Thêm 2 nạn nhân bị lừa đảo qua điện thoại gần 1 tỷ đồng

Thứ Năm, 28/05/2015, 09:47
Mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về chiêu lừa đảo qua điện thoại của kẻ xấu, nhưng mới đây hai người ở Đà Lạt (Lâm Đồng) vẫn trở thành nạn nhân, số tiền bị lừa đảo lên tới gần 1 tỷ đồng.

Ngày 26/5, bà Phạm Thị Cúc, ngụ tại phường 3, TP Đà Lạt, hốt hoảng tới cơ quan công an trình báo về việc gia đình bà vừa bị kẻ xấu lừa đảo, chiếm đoạt mất 260 triệu đồng. 

Theo bà Cúc, sáng ngày 22/5, bà đang ở nhà thì nhận được điện thoại từ một số lạ, người bên kia đầu dây thông báo gia đình bà còn nợ hơn 8,9 triệu đồng cước điện thoại cố định. Do từ trước đến nay chưa từng nợ tiền điện thoại, cũng chưa bao giờ dùng điện thoại đến số tiền lớn như thế nên bà Cúc quả quyết không có chuyện gia đình bà nợ tiền điện thoại.

Một người từng bị các đối tượng lừa đảo quan điện thoại tại Đà Lạt nhắm tới nhưng do đề cao cảnh giác nên không trở thành nạn nhân.

Người nói chuyện với bà Cúc tiếp tục chuyển máy cho một người khác xưng nhà nhân viên bưu điện. Người này yêu cầu bà Cúc phải thanh toán ngay số tiền nợ trên nếu không sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an khởi tố bà. Tiếp đó, “nhân viên bưu điện” chuyển điện thoại cho bà Cúc gặp một người xưng là Nguyễn Hữu Tài, công an kinh tế. 

Người này nói bà Cúc có mở tài khoản tại Ngân hàng Á Châu với số dư hiện tại là 3,1 tỷ đồng, đầu năm đến nay bà Cúc đã giao dịch 160 tỷ đồng và nguồn tiền này không rõ nguồn gốc. Người này liên tục hù dọa rằng VKS đã ra lệnh đúng 4h30 ngày 22/5 sẽ thực hiện lệnh bắt bà Cúc.

Các đối tượng dùng điện thoại gọi điện để uy hiếp, đe dọa các nạn nhân.

“Công an kinh tế” Nguyễn Hữu Tài đưa ra 2 điều kiện cho bà Cúc lựa chọn, hoặc là bị bắt giam, phong tỏa toàn bộ tài sản, hoặc là phải chuyển toàn bộ số tiền vào một tài khoản để lực lượng công an giám định nguồn tiền chứng minh bà trong sạch. 

Trong 2 ngày 22 và 23/5, bà Cúc đã chuyển 260 triệu đồng vào 2 tài khoản được mở tại ngân hàng Sacombank tỉnh Đồng Nai do các đối tượng gọi điện thoại cung cấp. Trước đó, ngày 10/4 vừa qua, bà Nguyễn Thúc Huỳnh Gi Phùng (đường Phan Đình Phùng, TP Đà Lạt) cũng trình tới cơ quan công an báo bị nhóm đối tượng dùng thủ đoạn tương tự lừa 653 triệu đồng.

Đáng chú ý, với hình thức lừa đảo tương tự, vào tháng 8/2014, bà Nguyễn Khánh Dung, ngụ tại đường Phan Đình Phùng, phường 2, TP Đà Lạt cũng đã bị kẻ xấu lừa đảo, chiếm đoạt mất 100 triệu đồng. Vào thời gian này, không ít gia đình ở Đà Lạt liên tục nhận được những cuộc điện thoại từ số lạ, người lạ, ban đầu xưng là nhân viên của VNPT, yêu cầu người bị lừa đảo thanh toán nợ tiền điện thoại với số tiền là 8.930.000 đồng, sau đó hù dọa, chiếm đoạt tài sản nhưng một số người đã nâng cao cảnh giác nên không bị lừa.

Cơ quan công an đã cảnh báo rộng rãi hình thức lừa đảo này trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng không hiểu sao đến nay không ít người vẫn trở thành nạn nhân của chiêu lừa đảo này.
Kim Ngân
.
.
.