Kết luận điều tra vụ 14 bị can trong đường dây buôn lậu hơn 7.690 tấn dầu diesel trị giá 168 tỉ đồng
Trong số 14 bị can bị đề nghị truy tố có Nguyễn Thế Dũng, sinh năm 1955, trú tại phường 4, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Đồng Tháp; Trương Hữu Có, sinh năm 1965, trú tại xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, nguyên Giám đốc công ty cổ phần Vận tải biển Đông Á; Vi Văn Dũng, 47 tuổi, trú tại phường Trần Phú, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh... Riêng Đặng Thu Ngân, 36 tuổi, trú tại TP Móng Cái, Giám đốc công ty cổ phần Thuỷ sản Minh Khuê hiện đang bỏ trốn, bị truy nã khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Theo kết luận điều tra, cuối năm 2012, Thanh tra Chính phủ có văn bản đề nghị Bộ Công an phối hợp làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất xăng dầu. Bộ Công an đã giao cho Cơ quan An ninh điều tra vào cuộc và xác định có dấu hiệu tội phạm xảy ra tại Công ty Đồng Tháp nên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra làm rõ. Kết thúc điều tra vụ án, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định 13 bị can trong vụ án đã có hành vi buôn lậu hơn 7.690 tấn dầu diesel. Cụ thể, vào năm 2009, Trương Hữu Có quen biết với Đặng Thu Ngân và hợp tác kinh doanh một thời gian. Đến năm 2011, việc hợp tác kinh doanh giữa hai bị can này bị thua lỗ nên đã bàn bạc thống nhất rằng Trương Hữu Có sẽ tìm kiếm các doanh nghiệp đầu mối có chức năng kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu để mua dầu diesel loại tạm nhập tái xuất, Ngân sẽ chịu trách nhiệm tìm kiếm khách hàng người Trung Quốc để bán kiếm lời.
Sau đó, Trương Hữu Có đã chắp mối làm ăn với Nguyễn Thế Dũng khi bị can này mới được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty Đồng Tháp và bị can Nguyễn Ngọc Thi (khi đó là Phó trưởng phòng xuất nhập khẩu công ty Đồng Tháp). Cả ba người này đã thống nhất phương thức làm ăn cụ thể là: Công ty Đồng Tháp sẽ tạm nhập dầu diesel về Hải Phòng và Quảng Ninh bán cho Trương Hữu Có qua đường bộ cửa khẩu Tà Lùng, Cao Bằng và Mường Khương, Lào Cai, bán cho Đặng Thu Ngân qua đường thuỷ tại cảng Vạn Gia, Quảng Ninh. Quá trình điều tra đã xác định các bị can trên và đồng phạm đã mua bán hơn 7.690 tấn dầu diesel tạm nhập tái xuất từ Công ty Đồng Tháp, hợp thức hoá bằng hồ sơ tái xuất giả cho Công ty Đông Phương, Trung Quốc. Sau đó, các bị can đã vận chuyển xăng dầu sang Trung Quốc bán cho các đối tượng buôn lậu Trung Quốc thông qua các cửa khẩu Tà Lùng, Mường Khương, Vạn Gia. Cơ quan chức năng xác định trị giá hàng buôn lậu là hơn 168 tỉ đồng, hậu quả thiệt hại hơn 22 ti đồng gồm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng trong nước. Cho đến nay gia đình các bị can tự nguyện nộp 1,1 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Cơ quan chức năng kiểm tra tàu chở dầu trên biển. |
Kết luận điều tra xác định bị can Vi Văn Dũng và Đặng Thu Ngân có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 390 tấn dầu diesel trị giá hơn 400.000 USD. Tuy nhiên do bị can Ngân bỏ trốn nên cơ quan điều tra tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Ngân về tội danh trên và truy nã đối tượng. Khi nào bắt được bị can Ngân sẽ xử lý sau. Đối với một số cán bộ hải quan, cảng vụ hàng hải, biên phòng có liên quan đến việc buôn lậu dầu diesel trên, Cơ quan điều tra xác định không đủ căn cứ hoặc không cần thiết phải xử lý hình sự. Trong quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, còn phát hiện từ năm 2010 và năm 2011 một số người đại diện pháp nhân Công ty Đồng Tháp đã tái xuất khoảng 13.000 tấn dầu diesel tại cảng Vạn Gia cho Công ty Hồng Pháp thông qua đối tượng Phạm Hoàng Gia và việc tái xuất cho Công ty Hoang He Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai có dấu hiệu buôn lậu, vụ này tách ra để điều tra sau.
Đây là vụ án buôn lậu dầu diesel dưới vỏ bọc tạm nhập tái xuất khá nghiêm trọng diễn ra trong một thời gian dài trên địa bàn khu vực biên giới Việt Nam – Trung Quốc.