiện.

Liên quan đến vụ án trên, ngày 25/6, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (PC 44) Công an tỉnh Phú Thọ cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Đoàn Thị Hồng Bích (53 tuổi, trú tại phường Tiên Cát, TP Việt Trì, ảnh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bích là đồng phạm của Na trong việc thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng của nhiều bị hại… 

Trước khi trở thành bị can trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên, Đoàn Thị Hồng Bích từng trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau… Khi cùng Nguyễn Thị Na thực hiện hành vi phạm tội, Bích là nhân viên một hãng bảo hiểm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, còn Na đang giảng dạy tại một số trung tâm ngoại ngữ. Hành vi phạm tội của Na và Bích bắt đầu từ năm 2011.

Trong buổi gặp gỡ tình cờ, Bích thẽ thọt nói với Na rằng chị ta có chỉ tiêu vào làm kế toán tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Bích bảo Na tìm người có nhu cầu xin việc… mức chi phí trọn gói là 70 triệu đồng/người. Dù biết Bích không có chức năng môi giới, tuyển dụng lao động nhưng Na vẫn đồng ý và ráo riết tìm người có nhu cầu xin việc.

Địa bàn đối tượng thu gom hồ sơ tập trung ở các huyện xa trung tâm của TP Việt Trì như Thanh Sơn, Tân Sơn… nơi người dân thiếu hiểu biết về thông tin. Nghe theo lời hứa hẹn ngọt ngào của Na, nhiều người bị hại còn lôi kéo cả người thân rồi bạn bè cùng gom tiền và hồ sơ chuyển cho đối tượng này, với số tiền bị chiếm đoạt không nhỏ. Trong số đó có trường hợp của ông Đoàn Văn Kiệt (ở Phú Thọ) với số tiền bị lừa đảo lên tới gần 500 triệu đồng.

Một trong các bị hại của Na và Bích có chị Vũ Thị Thanh (ở Tân Phú, Tân Sơn, Phú Thọ), lúc đó vừa tốt nghiệp cao đẳng kế toán đang có nhu cầu tìm việc làm. Na gặp và nhận hồ sơ cùng 35 triệu đồng của chị Thanh rồi hứa hẹn sẽ xin cho chị này làm kế toán trong các bệnh viện hoặc cơ quan Nhà nước trong tỉnh, trong thời gian một tháng.

Theo thỏa thuận giữa chị Thanh và Na thì số tiền còn lại sẽ chuyển hết, sau khi có quyết định. Toàn bộ hồ sơ và số tiền 35 triệu đồng trên, Na đã chuyển cho Bích… Đến thời hạn, chị Thanh hỏi quyết định xin việc thì Na khất lần. Cho đến không thể kiên nhẫn được hơn nữa, chị Thanh ráo riết đòi tiền thì Na tìm gặp Bích. Lúc này, Bích buộc phải nói ra sự thật, chị ta không có khả năng xin việc… Na đòi Bích số tiền trên thì Bích yêu cầu Na tiếp tục tìm kiếm người có nhu cầu xin việc để bù vào khoản tiền chị ta đã tiêu.

Thay vì phải dừng lại, Na tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Để đánh vào niềm tin của người bị hại, Na tự giới thiệu là cán bộ Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ. Trên thực tế vào thời điểm đó, chị ta chỉ làm việc tự do tại một số trung tâm dạy ngoại ngữ, bản thân Na không xin nổi việc cho chị ta, chứ đừng nói tới việc hỗ trợ, giúp đỡ cho người khác… Tính đến ngày 25/6, riêng số tiền Na chiếm đoạt được của 10 người bị hại đã lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ xác định, có trường hợp của ông Bùi Chí Định ở Tân Sơn, xin cho con trai chuyển từ Hà Giang về Phú Thọ, bị chiếm đoạt 110 triệu đồng; ông Nguyễn Hoài Nam, ở Tân Sơn nhờ xin thi công chức tại huyện Tân Sơn với số tiền 80 triệu đồng…

Ngoài xin việc, Na và Bích còn nhận chuyển công tác để chiếm đoạt tiền của một số bị hại, trong số đó có chị Nguyễn Thu Mai (ở Thanh Thủy, Phú Thọ). Chị Mai có nhu cầu chuyển từ Trường Trung học cơ sở Thu Cúc (Tân Sơn) ra các trường trên địa bàn TP Việt Trì.

Na đã gặp gỡ và nhận của nạn nhân 50 triệu đồng rồi hứa hẹn sẽ chuyển công tác cho nạn nhân trong khoảng một tháng. Mặc dù “cùng hội cùng thuyền” nhưng giữa hai đối tượng cũng có sự dè chừng lẫn nhau. Sau khi nhận tiền, Na chỉ giao cho Bích 7 triệu đồng…

Cũng như các lần trước, Bích đã ăn tiêu hết số tiền trên. Khi bị nạn nhân đòi tiền gắt gao, Na buộc phải bỏ tiền túi trả chị Mai số tiền này. Chị Mai là một trong những trường hợp may mắn nhận lại được số tiền xin việc. Hầu hết các trường hợp còn lại đều chấp nhận trắng tay vì cả hai đối tượng đều không còn năng lực tài chính.

Ngoài việc tiêu xài cá nhân cùng với Bích, Na còn dùng tiền của người bị hại để trả lương cho chính người có nhu cầu xin việc. Thủ đoạn của Nga là xin cho những người này thử việc tại một số cơ quan Nhà nước. Sau đó, Na dùng chính số tiền họ nộp xin việc, trả tiền lương hàng tháng, khiến người bị hại chắc mẩm rằng họ đã xin được việc… Với chiêu trò trên, cả đơn vị sử dụng lao động lẫn người bị hại đều không biết đến thủ đoạn tinh vi của Na. Bởi thế, trong một thời gian dài, Na cùng Bích tiếp tục thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo.

Vụ án trên là lời cảnh báo cho những người có nhu cầu xin việc, chuyển công tác. Trước khi đặt tiền và niềm tin vào một người nào đó, cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng về thông tin, tránh để “tiền mất, tật mang”.

Xuân Mai
.
.
.