Đẩy mạnh tuyên truyền phòng ngừa tội phạm công nghệ cao
- Cảnh báo tình trạng tội phạm công nghệ cao người nước ngoài gây án tại Việt Nam
- Mất tiền tỉ vì bị lừa bởi tội phạm công nghệ cao
Để phòng ngừa loại tội phạm này, Công an quận Hoàn Kiếm xây dựng tài liệu tuyên truyền gửi tới Công an các phường trên địa bàn quận để phổ biến tới từng người dân nâng cao cảnh giác, kịp thời phát hiện, tố giác với cơ quan công an khi cần thiết.
Thực tế, phương thức lừa đảo của đối tượng sử dụng công nghệ cao không mới, nhưng tính chất, thủ đoạn của bọn tội phạm thì tinh vi hơn. Mặc dù các phương tiện truyền thông đã liên tục cảnh báo; Bộ Thông tin Truyền thông cũng có tin nhắn gửi tới các thuê bao di động để tuyên truyền, nhưng vẫn xuất hiện liên tiếp các vụ lừa đảo. Xin dẫn chứng một số thủ đoạn cụ thể:
Đối tượng lừa đảo "hack nick" (chiếm quyền điều khiển tên) trên zalo, facebook, giả mạo người thân, bạn bè nhắn tin nhờ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng, chuyển tiền mua vé máy bay; Tự xưng là nhân viên bưu điện, nhân viên sân bay... gọi điện vào máy điện thoại cố định, di động thông báo "người bị hại" đang nợ tiền cước điện thoại, nợ tiền thẻ tín dụng, có bưu phẩm, quà tặng gửi ở bưu điện, sân bay lâu ngày không đến nhận. Khi "người bị hại" thắc mắc không có những việc như trên thì đối tượng hướng dẫn, nối máy cho bị hại nói chuyện với "cán bộ cơ quan công an, kiểm sát, tòa án".
Cảnh giác tội phạm công nghệ cao (ảnh minh họa Internet). |
Điều đáng chú ý là, số điện thoại bọn tội phạm gọi đến có đầu số giống hệt đầu số của các cơ quan công quyền. Vì vậy, khi kiểm tra đầu số gọi đến, "người bị hại" đinh ninh đó là số điện thoại của cơ quan công an, tòa án, kiểm sát thật (Đây là thủ đoạn hack số điện thoại bằng phần mềm điện thoại qua internet). Khi "bị hại" đã tin, bọn tội phạm yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân để lấy mật khẩu tài khoản ngân hàng, hoặc yêu cầu "bị hại" chuyển tiền đến một tài khoản theo yêu cầu của chúng.
Ngoài ra, chúng còn lừa đảo bằng việc tạo lập giả các thông báo trúng thưởng hoặc "nháy máy" các cuộc gọi quốc tế để "bị hại" tưởng người nhà gọi nhỡ nên gọi lại để chiếm đoạt tiền cước viễn thông.
Vì vậy, Công an quận Hoàn Kiếm đề nghị người dân:
1- Không cung cấp thông tin cá nhân cho người không quen biết (Lưu ý: Cơ quan chức năng không làm việc với đương sự qua điện thoại mà làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan chức năng).
2- Không cung cấp cụ thể thông tin cá nhân lên mạng xã hội.
3- Không giao dịch tài sản với những người không biết rõ nhân thân, lai lịch.
4- Khi xảy ra các tình huống trên không được chuyển tiền ngay mà kịp thời báo cho cơ quan công an để ngăn chặn hoặc phối hợp đấu tranh. Nếu đã chuyển tiền thì liên hệ với ngân hàng hoặc báo ngay cho công an để phong tỏa tài khoản.
5- Khi nhận được yêu cầu từ người thân, người quen trên mạng xã hội thì cần gọi điện trực tiếp để xác định lại.
6- Không lấy thông tin cá nhân của mình để làm các loại giấy tờ, thẻ ATM, visa, master... cho người khác sử dụng.
7- Cảnh giác trước thông báo trúng thưởng, nếu có thông báo cần đăng nhập website hoặc hotline của đơn vị báo trúng thưởng để kiểm tra.
8- Khi nhận cuộc gọi "nháy máy" có mã vùng quốc tế, rà soát các mối quan hệ ở nước ngoài để kiểm chứng.