Giả bị bắt cóc, áp lực thật với gia đình và xã hội

Thứ Bảy, 29/03/2014, 12:05
Từ sau vụ Lư Vĩnh Đạt bị bạn thân là Nguyễn Kim An (19 tuổi, quê quán Bình Thuận) bắt cóc thả trôi sông tống tiền 500 triệu đồng xảy ra ở quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) thì trong những ngày sau đó những vụ “mất tích” liên tiếp xảy ra. Dù chưa rõ nguyên nhân hay chứng cứ mà người nhà nạn nhân chưa rõ ràng đó có là một vụ bắt cóc hay không nhưng sự lo lắng của người thân các nạn nhân đã vô tình tạo ra một áp lực “vô hình” cho lực lượng Công an. Không đợi phải đầy đủ chứng cứ, khi được báo tin Công an các quận phải gác lại những vụ án khác để tập trung truy tìm nạn nhân…

Thượng tá Lê Hoàng Châu, Phó trưởng Công an quận Tân Bình cho biết, chỉ trong hai ngày Công an quận phải xử lý đến ba vụ  “mất tích”. Sau khi tung lực lượng dò theo từng manh mối thì cả ba vụ “mất tích” này đều là sự chủ động của nạn nhân. Sợ ba mẹ la mắng vì điểm kém, em H.T.D (12 tuổi) đã rủ em gái là bé H.N.P.M (6 tuổi, cùng ngụ Tân Bình) mang theo hai con heo đất (bên trong có 800 ngàn đồng) làm lộ phí rong chơi, thuê khách sạn ngủ qua đêm. Để tìm được hai cháu bé, Công an quận  phải phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, tung trinh sát truy tìm tại các điểm vui chơi, tiệm game, quán ăn và tìm thấy khi hai đứa trẻ đang lang thang trên đường Đồng Xoài, phường 13, quận Tân Bình.

Vụ thứ hai xuất phát từ việc lo lắng tột độ của mẹ nạn nhân khi L.N.M.Đ. (học sinh lớp 7) tan học mà không thấy về nhà. Sau 5 giờ truy tìm, Công an quận Tân Bình phát hiện Đ.  đang “hăng máu” trong trò chơi bắn giết tại… nhà một người bạn. Còn vụ thứ ba, nạn nhân là một nữ sinh lớp 11 bị người nhà trình báo là bị một người đàn ông lạ mặt chở đi đâu không rõ. Khi hỏi thông tin thì người nhà ai cũng khăng khăng “cháu rất ngoan” nhưng lúc tìm thấy thiếu nữ này, các trinh sát cho biết, thiếu nữ đã bỏ trốn gia đình vì “lỡ thương bạn trai nên đi theo”.

Buồn chuyện người cha thường xuyên bài bạc gây ra cảnh nợ nần lại không quan tâm đến gia đình Trần Trấn Hải (21 tuổi, ngụ Bình Tân, tạm trú quận 11) đã dựng lên kịch bản bắt cóc tống tiền để người cha quan tâm lo lắng cho mình hơn. Ngày 8/3, Hải điều khiển xe máy về Cao Lãnh - Đồng Tháp thuê phòng trọ và đi chơi với bạn gái sau đó giả giọng gọi điện thông báo bị giam giữ ở Tây Ninh, các đối tượng yêu cầu nộp 85 triệu đồng thì thả về. Sau khi nắm tình hình từ  báo cáo của quận Bình Tân, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc CATP đã chỉ đạo Công an quận 11 tiến hành phân tích và làm rõ ngay vụ án. Qua nhiều nguồn tin được biết, ông Trần Hòa Minh (cha Hải) đang nợ khá nhiều người ở các  quận 11, Bình Tân, Tân Phú, Tây Ninh… nhưng không có khả năng chi trả nên Công an quận 11 nhận định đây có thể là mấu chốt của vụ bắt cóc tống tiền. Tuy nhiên, làm việc với các đầu mối này, đều không có dấu hiệu khả nghi. Các tổ trinh lập tức tiếp cận Bà Đen, Tây Ninh nhưng lúc này Hải “tung hỏa mù” gọi điện báo cho gia đình vừa thoát khỏi nơi giam giữ và bị giang hồ truy đuổi sau đó tắt máy. Việc Hải dùng điện thoại của mình mà trước đó bị đối tượng “bắt cóc” dùng để gọi về tống tiền tạo ra một tình tiết khá mâu thuẫn nên Công an quận 11 nhận định Hải không hề bị bắt cóc mà tự mình dàn dựng ra vụ án này. Đúng như nhận định, 21h ngày 19/3, Hải lo sợ việc của mình đi quá trớn đã đến Công an quận 11 trình diện.

Theo ý kiến một số lãnh đạo Công an huyện, trước sự hoang mang của gia đình nạn nhân có người thân bị “mất tích”, phía Công an địa phương phải gác lại toàn bộ các công việc khác để tập trung quân tìm hiểu, nắm tình hình và truy tìm. Tuy nhiên thời gian qua những vụ “tự” mất tích, bị “bắt cóc tống tiền” như thế này đã “vô hình” tạo ra áp lực cho lực lượng Công an. Thông tin đánh giá ban đầu rất quan trọng cho nên Công an các quận, huyện lưu ý, khi trình báo người thân của nạn nhân cần nói rõ và chính xác về người bị mất tích, tính tình của người mất tích ra sao, có những dấu hiệu, biểu hiện gì trước khi mất tích, trong cuộc sống hằng ngày giữa người mất tích và các thành viên có bất ổn gì hay không?! Nếu thông tin cung cấp không có tính xác thực cao thì dễ dẫn đến việc đánh giá sai bản chất của vụ việc.

Lực lượng Công an phải ngưng các vụ án khác để tập trung lực lượng tìm kiếm, giải cứu con tin (Ảnh: Một vụ giải cứu cháu bé bị khống chế trong trường mầm non).

Đa phần các vụ “mất tích” thời gian gần đây chủ yếu là học sinh, thanh thiếu niên trong tuổi “nửa người lớn, nửa trẻ con” có những suy nghĩ chưa chín chắn, chưa biết được tác hại do mình gây ra ảnh hưởng đến gia đình và xã hội như thế nào. Ví như vụ học sinh N.H.A.T. (10 tuổi, thường trú quận 3, tạm trú quận 4) chiều 5/3 được người nhà đến Công an phường 9, quận 3 trình báo mất tích và được tìm thấy sau… 30 phút. Tuy nhiên chỉ trong vòng 30 phút này, Công an quận 3 phải gác lại bao nhiêu việc để vào cuộc tìm kiếm. T. cho biết, trong lúc đi vệ sinh thì gặp một người đàn ông cho T. một thanh kẹo cao su, ăn xong T. không biết gì và bị chở đi. Tỉnh dậy T. thấy đang ngồi trên xe nên nhảy xuống xe chạy vào siêu thị Maximark (trên đường 3 tháng 2) ẩn nấp sau đó tìm đường về nhà.

Quả thực nếu vụ việc này xảy ra, dư luận lại dấy lên việc dùng bùa mê để bắt cóc học sinh tống tiền cha mẹ nên Công an quận 3 một mặt triển khai các biện pháp nghiệp vụ thẩm tra, xác minh truy tìm người đàn ông như T. khai báo, mặt khác tiếp tục kết hợp cùng gia đình giáo dục, động viên T. khai báo trung thực về vụ việc xảy ra. Nửa tháng sau T. đã thừa nhận do chơi game trực tuyến trên mạng, T quen với một bạn game tên Đ. có nickname “HANG 123” và hẹn gặp nhau trước cổng trường để T bán cho Đ. bảo vật trong trò chơi điện tử. Khi ra cổng trường, T. gặp Đ. cả hai được một thanh niên chở đến siêu thị Maximark để mua bán bảo vật. Sau khi bán xong, T. ra về nhưng trời tối, lo sợ ba mẹ la mắng nếu biết chuyện T. trốn học đi chơi nên đã nói dối là mình bị bắt cóc.

Qua trao đổi, Thượng tá Lê Hoàng Châu, Phó trưởng Công an quận Tân Bình lưu ý gia đình và nhà trường cần sâu sát trong việc quản lý các học sinh đồng thời cảnh báo những khả năng các em có thể “mất tích” vì những lý do như: học kém sợ ba mẹ la mắng, hay ghiền game. Thông tin trình báo “mất tích” cần có tính chính xác cao, để nhận định vụ việc không bị chuyển theo một hướng khác không chỉ gây ảnh hưởng đến gia đình nạn nhân mà còn làm ngưng trệ những công việc khác mà Công an đang thụ lý

M.Đức
.
.
.