Giám đốc TMV Cát Tường kháng cáo bản án sơ thẩm
Trước đó, trong hai ngày (4 và 5/12), TAND TP Hà Nội đã mở phiên xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Mạnh Tường cùng đồng phạm là Đào Quang Khánh, nhân viên bảo vệ của Thẩm mỹ viện Cát Tường.
Tại phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo Tường chỉ thừa nhận tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Đối với tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, bị cáo Tường không thừa nhận vì cho rằng, giám định pháp y tử thi nạn nhân không chỉ rõ được nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chị Huyền tử vong.
Bị cáo Tường sau khi Tòa sơ thẩm tuyên án. |
Mặc dù vậy, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và đặc biệt là lời khai của các nhân chứng trong suốt quá trình tố tụng, HĐXX sơ thẩm khẳng định, có đủ cơ sở để kết luận, bị cáo Tường đã làm trái các quy định về khám chữa bệnh, pha chế, cấp phát thuốc dẫn đến chị Huyền tử vong.
Với nhận định trên, HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Tường 14 năm tù về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác và 5 năm tù về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Hình phạt chung chi hai tội danh là 19 năm tù giam.
Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn phạt bổ sung cấm Nguyễn Mạnh Tường hành nghề bác sỹ trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Về dân dự, HĐXX sơ thẩm tuyên buộc Nguyễn Mạnh Tường phải bồi thường cho gia đình nạn nhân gần 600 triệu đồng và cấp dưỡng nuôi 2 con của chị Huyền đến khi các cháu đủ 18 tuổi.
Trước khi bị cáo Tường làm đơn kháng cáo, vợ bị cáo Tường là chị Nguyễn Thị Hằng cũng đã có đơn kháng cáo đề nghị Tòa phúc thẩm TAND tối cao tuyên trả lại chị chiếc xe ô tô mà bị cáo Tường dùng để chở thi thể chị Huyền đi phi tang mà Tòa sơ thẩm đã tuyên tịch thu xung công quỹ.
Theo chị Hằng, tuy chiếc xe đó Tường đứng tên đăng ký, nhưng thực tế có một phần tiền và công sức đóng góp của chị.