Bài học cho kẻ giả danh Trưởng Ban vận động để chiếm đoạt hơn một tỷ đồng

Thứ Sáu, 15/05/2015, 17:05
Nguyễn Trung Nghĩa, trú tại phường 2, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu từng bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt tập trung cải tạo về hành vi tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa. Sau thời gian cải tạo, Nghĩa tự phong cho mình là nhà sư, Trưởng Ban vận động thành lập Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và gây ra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn một tỷ đồng.

Ngày 15/5, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án này. Đây là vụ án mà Nghĩa đã gây ra từ 20 trước sau đó bỏ trốn. Tại phiên tòa này, bị cáo Nghĩa xin Tòa xử vắng mặt vì đang bị Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu bắt tạm giam để điều tra một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác.

Phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Trung Nghĩa gây ra không có mặt bị cáo.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, Nghĩa chỉ học hết lớp 5/12 và không có nghề nghiệp ổn định, nhưng tự phong cho mình pháp danh Thích Giác Hiếu, trụ trì tại chùa Ngọc Quý, TP Vũng Tàu. Nhận được thông tin phản ánh về sự việc này, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiến hành xác minh làm rõ và có công văn khẳng định, Nguyễn Trung Nghĩa chưa có giấy chứng nhận tăng ni của Trung ương. Chùa Ngọc Quý cũng chưa kê khai đăng ký vào danh bộ giáo hội, không sinh hoạt với giáo hội địa phương. Trong thời gian ở chùa, Nghĩa tự giới thiệu là Trưởng Ban vận động thành lập Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Ông Nguyễn Đức Đảng, khi đó là Giám đốc Công ty Văn phòng phẩm Cửu Long (100% vốn Nhà nước) được một khách hàng giới thiệu đến gặp Nghĩa để hợp tác làm ăn. Nghĩa nói, muốn hợp tác với công ty của ông Đảng để sản xuất hàng hóa lấy tiền nuôi trẻ em tàn tật. Thấy Nghĩa khẳng định, có khả năng và điều kiện đối ngoại, làm kinh tế với nhiều đơn vị nên ông Đảng bàn với Nghĩa xem có đối tác nước ngoài nào có nhu cầu sử dụng mặt hàng giấy than của Công ty Văn phòng phẩm Cửu Long thì giới thiệu giúp để công ty xuất khẩu mặt hàng này. Nếu xuất khẩu được, công ty sẽ trích lại 5% giá trị lô hàng bán đi. Nghĩa nhận lời với ông Đảng và lấy một số mẫu đi chào hàng.

Khi đi giao dịch, vì không có các giấy tờ hợp pháp nên Nghĩa đã nhờ là luật sư Nguyễn Thế Kỳ (ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) là Giám đốc Trung tâm Đào tạo Luật kinh tế TP Hồ Chí Minh đứng tên ký hợp đồng hộ để Nghĩa mua giấy than của Công ty Văn phòng phẩm Cửu Long và Nghĩa làm đại diện. Khi nhờ luật sư Kỳ, Nghĩa hứa sẽ trả công cho luật sư Kỳ 1% số tiền được hưởng lợi từ mỗi hợp đồng ký kết. Khi được luật sư Kỳ đồng ý, Nghĩa đã thông báo cho ông Đảng biết, Trung tâm Đào tạo Luật kinh tế TP Hồ Chí Minh có nhu cầu mua hàng của Công ty Văn phòng phẩm Cửu Long để xuất khẩu ra nước ngoài đổi lấy máy vi tính và Nghĩa được cử làm đại diện để thương thảo, ký kết hợp đồng kinh tế mua bán lô hàng này. Do tin tưởng Nghĩa nên Công ty Văn phòng phẩm Cửu Long (bên A) đã bán cho luật sư Nguyễn Thế Kỳ, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Luật kinh tế TP Hồ Chí Minh (bên B) và Nghĩa làm đại diện 220 nghìn hộp giấy than đen và giấy than xanh với tổng giá trị hợp đồng hơn 3,6 tỷ đồng. Quá trình ký kết hợp đồng, ông Đảng không quen biết luật sư Kỳ, mọi giao dịch đều thông qua Nghĩa. Mặc dù không nhận được tiền theo nội dung cam kết của hợp đồng, nhưng Công ty Văn phòng phẩm Cửu Long vẫn giao cho Nghĩa (với tư cách là đại diện của Trung tâm Đào tạo Luật kinh tế TP Hồ Chí Minh) lô hàng với trị giá hơn 1,6 tỷ đồng. Sau khi nhận hàng, Nghĩa nhờ luật sư Kỳ ký giấy ủy quyền để làm thủ tục xuất số hàng trên cho Nghĩa và bán được hơn 1 tỷ đồng. Số tiền trên, Nghĩa không trả cho Công ty Văn phòng phẩm Cửu Long mà chiếm đoạt toàn bộ rồi bỏ trốn. Sau khi phát hiện Nghĩa không phải là đại diện của Trung tâm Đào tạo Luật kinh tế TP Hồ Chí Minh, ông Đảng đã thu hồi được một phần số hàng mà Nghĩa chưa bán hết, trị giá gần 600 triệu đồng. Luật sư Kỳ cũng đã tự khắc phục hậu quả bằng cách bỏ tiền để trả nợ thay cho Nghĩa hơn 1 tỷ đồng.

Ngoài hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nêu trên, Nghĩa còn vay của Công ty Văn phòng phẩm Cửu Long số tiền 112 triệu đồng. Đến hạn trả nợ, Nghĩa không thực hiện cam kết mà bỏ trốn. Gia đình đã phải thay Nghĩa trả nợ số tiền đã vay của công ty.

Tại cơ quan điều tra, Nghĩa đã khai nhận hành vi phạm tội như nêu trên. Nghĩa khai, số tiền lừa đảo và lạm dụng chiếm đoạt tài sản đã sử dụng để trả nợ và chi tiêu cá nhân.

Trước khi phiên tòa này diễn ra, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đức Đảng về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, và khởi tố bị can đối với luật sư Nguyễn Thế Kỳ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó, Viện KSND TP Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với ông Đảng và luật sư Kỳ. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nghĩa 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 2 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hình phạt chung là 16 năm tù. Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho bị hại trong vụ án là luật sư Nguyễn Thế Kỳ.  

Nguyễn Hưng
.
.
.