Về hiện tượng trí thức trẻ phạm tội trong lĩnh vực công nghệ cao:

Gánh họa vì kiếm tiền từ thế giới ảo

Thứ Năm, 20/02/2014, 12:55
Thời gian vừa qua, cơ quan Công an đã khám phá nhiều đường dây trộm cắp thẻ tín dụng của người nước ngoài để mua hàng, chuyển về Việt Nam.

Gần đây nhất là việc Cục Cảnh sát hình sự (C45) phối hợp với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) triệt phá "thế giới ngầm" (gọi tắt là UG) của bọn tội phạm sử dụng công nghệ cao, bắt 10 đối tượng trong ổ, nhóm lập ra các diễn đàn trong UG của tội phạm sử dụng công nghệ cao, hack thông tin thẻ tín dụng (cc) của người nước ngoài để ship hàng hóa về Việt Nam nhằm chiếm đoạt nhiều tỷ đồng. Trong số đó, có nhiều đối tượng là trí thức trẻ, thậm chí có đối tượng là sinh viên tài năng về công nghệ thông tin. Vì sao họ sa ngã?

Đáng tiếc rằng, các đối tượng phạm tội trong các vụ án về công nghệ cao đa phần đều là các trí thức trẻ. Mà với các trí thức trẻ, giỏi về công nghệ cao thì việc trộm cắp thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài để mua hàng và ship hàng về Việt Nam thực hiện "dễ như trở bàn tay". Bởi luôn có những diễn đàn (gọi tắt là UG) lập ra trên mạng Internet để bọn tội phạm dạy nhau cách hack (trộm cắp) thông tin các thẻ tín dụng (gọi là cc) của người nước ngoài. Thậm chí, có những đối tượng trộm cắp được dễ quá, nhiều quá thì cho các cc này miễn phí trên mạng. Vấn đề còn lại là việc các đối tượng tổ chức mua hàng bằng cc này rồi chuyển về Việt Nam để chiếm đoạt. Nếu làm thành công thì các đối tượng sẽ thu được rất nhiều tiền. Và một điều "xui khiến" các trí thức trẻ liên tục phạm tội trong lĩnh vực công nghệ cao, đó là họ tự nghĩ rằng mình phạm tội trong thế giới ảo, người bị hại ở nơi xa lắc thì không thể bị phát hiện ra.

Nguyễn Văn Hòa và Văn Tiến Tú.

Như đối tượng Vương Huy Long, 28 tuổi, trú tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, cầm đầu đường dây trộm cắp cc xuyên quốc gia bị Cảnh sát Việt Nam phối hợp với Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ triệt phá, vốn là học sinh giỏi, từng đoạt giải quốc gia về tiếng Anh. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, Long có dạy học ở một trung tâm tin học - ngoại ngữ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Đến năm 2008, sau khi mò mẫm vào mạng Internet, Long bắt đầu biết đến các trang website chuyên chia sẻ các cc và "tập" cách hack các thông tin này. Thấy cách làm này dễ và kiếm được bộn tiền, Long thôi nghề thầy giáo và quay sang chuyên nghề… trộm cắp, mua bán cc, sau đó ship hàng để chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Đối tượng Văn Tiến Tú, cầm đầu nhóm tội phạm có biệt hiệu "Mattfeuter", mà theo Cơ quan phòng, chống tội phạm nguy hiểm có tổ chức- Vương quốc Anh (SOCA) cung cấp, ước tính đã chiếm hưởng số tiền khoảng 200 triệu USD, cũng từng là một sinh viên giỏi về công nghệ của một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh. Ban đầu, Tú tập tành vào trộm cắp thử một vài cc của người nước ngoài, sau đó ship hàng về trót lọt. Bỗng nhiên được sở hữu những vật dụng rất đắt tiền mà chẳng phải làm lụng gì, Tú bắt đầu ham. Anh ta còn thuê gần chục người, tổ chức trộm cắp cc và ship hàng về một cách rất chuyên nghiệp nên tiền kiếm về rất nhiều.

Trong vụ triệt phá "thế giới ngầm" vừa qua, các điều tra viên của Cục C45 cũng rất tiếc trường hợp Nguyễn Văn Hòa, 23 tuổi, trú tại phường 3, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, hiện đang là sinh viên lớp Kỹ sư tài năng (Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh). Đối tượng này bị khởi tố và bắt tạm giam với tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác, bởi đây chính là  "trùm hacker" của các diễn đàn trong thế giới ngầm UG. Chính vì niềm đam mê về công nghệ mà Hòa có thể ngồi nhiều giờ, nhiều ngày để nghiên cứu và viết lập trình. Nguyên nhân đẩy Hòa vào con đường phạm tội chính là việc tham gia vào diễn đàn UG - trở thành công cụ để kiếm tiền bất hợp pháp cho các đối tượng khác.

Theo lời khai của Hòa, cậu ta bắt đầu hoat động trong "thế giới ngầm" từ năm 2010. Đây là đối tượng trực tiếp sử dụng kiến thức về công nghệ thông tin, tấn công vào các trang web nước ngoài để lấy cắp thông tin, thẻ tín dụng của người nước ngoài. Lấy cắp được thông tin và thẻ tín dụng, cậu ta lên mạng Internet để bán cho các đối tượng trong nước lấy tiền. Tổng số tiền mà các đối tượng mua cc chuyển đến tài khoản của Nguyễn Văn Hòa là hơn 7 tỷ đồng.

Trong vụ Văn Tiến Tú do kiếm tiền quá dễ nên hắn vung tiền theo kiểu "thiếu gia", sắm một dàn siêu xe nhiều tỷ. Một tuần, Tú 2 lần đi nước ngoài thu tiền bán thẻ tín dụng, ngoài ra thi thoảng lại đi du lịch đây đó, kèm với hàng "xách tay" là các cô người đẹp. Chuyện vào vũ trường, quán bar rải tiền của Tú chỉ là chuyện nhỏ. Khi thích lên, Tú lại rủ bạn gái phi "siêu xe" đến các rerost hạng sang, ngủ một đêm với giá từ 10 đến 20 triệu đồng… Bước đầu, Văn Tiến Tú khai nhận, tổng số tiền Tú hưởng lợi thông qua hoạt động mua, bán trái phép thông tin thẻ tín dụng từ đầu năm 2010 đến khi bị bắt là hơn 1 triệu USD. Số tiền đó, Tú đã sử dụng mua 2 căn nhà tại quận 1, 1 căn nhà tại quận 2, TP Hồ Chí Minh; 4 chiếc xe ôtô hiệu Porcher, Chryler, Mercedes, Honda Arcord; làm 2 sổ tiết kiệm tại ngân  hàng Sacombank…

Mặc dù kiếm được rất nhiều tiền nhưng đối tượng Nguyễn Văn Hòa không hề ăn chơi, toàn bộ số tiền kiếm được từ việc bán cc, theo Hòa khai, đã gửi hết về nhà cho bố là ông Nguyễn Đông H. Số tiền mà Hòa đã gửi cho gia đình là hơn 4 tỷ đồng và được gia đình sử dụng để mua đất tại Bình Dương và TP Hồ Chí Minh.

Các điều tra viên cho biết, gia đình Hòa ở tỉnh Quảng Trị làm nông nghiệp, gia cảnh cũng khó khăn. Thế nhưng, không thể vì sự khó khăn gia cảnh mà nhắm mắt trước việc đồng tiền con mình kiếm từ đâu ra? Tại sao họ không đặt câu hỏi: một sinh viên chưa ra trường thì làm gì để có được tiền tỷ gửi về mua đất? Hoặc các đối tượng vừa rời ghế nhà trường như Văn Tiến Tú, Hàn Đức Long, họ làm gì mà kiếm được nhiều tiền như vậy trong thời điểm kinh tế đang khó khăn như hiện nay? Chính vì sự thiếu quan tâm của gia đình như thế, càng khiến các đối tượng trượt dài. Và cuối cùng đón chúng là cánh cửa của trại giam.

Theo Thiếu tá Lê Xuân Minh, Trưởng Phòng 2, Cục C50, với trình độ và kỹ thuật của các cơ quan chức năng như hiện nay thì tất cả các đối tượng phạm tội trong lĩnh vực công nghệ cao, dù tinh vi đến đâu, cũng sẽ bị phát hiện. Chính vì thế, lời khuyên đối với các trí thức trẻ, các đối tượng đang có ý định phạm tội về công nghệ cao, hãy dừng lại trước khi quá muộn, bởi khi bị phát hiện, họ sẽ phải khép lại tương lai và trả giá bằng một bản án thích đáng của luật pháp.

T. Hòa
.
.
.