Đề nghị xem xét trách nhiệm của lãnh đạo huyện Từ Liêm

Chủ Nhật, 07/07/2019, 17:36
Sau 3 ngày xét xử vụ bồi thường “thừa” 20 tỷ đồng tại Dự án Tây Hà Nội, ngày 5-7, đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hiện quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử đã luận tội đối với các bị cao và nêu quan điểm giải quyết vụ án này.


Đại diện Viện kiểm sát xác định, quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, bị cáo Nguyễn Hữu Khiêm (nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh), Tổ trưởng Tổ công tác xã Xuân Đỉnh; bị cáo Nguyễn Thị Xuân Hương (nguyên cán bộ địa chính xã Xuân Đỉnh) và bị cáo Nguyễn Thị Gấm (nguyên Chủ nhiệm hợp tác xã Xuân Đỉnh) biết việc điều chuyển đất nông nghiệp để được bồi thường là trái pháp luật.

Bị cáo Khiêm và đồng phạm tại phiên xử.

Nhưng từ tháng 6 đến tháng 11- 2011, vẫn có có 29 hộ nhận không thuộc diện được bồi thường đất vẫn có danh sách được bồi thường với tổng diện tích là 5.344 m2. Bị cáo Khiêm trực tiếp chỉ đạo và cùng bị cáo Hương, bị cáo Gấm ký xác nhận vào đơn xin điều chuyển đất, biên bản điều tra xác minh, phiếu xác nhận nguồn gốc đất cho 29 hộ. 

Quá trình xét xử, bị cáo Nguyễn Hữu Khiêm khai, không chỉ đạo các thành viên không đến thực địa và bản thân bị cáo không được hưởng lợi gì. Tuy nhiên quá trình điều tra đã xác định, trong số 29 hộ nhận đất có 2 hộ là người nhà bị cáo Khiêm, 1 hộ là người nhà bị cáo Hương và 2 hộ là người nhà bị cáo Gấm. 

Theo đại diện Viện kiểm sát, hành vi của nhóm bị cáo bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cũng rất rõ ràng. 

Nguyễn Minh Công (nguyên cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Từ Liêm), Lục Văn Cường (nguyên Phó trưởng Phòng Giải phóng mặt bằng- Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hà Nội), Nguyễn Tuấn Anh (nguyên cán bộ phòng giải phóng mặt bằng- Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hà Nội), Hoàng Minh Đức (nguyên cán bộ Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm) và Vũ Quý Dương (nguyên Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Từ Liêm) dù không đến thực địa để xác minh hiện trạng đất nhưng vẫn ký vào biên bản điều tra nguồn gốc đất. 

Hậu quả là 29 hộ nhận đất được nhận tiền bồi thường sai quy định là 20,9 tỷ đồng. Ngoài ra trong thời điểm này, có 11 hộ gia đình kê khai 4.929 m2 đất mương, đường giao thông là đất nông nghiệp. Các bị cáo ký xác nhận nhân hộ khẩu, biên bản điều tra, xác minh nguồn gốc đất. Hành vi này gây thiệt hại cho nhà nước số tiền 5,9 tỷ đồng, nâng tổng thiệt hại trong vụ án này là 26,9 tỷ đồng, hiện nay mới thu hồi được 576 triệu đồng.

Sau khi chỉ rõ sai phạm của từng bị cáo trong vụ án, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng hình phạt tù đối với các bị cáo. Đối với nhóm bị cáo bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ: Nguyễn Hữu Khiêm Khiêm từ 13-14 năm tù. Nguyễn Thị Xuân Hương từ 10-11 năm tù. Nguyễn Thị Gấm từ 12-13 năm tù. 

Đối với nhóm bị cáo bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng: Lục Văn Cường từ 42- 48 tháng tù. Nguyễn Minh Công, Nguyễn Tuấn Anh, Hoàng Minh Đức, Vũ Quý Dương từ 30- 36 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. 

Về trách nhiệm dân sự, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo Khiêm, Gấm, Hương phải liên đới bồi thường số tiền 26 tỷ đồng cho Nhà nước, đại diện là Trung tâm quỹ đất thành phố Hà Nội. 

Quá trình tranh luận, luật sư Đỗ Anh Thắng (bào chữa cho bị cáo Khiêm) cho rằng, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thấy rằng, có nhiều cán bộ nguyên là lãnh đạo UBND huyện Từ Liêm (cũ) có liên quan đến dự án này, nhưng quá trình xét xử không nhắc tới là chưa làm rõ vai trò, trách nhiệm của họ. 

Ngoài ra, trong nhiều ngày mở toà, không có lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm (mới) tham gia phiên tòa. Trong khi sự có mặt của lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm là rất cần thiết để làm rõ thêm những nội dung liên quan đến vụ án này. 

Từ quan điểm của mình, luật sư Thắng đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Theo kế hoạch, ngày 10-7, TAND TP Hà Nội sẽ ra phán quyết đối với các bị cáo.

NGUYỄN HƯNG
.
.
.