Gia tăng số vụ chống người thi hành công vụ

Thứ Tư, 21/09/2016, 10:03
Gần đây, số vụ chống đối, chống người thi hành công vụ, nhất là đối với lực lượng Cảnh sát giao thông đang có chiều hướng gia tăng, khiến người dân bức xúc. Dư luận cho rằng, cần phải đưa ra xét xử điểm số đối tượng vi phạm, qua đó tạo sức răn đen, phòng ngừa vụ việc tương tự, đảm bảo yêu cầu thượng tôn pháp luật.


Gần đây, số vụ chống đối, chống người thi hành công vụ, nhất là đối với lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đang có chiều hướng gia tăng, khiến người dân bức xúc. Dư luận cho rằng, cần phải đưa ra xét xử điểm số đối tượng vi phạm, qua đó tạo sức răn đen, phòng ngừa vụ việc tương tự, đảm bảo yêu cầu thượng tôn pháp luật.

Sáng 20-9, có mặt tại trụ sở Đội CSGT số 3, Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội. Chúng tôi được Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 3 cho biết, vụ đối tượng Nguyễn Chí Cường, 36 tuổi, trú tại phường Bưởi, quận Tây Hồ (Hà Nội) túm cổ áo, đấm vào mặt Trung úy Nguyễn Quang Thảo, cán bộ của Đội đang thi hành công vụ đã được bàn giao cho Công an phường Láng Thượng, Công an quận Đống Đa xử lý và đồng chí Thảo cũng đã được Đội đưa tới bệnh viện kiểm tra, chống phơi nhiễm HIV. 

Hình ảnh đối tượng Nguyễn Chí Cường chống trả CSGT được cộng đồng mạng chia sẻ và bày tỏ sự bất bình.

Trung úy Nguyễn Quang Thảo kể lại, trước đó vào lúc 6h20, ngày 19-9, khi đang trên đường làm nhiệm vụ tới khu vực đối diện số nhà 1166 đường Láng, Trung úy Thảo phát hiện nam thanh niên (sau này xác định là Nguyễn Chí Cường) không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe môtô đi cùng chiều phóng nhanh, lạng lách gây mất trật tự an toàn giao thông. 

Khi phát hiện lỗi vi phạm trên, với trách nhiệm của người chiến sĩ CSGT, Trung úy Thảo đã yêu cầu Cường dừng phương tiện, kiểm tra hành chính. Không những không chấp hành yêu cầu của cán bộ CSGT đang thực thi nhiệm vụ, Cường đã dùng tay túm áo, đấm vào mặt Trung úy Thảo. Trước hành vi trên, Trung úy Thảo đã cùng người dân khống chế và đưa Cường tới Công an phường Láng Thượng.

Vụ việc trên chỉ là điển hình, bởi thực tế hiện nay cho thấy, số vụ chống người thi hành công vụ đang diễn ra phức tạp. Chỉ cần gõ từ khóa “chống người thi hành công vụ” trên Internet, sau 1 giây đã cho hơn 1,5 triệu thông tin có liên quan. 

Trao đổi với PV Báo CAND, Trung tá Lê Tú cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, đã có hơn 20 trường hợp có hành vi chống đối, chống người thi hành công vụ đối với cán bộ chiến sĩ của đơn vị. Đối với những trường hợp này, Đội đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm. 

Nói về nguyên nhân khiến thời gian qua tình trạng chống đối, chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng, Trung tá Lê Tú cho rằng, một trong những nguyên nhân phải kể đến chính là nhiều lỗi vi phạm Luật Giao thông đã tăng nặng chế tài xử lý cả về hình phạt chính lẫn hình phạt bổ sung. 

Đơn cử theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, chế tài xử lý đối với lỗi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn trong máu đã tăng nặng rất nhiều. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản xử lý, nhiều trường hợp đã tỏ ý chống đối, thậm chí còn chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, các trường hợp vi phạm đều bị lập biên bản xử lý nghiêm.

Đại úy Lê Văn Tiến, Đội phó Đội CSGT số 9 cũng cho rằng, chiếm đa phần trong các vụ chống đối lại lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trong thời gian qua là các trường hợp người điều khiển phương tiện có trình độ nhận thức về pháp luật còn hạn chế, bị lực lượng chức năng phát hiện lập biên bản xử lý hành chính với các lỗi vi phạm có chế tài xử lý nặng (đi vào đường cấm, sử dụng rượu bia quá mức quy định…). 

Trước thực trạng trên, Đội cũng đã yêu cầu cán bộ chiến sĩ trong quá trình thực thi công vụ phải luôn chấp hành điều lệnh CAND, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm cố tình chống đối. 

Đồng quan điểm trên, Trung tá Lê Tú cho hay, bên cạnh công tác tuyên truyền, đối với các trường hợp chống người thi hành công vụ, các cơ quan tố tụng cần đưa ra xử điểm, xét xử lưu động để tăng tính răn đe. 

Đồng thời, các cơ quan ban hành luật cũng nên nghiên cứu, đưa thêm nội dung “cố tình không ký vào biên bản vi phạm hành chính là biểu hiện của hành vi chống đối vào các văn bản quy định pháp luật một cách cụ thể. 

Lẽ bởi, thời gian qua, xuất hiện nhiều trường hợp vi phạm Luật Giao thông cố tình không ký vào biên bản xử lý khi bị cán bộ CSGT phát hiện, lập biên bản xử lý, khiến công tác xử lý, răn đe vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Thạc sĩ, luật sư Quản Văn Minh, Giám đốc Công ty Luật số 5 - Quốc gia nhấn mạnh, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, đưa ra xét xử lưu động, xử điểm các vụ chống người thi hành công vụ, đối với mỗi cán bộ khi thi hành công vụ cũng cần nâng cao trình độ nghiệp vụ, tác phong, lễ tiết, văn hóa ứng xử của bản thân trong quá trình kiểm tra, xử lý đối với người vi phạm.
Trần Huy
.
.
.