Gia tăng tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã quý hiếm
Tại hội nghị “Chánh án các nước ASEAN về môi trường…” diễn ra ngày 14/12 tại Hà Nội, theo thống kê của Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hành vi vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm trên cả nước trong 5 năm qua đã xảy ra 5.376 vụ, bình quân mỗi năm xảy ra khoảng 1.095 vụ. Số động vật rừng hoang dã và động vật rừng nguy cấp, quý hiếm tịch thu từ các vụ vi phạm bị phát hiện trên cả nước trong 5 năm qua khoảng gần 60 nghìn con các loại. Tuy nhiên, số liệu này chưa đầy đủ bởi thực tế còn nhiều vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã chưa bị phát hiện, bắt giữ.
Theo thống kê của Cục Thống kê tội phạm, Viện KSND Tối cao, trong thời gian từ năm 2009 đến 2013, số vụ án được khởi tố điều tra và truy tố về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ lên tới con số gần 500 vụ, với gần 750 bị can.
Nói về tình hình tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã trái phép, ông Đàm Văn Đạo, Phó Chánh Tòa hành chính, TAND Tối cao cho biết, thực tế qua công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm cho thấy một số vấn đề đáng lưu ý là tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép ngà voi, sừng tê giác đang diễn biến theo xu hướng ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Đối tượng phạm tội rất đa dạng, bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài.
Điều đáng nói là đối tượng phạm tội thường có vũ khí nóng và rất manh động. Khi bị bắt, đối tượng phạm tội chống trả quyết liệt. Hàng hóa được bọn chúng vận chuyển cả bằng đường bộ, đường thủy, đường hàng không, vận chuyển quá cảnh từ các nước vào Việt Nam để tiêu thụ.
Cơ quan Công an và Kiểm lâm bắt giữ một vụ vận chuyển trái phép động vật hoang dã. |
Theo các chuyên gia trong nước và quốc tế thì việc buôn bán động vật hoang dã đã đem lại lợi nhuận khổng lồ, ước tính chỉ sau buôn bán trái phép chất ma túy. Vì thế, việc buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã vẫn là vấn nạn không của riêng quốc gia nào, nhất là những nước có nguồn sinh học đa dạng như ở Việt Nam.
Theo thống kê, tổng doanh thu hàng năm từ buôn bán động vật hoang dã trái phép ở Việt Nam khoảng 66,5 triệu USD. Chính lợi nhuận khổng lồ này đã khiến cho việc chống lại các hoạt động buôn bán bất hợp pháp các động vật hoang dã nguy cấp ở Việt Nam trở nên phức tạp. Các nghiên cứu ước tính rằng, các vụ tịch thu buôn bán mỗi năm hàng ngàn tấn động vật hoang dã bất hợp pháp chỉ chiếm khoảng 20% trở xuống con số thực tế. Từ đó có thể thấy rằng, mỗi năm hàng ngàn tấn động vật hoang dã và hàng trăm ngàn cá thể bị tiêu thụ trong nước hoặc buôn lậu ra nước ngoài.
Trong những năm qua, chính quyền các cấp và các ngành chức năng dù đã tích cực tuyên truyền giáo dục, tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm nên đã hạn chế nạn buôn bán, săn bắn động vật hoang dã. Tuy nhiên, do sự phối hợp giữa các ngành và các địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này nên việc bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm còn gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Viện KSND tối cao và TAND tối cao phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong việc mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.
Để làm tốt công tác quản lý và ngăn chặn loại tội phạm này, hiện nay Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đang soạn thảo Thông tư liên tịch về “Hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ trái phép sừng tê giác, ngà voi” và Thông tư liên tịch này sẽ được ban hành trong thời gian tới để thiết lập các cơ quan quản lý, kiểm soát động vật hoang dã.