“Cơn bão” phá rừng càn quét dãy Langbiang
- Phú Yên ra văn bản hỏa tốc chỉ đạo phối hợp điều tra vụ phá rừng
- Phát hiện vụ phá rừng quy mô lớn trên địa bàn huyện Đak Đoa
Cơn mưa rừng mùa chuyển gió ầm ào ập tới. Con đường mòn đất đỏ bazan dẫn lên dãy núi Langbiang từ hướng buôn Đan Kia, thị trấn Lạc Dương đột ngột chuyển sang trơn trượt, đặc quánh bùn đất. Chiếc xe máy không thể nhích thêm được nữa, anh L., một người dân địa phương ra hiệu cho tôi tấp xe vào bụi rậm.
Từ đây, muốn chinh phục dãy Langbiang hùng vĩ lên thẳng đỉnh đài ra đa (điểm dừng trên đỉnh núi của khu du lịch Langbiang), bằng đường rừng, và để tận mắt chứng kiến cảnh tàn phá rừng thông cổ thụ xảy ra từ nhiều năm qua đến nay vẫn đang tiếp diễn, chúng tôi chỉ còn cách duy nhất là đi bộ vượt núi.
Rừng thông cổ thụ trên núi Langbiang bị cưa hạ. |
Càng lên cao, gió thổi càng mạnh, nhiệt độ hạ thấp, mưa nặng hạt xen lẫn sương mù phủ bạc đỉnh Langbiang ngay giữa mùa hè. Anh L. cho biết, tình trạng phá rừng, khai thác gỗ bất hợp pháp, lấn chiếm đất thuộc dãy núi Langbiang để làm rẫy hoặc sang nhượng qua tay kiếm lời đã xảy ra từ nhiều năm qua.
Trước tình trạng rừng thông quý ở dãy núi Langbiang (người dân địa phương còn gọi là núi Bà) bị tàn phá dữ dội, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài nguyên rừng, đe dọa trực tiếp tới thắng cảnh Quốc gia Langbiang, lực lượng chức năng đã lập lán trại ở ngay cửa rừng để kiểm soát người ra vào và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, không hiểu sao tình trạng cưa hạ, tàn phá rừng thông cổ thụ thuộc danh lam thắng cảnh Langbiang vẫn liên tục tái diễn, dai dẳng và kéo dài nhưng không được ngăn chặn, xử lý dứt điểm.
Chứng kiến hiện trường khốc liệt của các vụ phá rừng, khai thác gỗ trái phép và lấn chiếm đất ở đây, khó ai có thể tin được nó lại xảy ra ngay tại núi Langbiang, thắng cảnh cấp Quốc gia, một địa danh du lịch nức tiếng trong và ngoài nước, luôn trong tình trạng được ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt hơn rừng bất cứ nơi nào của tỉnh Lâm Đồng.
Hình ảnh đầu tiên PV Báo CAND bắt gặp chính là những cây thông cổ thụ, đường kính gốc lên tới 50-60cm, thẳng tắp, cao vút, hàng chục năm tuổi đã bị cưa hoặc đẽo quanh gốc, bị đầu độc bằng hóa chất, lá đã chuyển sang màu vàng hoặc chết khô. Càng đi cao lên núi Langbiang, cảnh tàn phá, hủy hoại rừng thông càng xảy ra khốc liệt. Hàng loạt cây thông vừa bị cưa hạ, nằm ngổng ngang trên mặt đất, nhựa tươi vẫn còn ứa ra từng giọt, rớt xuống trắng xóa.
Không ít cây thông, các đối tượng đã dùng cưa máy, xẻ gỗ và chở đi khỏi hiện trường. Tại khu vực này, chỉ trong phạm vi vài hecta đã có hàng trăm cây thông cổ thụ cả cũ và mới, đường kính gốc lớn tới cả người ôm không xuể đã bị cưa hạ. Nhiều vị trí, rừng thông quý bị cưa trắng, gỗ vẫn còn nằm ngổng ngang trên mặt đất. Tại một số nơi, để “phi tang” hiện trường, che giấu hành vi phá rừng, các đối tượng thường cưa nhỏ gỗ thông vừa hạ thành từng lóng ngắn, vài ngày sau đó sẽ châm lửa đốt sạch.
Thậm chí, ở không ít vị trí, rừng thông bị cưa hạ, lâm tặc còn ngang nhiên để gỗ lại ngay hiện trường như thách thức sự có mặt lực lượng chức năng. Những vùng rừng đã bị “giải tỏa”, các đối tượng lập tức trồng một số loại hoa màu như cà phê, dứa gai (thơm)... để khẳng định vững chắc “đất đã có chủ”, không ai được xâm phạm.
Theo điều tra của PV Báo CAND, mục đích tàn phá, đầu độc và cưa hạ rừng thông cổ thụ ở dãy núi Langbiang chủ yếu là lấn chiếm đất để sản xuất nông nghiệp hoặc chuyển nhượng qua tay ngay kiếm lời bất chính. Một người dân địa phương cho biết, đất rừng thuộc dãy núi Langbiang đang được các đối tượng bán với giá khoảng 200 - 250 triệu/1.000m2. Hình thức giao dịch chỉ là giấy “viết tay”, ký giữa bên mua và bán.
Nạn tàn phá rừng thông ở núi Langbiang đã xảy ra nhức nhối từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng không ngăn chặn kịp thời, không xử lý nghiêm túc, dứt điểm nên đã dẫn đến tình trạng “lờn luật”. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng và tài nguyên rừng tại dãy Langbiang bị các đối tượng xem nhẹ.
Hậu quả là danh lam thắng cảnh Quốc gia Langbiang nức tiếng đang bị “gặm nhấm”, xâm hại ngày một nghiêm trọng. Thậm chí, rất nhiều người đã đổ lên dãy Langbiang “xí phần”, nhận đất rừng là “đất của mình”, nhất là những khu vực giáp ranh với vùng sản xuất nông nghiệp. Tại những vị trí này, hầu hết đất rừng “đều đã có chủ, đụng vào là không xong đâu!..”, anh L. cho biết.
Theo anh L., từ nhiều năm qua, khi giá đất tăng mạnh, không ít đối tượng đã đổ xô lên núi Langbiang tranh giành, phân chia rừng, sau đó thuê người cưa hạ hàng loạt cây thông. Việc triệt hạ rừng thông ở Langbiang diễn ra bất kể ngày hay đêm, nhất là vào cuối tuần.
Mỗi lần lâm tặc thường cưa hạ khoảng 4-5 cây thông cổ thụ. Gỗ thông bị cưa nhỏ, phần đẹp sẽ được xẻ thành ván đưa đi khỏi hiện trường, phần gỗ còn lại vài ngày sau đó bị châm lửa đốt ngay tại chỗ. “Có hôm tiếng cưa máy gầm rú suốt đêm, dù nhà tôi cách rừng cả cây số nhưng vẫn nghe rất rõ!..”, anh M., một người dân buôn Đan Kia, thị trấn Lạc Dương cho biết.
Vị trí rừng thông đang bị tàn phá, khai thác gỗ bấp hợp pháp hiện nay tại dãy Langbiang thuộc lâm phần do Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý, trực thuộc thắng cảnh Quốc gia, khu du lịch Langbiang.