Chuẩn bị phúc thẩm vụ em gái lái xe đâm anh trai
Bị hại - anh Lương Đình Tuấn, chính là anh ruột của bị cáo Lương Thị Kim Lan. Trước đó, trong phiên tòa sơ thẩm, TAND thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Lan 12 năm tù giam; ngoài ra, bị cáo còn bị tịch thu một xe ô tô nhãn hiệu Huyndai Getz là tang vật gây án.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Lan kháng cáo đề nghị xem xét lại tội danh. Về phía nạn nhân là anh Lương Đình Tuấn và anh Lương Đình Lâm (em trai bị cáo Lan) cũng đề nghị cơ quan pháp luật xem xét giảm nhẹ tội cho bị cáo. Nhưng pháp luật thì dù đã thể hiện tính khoan dung, nhân đạo, song xét hành vi của bị cáo Lan là nguy hiểm, nên cũng chỉ xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo. Vậy vì sao người em ruột của anh Tuấn lại phải tù tội và mang tiếng với đời bởi một bản án giết người, mà nạn nhân lại chính là người cùng huyết thống với mình...?
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát: Mặc dù chưa thống nhất về việc chuyển mộ cho bố đẻ, anh em trong gia đình chia làm 2 phía đang có mâu thuẫn, một phía gồm bị cáo Lan và anh Lương Đình Tiến (anh ruột Lan) muốn chuyển mộ cho bố; phía kia là anh Lương Đình Tuấn và Lương Đình Lâm không đồng ý. Nhưng với quyết tâm thực hiện, nên trưa ngày 15/11/2012, lái xe của Lan chở Lan và anh Tiến đến nhà Trưởng thôn Ngọc Mạch, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội để xin làm thủ tục chuyển mộ. Khi tới gần nhà Trưởng thôn thì gặp anh Tuấn và anh Lâm đi 2 xe máy tới. Hai bên xảy ra tranh cãi.
Anh Tuấn, anh Lâm định lao vào đánh Lan vì cho rằng Lan là người khởi xướng việc chuyển mộ. Trong lúc đang cãi nhau, Lan bảo lái xe đưa chìa khóa ô tô cho Lan đi. Khi Lan lùi xe để quay đầu đi ra thì va vào xe máy của anh Lâm và anh Tuấn làm đổ xe. Tiếp đó, Lan điều khiển xe ô tô đâm thẳng vào người anh Tuấn, buộc anh này phải nhảy lên trên nóc ca-pô, bám vào cần gạt nước, còn một tay bám phần ốp nhựa bên lái xe ô tô để thoát thân. Lan tiếp tục điều khiển xe ô tô chạy rất nhanh ra đường 70, hướng về đại lộ Thăng Long với tốc độ khoảng 50 - 60 km/h... Mặc dù được người đi đường yêu cầu dừng xe để giải thoát cho anh Tuấn, nhưng Lan vẫn tiếp tục chạy. Chỉ đến khi có một xe ô tô khác giúp sức chèn ép xe của Lan lại, thì Lan mới dừng xe. Mặc dù anh Tuấn chỉ bị chầy sước nhẹ, nhưng anh Tuấn đã trải qua một khoảng thời gian hoảng hồn, vì nếu anh Tuấn không bám chắc, ngã xuống đường, thì tính mạng của anh Tuấn khó mà bảo toàn được.
Bị cáo Lan tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: CTV. |
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lan không đồng ý việc truy tố, xét xử bị cáo về tội "Giết người", vì Lan cho rằng anh Tuấn và anh Lâm đã đánh bị cáo, do sợ nên bị cáo phải lái xe bỏ chạy. Anh Tuấn đã cố tình nhảy lên ngồi ở nắp ca-pô xe của bị cáo. Lan khai chỉ chạy với tốc độ 20km/h với mục đích tìm đồn Công an gần nhất để trình báo, chứ không gây nguy hiểm cho anh Tuấn...
Nhưng Tòa sơ thẩm TAND TP Hà Nội có cơ sở cho rằng, bị cáo Lan đã điều khiển xe, bên trên ca-pô có anh Tuấn, chạy với tốc độ 50 - 60 km/h, kéo dài gần 9 km. Trong thời gian chạy còn phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, phanh gấp để anh Tuấn rơi khỏi xe ô tô. Việc anh Tuấn không bị ngã và không tử nạn là nằm ngoài ý muốn của bị cáo...
"Một giọt máu đào hơn ao nước lã", thiết nghĩ, bây giờ, dù là ai trong gia đình bị cáo Lan cũng đều không mong muốn xảy ra vụ việc đau lòng, làm ảnh hưởng đến tình cảm gia đình. Nhưng "bát nước đổ đi" có bao giờ lấy lại được đầy như cũ. Chỉ vì những phút nóng giận, suy nghĩ nông cạn, mà anh em trong gia đình đã đẩy nhau vào hoàn cảnh trớ trêu. Chắc cụ thân sinh ra bị cáo Lan, anh Tiến, anh Lâm, anh Tuấn cũng buồn nơi chín suối, chỉ vì lo "hậu sự" cho mình dẫn tới anh em bất hòa, kẻ rơi vào vòng lao lý. Đây là bài học chung cho nhiều anh em ruột trong gia đình khi đối nhân, xử thế trong cuộc sống.
Bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Lan phạm tội giết người có đúng hay không, câu trả lời hãy chờ phiên tòa phúc thẩm sắp tới