Cựu giáo viên lừa đảo 23 người xuất khẩu lao động

Thứ Sáu, 25/10/2013, 12:58
Nguyễn Văn Quân (từng là giáo viên Trường THPT Nam Kinh, Thọ Xuân, Thanh Hóa) thu của mỗi người có nhu cầu đi XKLĐ 25 triệu đồng. Những người dân ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa đã nộp tiền cho Quân đến hàng tỷ đồng nhưng chưa người nào được xuất khẩu lao động như Quân đã cam kết…

Đến thời điểm này, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an tỉnh Phú Thọ đã xác định được 23 trường hợp là bị hại của Nguyễn Văn Quân (29 tuổi, trú tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) với số tiền bị chiếm đoạt lên tới hơn 1,2 tỷ đồng. Bằng thủ đoạn nào, Trưởng Chi nhánh Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế và thương mại Sông Hồng có thể lừa gạt, chiếm đoạt tiền của những người bị hại, khiến nhiều người trong số họ giờ rơi vào cảnh dở khóc, dở cười?

Tìm hiểu về vụ án này, chúng tôi được biết, một trong những nguyên nhân khiến Quân có thể dễ dàng lừa gạt, chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu ra nước ngoài lao động là do vị thế công tác của anh ta. Vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Quân đang là Trưởng Chi nhánh Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế và thương mại Sông Hồng, địa chỉ tại thị trấn Thanh Sơn (Phú Thọ), đơn vị này có chức năng tuyển dụng lao động và tuyển người đi lao động ở nước ngoài và đã được UBND huyện Thanh Sơn cấp giấy phép tư vấn môi giới tuyển lao động xuất khẩu ra nước ngoài.

Giấy phép này chính là tấm bùa hộ mệnh cho Quân dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về phần Quân, sau khi có các thủ tục cấp phép, Quân và các thành viên của cơ sở đến từng xã, thị trấn trên địa bàn các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập và nhiều địa bàn khác tư vấn và hướng dẫn cho những người có nhu cầu làm thủ tục, hồ sơ…

Quân cũng là người tự đưa ra những khoản phí và lệ phí để làm các thủ tục xuất khẩu lao động tùy theo từng nước đến lao động. Đặc biệt để tăng thêm số lượng những người có nhu cầu xuất khẩu lao động, Quân còn thành lập một mạng lưới những người sinh sống tại địa bàn các xã để trực tiếp tư vấn xuất khẩu lao động và thu hồ sơ, tiền về cho Quân.

Để đánh lừa người lao động, thủ đoạn của Quân còn tập trung vào các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Khi người dân có nhu cầu xuất khẩu lao động, Quân sẽ thu của mỗi người 25 triệu đồng (nếu không có tiền Quân sẽ trực tiếp tư vấn lập hồ sơ vay tiền ngân hàng chính sách để nộp cho Quân) với số lượng tiền Quân thu của những người dân trên địa bàn 3 huyện là đặc biệt lớn, lên đến hàng tỷ đồng, những người dân đã nộp tiền cho Quân nhưng chưa người nào được xuất khẩu lao động như Quân đã cam kết, đã có những người dân tỏ ra bức xúc.

Những dấu hiệu bất thường trong hoạt động của Chi nhánh Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế và thương mại Sông Hồng tại huyện Thanh Sơn do Quân làm trưởng chi nhánh đã được các cán bộ Công an huyện Thanh Sơn đặt trong tầm ngắm. Các mũi trinh sát sau đó được tung xuống địa bàn, gặp từng người, trong đó có trường hợp của chị Đỗ Thị Mỹ Lệ (trú tại huyện Yên Lập, Phú Thọ) bị chiếm đoạt 3.000 USD; anh Hà Văn Hùng ở Thanh Sơn (Phú Thọ) bị chiếm đoạt hơn 40 triệu đồng… để đi lao động ở Malaysia, Nhật Bản và Đài Loan.

Khi nhận tiền và hồ sơ của những người này, Quân cũng tổ chức cho họ được học tiếng nước ngoài, sau đó thì hứa hẹn trong thời gian ngắn nhất sẽ hoàn tất hợp đồng. Nhưng trong số những người đã nộp tiền cho Quân chưa có người nào đã được đi xuất khẩu lao động như lời hứa của chi nhánh trưởng.

Tiến hành xác minh tại Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế và thương mại Sông Hồng, địa chỉ số 70 An Dương, phường Yên Phụ, Tây Hồ (Hà Nội), công ty mẹ của chi nhánh tại Thanh Sơn do Quân làm Trưởng Chi nhánh, Công an huyện Thanh Sơn đã lật tẩy toàn bộ hành vi phạm tội của đối tượng này. Trên thực tế thì chi nhánh tại thị trấn Thanh Sơn đã bị công ty mẹ chấm dứt hoạt động từ cuối năm 2012.

Và cũng theo quy định, chi nhánh này chỉ có chức năng tư vấn cho người dân tại khu vực Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập các thông tin có liên quan đến việc xuất khẩu lao động, còn việc xuất khẩu lao động như thế nào, hợp đồng và nộp tiền phí để xuất khẩu phải về trụ sở công ty tại Hà Nội để nộp tiền cho thủ quỹ của công ty. Sau đó, công ty sẽ xuất phiếu thu có dấu tròn của công ty. Song lợi dụng sự buông lỏng quản lý của công ty mẹ, Quân đã có đất để phạm tội.

Được biết, trước khi trở thành bị can trong vụ án này, Quân từng là giáo viên Trường THPT Nam Kinh, Thọ Xuân (Thanh Hóa). Sau khi làm việc ở đây một thời gian thì Quân nghỉ việc rồi ra ngoài làm tự do… Từ các căn cứ thu thập được, cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Sơn đã ra lệnh bắt giữ Quân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đầu tháng 10/2013, vụ án đã được chuyển đến Phòng PC45 Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục điều tra, làm rõ

Xuân Mai
.
.
.