Di tích Huế đang bị xâm hại nghiêm trọng

Thứ Hai, 10/03/2014, 22:35
Đó thực trạng đáng buồn ở nhiều di tích ở Thừa Thiên – Huế bởi ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích quá kém của người dân, khách tham quan.

Một trong những di tích nằm trong quần thể di tích Cố đô Huế là Cửu vị thần công, 9 khẩu thần công được các lính thợ và binh sĩ ở bộ Binh đúc dưới thời vua Gia Long (1803)  là vật chứng cho chiến thắng của vua Gia Long. Ngoài giá trị lịch sử, Cửu vị thần công còn mang giá trị nghệ thuật cao. Đây là những khẩu thần công lớn nhất Việt Nam và được trang trí đẹp nhất,  được  nhiều du khách trong và ngoài nước lui tới tham quan. Vậy nhưng, có những du khách tham quan vô tư xả rác thải từ bao ni lông, vỏ chai nước, vỏ bánh kẹo…trong  nòng súng. Có người vứt là người khác vứt theo lâu ngày làm nòng súng đầy rác ào ra tận cửa miệng đầy mùi hôi thối. Vứt rác chưa đủ, nhiều khách tham quan là học sinh, thanh thiếu niên còn viết vẽ bậy bằng bút xóa, sơn xịt lên nòng súng, cột nhà với những câu yêu đương, chửi thề tục tỉu.

Rác thải nằm trong nòng súng bốc mùi hôi thối nồng nặc

Bút tẩy, sơn xịt là thứ mà những du khách thiếu ý thức phá hoại di tích.

Bia Quốc Học, năm sát bờ Nam sông Hương, trước mặt trường Quốc Học. Công trình này được xây vào đầu thế kỷ 20 để tưởng niệm những binh sĩ người Pháp và người Việt ở Trung kỳ đã bỏ mạng vì sự nghiệp giúp nước Pháp đánh Đức trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, bên cạnh tấm bia ghi tên các vị anh hùng đã phai màu thời gian là những câu thề thốt yêu đương, nói tục chửi thề. Bên dưới là rác thải, kim tiêm, tình trạng đi vệ sinh bừa bãi nơi đây cũng làm ô uế chốn linh thiêng.

Cột trụ ở Phu Văn Lâu bị viết, vẽ bậy gây mất mĩ quan, giá trị di tích.

Du khách tham quan đọc những dòng chữ trên cột và rất bất bình.

Phu Văn Lâu nằm trên trục chính của Hoàng thành Huế, nằm sát đường Lê Duẩn (một trong hai công trình kiến trúc tô điểm cho bộ mặt của Kinh thành Huế), gần 20 chiếc cột trụ của Phu Văn Lâu đều bị những dòng chữ yêu đương nhảm nhí, chửi bới làm ô uế. cũng chịu cảnh bị viết, vẽ bậy nghiêm trọng. Tại các Nghinh Lương Đình ở bờ bắc sông Hương cũng chung tình trạng trên.

Chùa Thiên Mụ, ngôi chùa cổ nhất ở Huế, một trong 16 di tích quý giá của Huế đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới, cũng đang gánh chịu hậu quả từ việc làm vô ý thức của du khách. Bên trong lẫn bên ngoài chuông đồng, bia đá, trống, tượng mai rùa… đều bị viết vẽ bậy.

Hồ Tịnh Tâm là một di tích cảnh quan được kiến tạo dưới triều Nguyễn. Dưới thời vua Thiệu Trị đây được xem là một trong 20 cảnh đẹp đất Thần Kinh. Với kiểu kiến trúc cầu kỳ, tinh mỹ, hài hòa với tự nhiên, hồ Tịnh Tâm được xem là một thành tựu tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc cảnh quan Việt Nam thế kỷ 19. Hồ Tịnh Tâm xưa nay còn được biết đến với sen bách diệp đã trở thành đặc sản nức danh đất Thành Kinh.

Hồ Tịnh Tâm bị bức tử bởi nước thải từ cống thoát nước.

Hồ Tịnh Tâm ngập ngụa trong rác thải, hôi thối.

Vậy nhưng, hồ Tịnh Tâm ngày nào xanh trong, thơm ngát hương sen thì giờ chỉ còn màu xanh của bèo tây, rau muống, bùn đất, rác thải và mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nguyên nhân là nhiều người dân sống quanh hồ Tịnh Tâm vô ý thức xả rác bừa bãi xuống lòng hồ, đổ đất đá, vật liệu xây dựng ra xung quanh bờ hồ. Đáng nói hơn, quanh khu vực này có khá nhiều thùng rác, nhưng người dân không bỏ rác vào thùng mà vứt vào khu vực di tích hồ Tịnh Tâm. Xung quanh hồ, có rất nhiều cống nước thải dẫn vào hồ, từ đó mà nước thải sinh hoạt của người dân chưa qua xử lý chảy thẳng vào hồ. Ở phí bắc khu hồ có chợ Cầu Kho (phường Thuận Lộc, TP.Huế), tiểu thương ở chợ này vô tư vứt rác xuống lòng hồ, xả nước thải từ việc buôn bán thẳng ra hồ. Tất cả các loại rác thải từ vảy cá, lông gà cho đến bao ni long, chuột chết… đầy rẫy quanh hồ.

Không cần một ý kiến của bất kì ai, cơ quan nào, chỉ cần nhìn vào thực tế mức độ ô nhiễm nghiêm trọng tại một số di tích nằm trong Quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới năm 1993 nêu trên đã nói lên tất cả sự vô ý thức của người dân.

Việc xả rác, viết, vẽ bậy trên di tích không chỉ làm mất đi giá trị của di tích mà còn làm xấu đi hình ảnh của con người Việt Nam. Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần có biện pháp như tẩy xóa, thu gom rác và đặc biệt là xử phạt những người thiếu ý thức trong việc bảo vệ di tích. Chỉ có vậy mới mong khôi phục, bảo tồn nguyên vẹn nét đẹp văn hóa tại các di tích lịch sử

Như Quỳnh
.
.
.