Đề nghị bác kháng cáo nhóm bị cáo sát hại nữ sinh ship gà ở Điện Biên

Thứ Ba, 16/06/2020, 19:47
Ngày 16/6, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên toà hình sự phúc thẩm xét xử 9 bị cáo trong vụ bắt cóc, hãm hiếp và sát hại nữ sinh giao gà ở tỉnh Điện Biên. Phiên toà phúc thẩm được mở theo đơn kháng cáo của 4 bị cáo. 

Trong đó bị cáo chủ mưu Vì Văn Toán (quê Điện Biên) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, Ba bị cáo đồng phạm là Bùi Văn Công, Vương Văn Hùng và Phạm Văn Nhiệm (đều quê Điện Biên) kháng cáo kêu oan. 

Ngoài ra, ông Cao Văn Hường (bố đẻ nữ sinh Cao Mỹ Duyên) kiến nghị HĐXX phúc thẩm xem xét không tử hình 6 bị cáo để đảm bảo tính nhân văn. Đại diện gia đình bị hại cho rằng, vụ án còn nhiều điều chưa làm rõ, nếu Toà phúc thẩm tuyên tử hình 6 bị cáo thì những điều cần làm rõ trong vụ án sẽ gặp khó khăn.

Chủ toạ phiên toà phúc thẩm.

Trước đó, cuối tháng 12- 2020, TAND tỉnh Điện Biên đã mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án này và tuyên phạt bị cáo Toán tử hình về hai tội giết người và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Công bị tuyên phạt tử hình về các tội giết người, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, hiếp dâm và tàng trữ trái phép chất ma túy. Bị cáo Hùng tử hình về các tội giết người, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và hiếp dâm. 

Bị cáo Vì Văn Toán.
Bị cáo Bùi Văn Công.

Bị cáo Nhiệm tử hình về các tội giết người, hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo khác tuỳ theo mức độ phạm tội mà bị tuyên phạt từ 3 năm tù đến tử hình. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX sơ thẩm buộc các bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại số tiền gần 200 triệu đồng.

Quá trình xét xử phúc thẩm, bị cáo Toán giữ nguyên nội dung đã trình bày trong đơn. Về lý do xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Toán thừa nhận bản án sơ thẩm đã tuyên đúng người, đúng tội nhưng Toán cho rằng, mức án tử hình mà Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo là quá nặng vì bị cáo chỉ tham gia quá trình bắt cóc nạn nhân, chứ không chỉ đạo các bị cáo khác sát hại nữ sinh Cao Mỹ Duyên. 

Toán cho rằng, người khởi xướng việc hiếp dâm và sát hại nữ sinh này là Công, và chính Công trực tiếp siết cổ, sát hại nạn nhân. Theo bản án sơ thẩm,  Toán là đối tượng nghiện ma túy và từng tù tội vì tội danh này. Trong vụ án này, Toán giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu và chỉ đạo Hùng, bàn bạc với Công khi thực hiện hành vi phạm tội.

Các bị cáo tại phiên toà phúc thẩm.

Trả lời thẩm vấn, bị cáo Hùng kêu oan và cho rằng, mình chỉ tham gia bắt cóc, cướp tài sản của nữ sinh Cao Mỹ Duyên chứ không hiếp dâm và sát hại nạn nhân. Tương tự, bị cáo Nhiệm cũng kêu oan và cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm quy kết mình phạm hiếp dâm và giết người là không đúng. 

Bị cáo Công cũng kêu oan và cho rằng, hung thủ thật sự của vụ án không phải các bị cáo đang ngồi trong phiên tòa này. Ngoài kêu oan, Công cũng phủ nhận việc bà Trần Thị Hiền (mẹ nữ sinh Cao Mỹ Duyên) nợ mình 30 triệu đồng là tiền mua ma túy. Thậm chí, Công còn phủ nhận không quen biết bà Hiền.

Đối chất tại toà, bị cáo Lường Văn Lả (quê Điện Biên) nhận tội. Bị cáo Lả khẳng định, bị cáo Công tham gia bắt giữ, hãm hiếp và sát hại nữ sinh Cao Mỹ Duyên. Ngay khi từ bục khai báo trở về chỗ ngồi, Lả bị vợ Công là bị cáo Bùi Thị Kim Thu đấm thẳng vào người vì không đồng tình với lời khai của Lả. Trước sự manh động này, HĐXX yêu cầu bị cáo Thu không được có hành động thiếu tôn trọng bị cáo khác. 

HĐXX yêu cầu khai báo, bị cáo Thu nói, không biết việc nữ sinh Cao Mỹ Duyên bị bắt cóc và hãm hiếp. Thu cho rằng, bị cáo Lả khai không đúng về việc mình từng cho chị Duyên ăn khi nạn nhân bị bắt tại nhà mình. “Bị cáo cũng là phụ nữ chứ không phải con vật. Nếu thấy Duyên bị người khác làm những việc xấu xa thì bị cáo sẽ cứu chứ không để con bé phải chết oan như thế”, Thu thanh minh. Bị cáo Thu bị Toà án cấp sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù về tội không tố giác tội phạm.

HĐXX đề nghị đại diện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên trình bày về việc, ba bị cáo Công, Hùng và Nhiệm kêu oan. Đại diện cơ quan điều tra khẳng định, việc ba bị cáo kêu oan là không có cơ sở. Bởi quá trình điều tra, lấy lời khai của các bị cáo đều có sự tham gia, giám sát của đại diện Viện Kiểm sát và cả luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo. Do đó, bị cáo cho rằng, mình bị oan, bị ép cung, dùng nhục hình là không có căn cứ.

Nêu quan điểm giải quyết vụ án này, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội đánh giá, trong vụ án này, cơ quan tố tụng có đủ căn cứ xác định bị cáo Toán và nhóm của Công đã tham gia bắt cóc, sát hại nạn nhân Cao Mỹ Duyên vì món nợ 300 triệu phát sinh từ vụ mua bán ma túy giữa Toán và mẹ đẻ chị Duyên là bà Trần Thị Hiền. Sau khi bắt cóc được nạn nhân, bị cáo Hùng đã chiếm đoạt xe máy, gà và điện thoại của nạn nhân. Quá trình giam giữ nạn nhân tại nhà, Công cùng một số bị cáo còn thay nhau khống chế để nhiều lần hiếp dâm nạn nhân. 

Để che giấu hành vi phạm tội, ngày 7-2-2019, Công đã dùng côn nhị khúc siết cổ dẫn đến nạn nhân tử vong sau đó. “Bị cáo Công chỉ thừa nhận hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy chứ không thừa nhận các hành vi khác. Bị cáo Hùng chỉ nhận bắt cóc nạn nhân. Đối với bị cáo Nhiệm, dù có đơn kháng cáo kêu oan và quá trình thẩm vấn vẫn kêu oan, nhưng sau đó đã nhận tội nên Viện kiểm sát không tranh luận. 

Căn cứ lời khai các bị cáo khác và kết quả giám định của cơ quan bảo vệ pháp luật, có đủ căn cứ xác định các bị cáo Công và Hùng đã phạm các tội giết người, hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo Công và bị cáo Hùng”, đại diện Viện kiểm sát khẳng định.

Đối với kháng cáo của ông Cao Văn Hường, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm, quá trình xét xử, gia đình bị hại đã được Chủ tọa phiên toà phân tích, đánh giá các nội dung liên quan đến kháng cáo xin không tử hình 6 bị cáo vì gia đình cho rằng vụ án còn có người khác đứng sau. “Tuy nhiên, các bị cáo trong vụ án có sự tổ chức, cấu kết và cùng bàn bạc với nhau rất chặt chẽ. Bị cáo Toán và nhóm của bị cáo Công còn chuẩn bị công cụ phạm tội, lên kế hoạch gây án sau đó bàn nhau cách trốn tội rất tỉ mỉ. 

Ngoài ra, giám định viên của Bộ Công an cũng đã trả lời những thắc mắc của gia đình xung quanh các dấu vết ADN, vết máu liên quan vụ án và đây là các căn cứ khoa học. Do đó, kiến nghị của đại diện gia đình bị hại là không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo”, đại diện Viện kiểm sát nêu rõ. 

Từ những căn cứ, lập luận nêu trên, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX phúc thẩm bác kháng cáo của bị cáo Toán, Công và Hùng; đề nghị bác kháng cáo của đại diện gia đình bị hại.

Nguyễn Hưng
.
.
.