Điều tra, xác minh học sinh, sinh viên bị lừa đảo khi nhờ chuyển đồ

Chủ Nhật, 29/11/2020, 15:59
Ngày 29/11, Cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, đang điều tra, xác minh các vụ việc liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các em học sinh, sinh viên.


Trước đó, đầu tháng 11, Công an quận Thanh Xuân nắm bắt thông tin về việc một số em học sinh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn, các đối tượng lạ mặt tiếp cận các em học sinh đi một mình trên đường và nhờ giao đồ, lấy đồ hộ, rồi sẽ trả công từ 100.000 đồng  đến 200.000 đồng.

Theo em N.M (Hà Nội) cho biết, các đối tượng giao cho em 1 gói hàng hóa được bọc kín và nhờ chuyển vào một ngôi nhà trong ngõ. Người này hứa sẽ cho em 100.000 đồng sau khi chuyển hàng xong. Tuy nhiên, đối tượng yêu cầu em phải để lại tài sản để làm tin như điện thoại, ví tiền, giấy tờ cá nhân… 

Công an quận Thanh Xuân thông báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản học sinh, sinh viên

Để tăng phần tin tưởng, đối tượng đưa cho em một chiếc chìa khóa xe máy và hứa chắc chắn rằng sẽ đứng ở đó chờ mà không đi đâu hết, đợi em quay lại mới mở được khóa xe. Chính vì vậy, em đã tin và đưa điện thoại di động của mình cho người lạ. 

Tuy nhiên, khi vào điểm giao hàng thì không có ai cả, em M quay lại tìm người đàn ông thuê giao hàng thì người đó đã biến mất. Biết bị lừa, em M đã về kể lại vụ việc cho bố mẹ. Không chỉ riêng em M, với thủ đoạn này, một số em học sinh trên địa bàn Hà Nội đã vô tình “sập bẫy” lừa của các đối tượng.

Theo Thượng tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng Công an quận Thanh Xuân, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của các em học sinh nhất là lứa tuổi từ 12-16 tuổi, các đối tượng đã tiếp cận và giăng bẫy lừa. Những hàng hóa các đối tượng nhờ gửi đều không có giá trị, được bọc cẩn thận vì vậy các em không biết bên trong có gì. 

Để có thể chiếm đoạt được tài sản của các bạn nhỏ, đối tượng đã dùng chiêu bài sẽ tiền trả công để mồi bẫy. Nhiều em học sinh sau khi biết bị lừa đã không dám đến Công an trình báo, thậm chí không nói với bố mẹ vì lo sợ bị mắng. Thậm chí, các em nói dối bố mẹ là bị rơi mất điện thoại. Nhiều trường hợp, vì tài sản không lớn nên phụ huynh cũng không trình báo cơ quan Công an. Chính vì vậy, rất khó khăn cho quá trình điều tra vụ việc.

Trước vấn đề này, Công an quận Thanh Xuân đã chủ động nắm tình hình, rà soát địa bàn, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, phát hiện các đối tượng nghi vấn. Ngoài ra, Công an quận Thanh Xuân đã có văn bản gửi Phòng Giáo dục đào tạo quận và các trường đại học, cao đẳng, THPT, THCS, Tiểu học trên toàn địa bàn về việc phòng ngừa các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của học sinh, sinh viên. 

Đề nghị các trường tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các thủ đoạn lừa đảo đối với toàn bộ đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh để nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ tài sản, phát hiện thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng khi bị lừa đảo.

Hiện nay Công an quận Thanh Xuân đã chỉ đạo Công an 11 phường phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự và Đội Xây dựng phong trào trực tiếp đến từng trường học, tuyên truyền về thủ đoạn lừa đảo, kịp thời giải đáp các vướng mắc cho học sinh. Công quận Thanh Xuân đề nghị, phụ huynh và học sinh bị lừa đảo với thủ đoạn như trên, đến Công an quận Thanh Xuân trình báo để giải quyết.

M.Hiền
.
.
.