Điều tra vụ lừa đảo XKLĐ theo kiểu "đem con bỏ chợ"

Thứ Ba, 10/12/2013, 09:51
Theo đơn tố cáo của người dân, trong khi 9 người đầu tiên bị đưa đi xuất khẩu lao động "lừa" như trên thì tại Việt Nam, ông Thắng (vẫn thông qua trung gian là ông B.) tiếp tục "giăng bẫy", lừa được hàng chục người dân nghèo khác ở xã Tân Hội (Đan Phượng, Hà Nội) để chuẩn bị đưa đi "xuất ngoại" chuyến tiếp theo.

Ngày 9/12, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự cho biết, đang chỉ đạo tiến hành điều tra vụ lừa đảo xuất khẩu lao động xảy ra tại địa bàn xã Tân Hội (Đan Phượng, Hà Nội). Đây là vụ lừa đảo xuất khẩu lao động theo kiểu "đem con bỏ chợ", đang được dư luận và các cơ quan thông tin báo chí rất quan tâm. Bởi những nạn nhân trong vụ việc này đều là những người lao động nghèo, họ được các đối tượng thỏa thuận thu tiền, hứa đưa đi Đài Loan làm việc với mức lương cao, thế nhưng lại bị quẳng đến một xưởng sản xuất đồ hộp nhếch nhác ở một vùng dân cư heo hút thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Cuộc sống ở đây cực khổ, làm việc vất vả mà không nhận được đồng lương nào, nhiều nạn nhân đã phải tự giải cứu mình…

Hiện nay, rất nhiều bị hại đã gửi đơn tố cáo đến Cục Cảnh sát hình sự. Trong đó, đáng chú ý nhất là đơn của các bị hại trú tại xã Tân Hội (Đan Phượng). Thông qua một người cùng xã là ông Ngô Thế B., ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH tuyển dụng lao động Hoàng Thắng (Công ty Hoàng Thắng) địa chỉ tại đường Chiến Thắng, Vạn Phúc, Hà Đông đã về xã Tân Hội dụ dỗ nhiều người dân có nhu cầu đi lao động tại Đài Loan với mức lương cao. Theo cung cách của ông Giám đốc này đưa ra thì mọi thủ tục để đưa người đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan sẽ cực nhanh. Chỉ trong vòng chưa đầy 20 ngày, mọi thủ tục xuất cảnh hoàn tất. Không tuyển chọn, chẳng dạy nghề, bỏ qua khâu học tiếng, chỉ cần có hộ chiếu và 35 triệu đồng là người lao động ở xã Tân Hội sẽ được đưa lên máy bay đi sang Đài Loan lao động.

Thế nhưng, theo một số nạn nhân đã tự giải thoát cho mình trở về cho biết, ngày 27/9, 9 người ở xã Tân Hội tập trung tại sân bay Nội Bài và được giám đốc Nguyễn Văn Thắng trực tiếp đưa sang "Đài Loan" để nhận công việc. Sang đến sân bay bên kia, ông Thắng yêu cầu cả đoàn tập trung lại một chỗ và bảo ngồi chờ để làm thủ tục. Qua hỏi thăm, mọi người mới vỡ lẽ đây là sân bay Quảng Đông (Trung Quốc). Đến khoảng 14h cùng ngày, cả nhóm được đưa về một khu sản xuất vỏ hộp nằm heo hút, khá xa khu dân cư. Tại đây, họ bị ép làm việc hoàn toàn trái ngược với bản cam kết đã được ký với Công ty Hoàng Thắng. Mọi người phải làm luôn chân luôn tay từ 8h sáng đến 21h30 hàng ngày. Bữa trưa và bữa tối chỉ được nghỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ để ăn cơm. Họ còn phải bỏ tiền túi sắm đồ đạc cá nhân như quần áo, kem đánh răng, xà phòng giặt, chăn màn, chiếu…

Trụ sở Công ty TNHH Hoàng Thắng.

Được gần 1 tháng là kỳ lĩnh lương, ông Thắng bay sang, yêu cầu mọi người phải nộp hết hộ chiếu cho ông ta thì mới được lấy lương. Thấy vô lý, cả 9 người này đều nhất quyết không nghe. Thế là gần 12h đêm, họ bị Thắng đuổi xuống đường. Giữa đêm, nơi đất khách quê người, nhóm bị hại này vô cùng hoảng sợ, dắt díu chạy thật xa khỏi xưởng sản xuất với hy vọng sẽ tìm được người giúp đỡ. Được một người dân giúp đỡ, họ đã thuê được một nhà trọ nghỉ qua đêm. Sau đó, một người trong nhóm có người cô lấy chồng bên Trung Quốc đã liên hệ với cô và chồng của cô nhờ giải cứu. Được người chú rể dẫn đường, cả nhóm đã bắt xe khách đi mất 1 ngày, 1 đêm ra đến cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) để về quê. 

Theo đơn tố cáo của những người dân ở đây, trong khi 9 người đầu tiên bị đưa đi xuất khẩu lao động "lừa" như trên thì tại Việt Nam, ông Thắng (vẫn thông qua trung gian là ông B.) tiếp tục "giăng bẫy", lừa được hàng chục người dân nghèo khác ở xã Tân Hội để chuẩn bị đưa đi "xuất ngoại" chuyến tiếp theo. Tuy nhiên, khi thấy những nạn nhân của chuyến đi trước trốn chạy được về nước, tố cáo hành vi lừa đảo của ông Thắng nên những người này đã nhất quyết không đi nữa. Thế nhưng, khi đến công ty Hoàng Thắng đòi lại tiền thì năm lần bảy lượt Thắng đều viện ra đủ lý do để không trả lại. Theo lời Thắng, "bao giờ công ty bên… Đài Loan trả lại tiền thì Thắng mới trả cho người dân".

Theo phản ánh của người dân thì Thắng vốn ăn nói rất khéo, ông này "vẽ" ra đủ những điều tốt đẹp phía trước để dụ người dân nghèo "dính" vào "cái bẫy" mang tên "xuất khẩu lao động". Thắng "cam kết" với người dân nghèo rằng, giá trọn gói của chuyến "xuất khẩu lao động tại Đài Loan" là 120 triệu đồng nhưng người dân chỉ phải đóng trước 35 triệu đồng, còn lại công ty của ông ta sẽ cho nợ, trừ dần vào tiền lương hàng tháng sau này. Tuy nhiên, điều "tinh quái" của Thắng thể hiện ở chỗ, một số người dân vì thiếu hiểu biết pháp luật nên sau khi ký hợp đồng Thắng giữ luôn bản gốc, còn người lao động chỉ được giữ lại phiếu thu.

Ngoài những nạn nhân ở xã Tân Hội, theo chúng tôi được biết, còn có các nạn nhân ở một số nơi khác của Hà Nội và tỉnh khác đã mắc câu bẫy "xuất khẩu lao động" của công ty ông Thắng. Những bị hại ở Tân Hội cho biết, khi họ được Thắng đưa sang xưởng sản xuất vỏ hộp bên Quảng Đông (Trung Quốc) thì mới biết, trước đó còn có 6 người lao động ở các địa phương khác thuộc Hà Nội và Thái Nguyên cũng bị Thắng lừa sang đấy. Được biết, những nạn nhân "mắc bẫy" trước đó chỉ phải "đặt cọc" cho công ty Hoàng Thắng từ 25 - 30 triệu đồng, cho đến khi về Tân Hội, Thắng thấy "ngon ăn" nên đã nâng giá lên 35 triệu đồng. 

Sau khi trở về Việt Nam, các nạn nhân ở Tân Hội đã liên lạc được với 6 người còn mắc lại bên Trung Quốc, những người này tha thiết khẩn cầu các cơ quan chức năng giải cứu. Hiện, Cục Cảnh sát hình sự đang tiến hành các thủ tục cần thiết để giải cứu những nạn nhân này. Ai là bị hại của Công ty TNHH tuyển dụng lao động Hoàng Thắng, đề nghị liên hệ với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), địa chỉ tại ngõ 55 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội để được giải quyết

T. Hòa
.
.
.