Cảnh giác nạn buôn người - Bài học không bao giờ cũ

Thứ Ba, 02/09/2014, 13:47
Sau khi Báo CAND đăng bài “Nỗi niềm của những phụ nữ thoát khỏi tay bọn buôn người”, nhiều bạn đọc đã gọi điện, viết thư về Tòa soạn, chia sẻ những khó khăn, tủi khổ của những người từng không may mắn bị rơi vào tay của bọn buôn người. Nhưng cũng theo bạn đọc, hơn ai hết chính bản thân mỗi người dân, luôn phải cảnh giác cao trước những cám dỗ của đồng tiền, những lời hứa mơ hồ không có các bằng chứng pháp lý và thực tế xã hội... Bài học đó không bao giờ cũ!

Trong bài viết trước, những nạn nhân buôn bán người chúng tôi gặp đều có chung một quãng đời nghiệt ngã sau ngày trở về. Như hoàn cảnh của chị T., ở thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, trở về từ Trung Quốc mang theo một đứa con của người chồng “hờ” ở xứ người. Một người đàn ông ở quê tưởng như đã thấu hiểu, cảm thông sâu sắc được hoàn cảnh của chị T., cưới chị làm vợ, sinh ra hai mặt con sau đó nhưng rồi cũng bỏ chị mà đi. Bởi anh ta đã không thể vượt qua được rào cản mặc cảm về thân phận của chị… Nhiều năm qua, tình hình tội phạm buôn bán người tại Quảng Trị tuy không diễn biến phức tạp như các tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Campuchia, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Một nạn nhân của tội phạm buôn bán người.

Theo số liệu thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Trị, từ năm 1994 đến nay, Quảng Trị có 30 phụ nữ, trẻ em bị lừa bán sang Lào, Trung Quốc. Điểm đáng chú ý là bọn tội phạm hoạt động theo hình thức đưa đón phụ nữ, trẻ em qua Lào, xuất cảnh trái phép sang Thái Lan làm nghề giúp việc cho các gia đình khá giả; sau đó lừa bán vào các tụ điểm mại dâm hoặc đưa qua Trung Quốc lao động bất hợp pháp. Hậu quả của nạn mua, bán người không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới nạn nhân, cuộc sống của từng gia đình, mà còn đe dọa đến sự ổn định TTATXH.

UBND tỉnh Quảng Trị và Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam đã ký văn bản thỏa thuận hợp tác triển khai Dự án Bảo vệ nạn nhân trên địa bàn. Trong khuôn khổ Dự án, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị phối hợp với Chương trình Chấm dứt mua bán người, Sở Ngoại vụ tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội nghị giao ban cho cán bộ các ngành, địa phương, đơn vị. Công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng được quan tâm thực hiện. Ngoài ra, hoạt động tăng cường hợp tác giữa cơ quan chức năng của Việt Nam và Lào cũng được đẩy mạnh thông qua các văn bản ghi nhớ, quy chế phối hợp, đường dây nóng…

Cùng với đó, vừa qua Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Ban chỉ đạo 138 và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống mua bán người trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Riêng tỉnh Quảng Trị có tuyến biên giới đường bộ dài 206km, giáp với tỉnh Savanakhet, Salavan (Lào), có 2 Cửa khẩu Quốc tế La Lay, Lao Bảo cùng rất nhiều cửa khẩu phụ giao thông với nước bạn Lào, hoạt động giao thương diễn ra khá nhộn nhịp, có nhiều vấn đề phức tạp, nhất là hoạt động của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua, bán người qua biên giới…

Khi các ban, ngành đã bắt tay vào cuộc, nhiều người dân lao động nghèo sẽ được bảo vệ trước nạn buôn bán người. Thế nhưng cũng phải thừa nhận rằng, các hoạt động buôn bán người ngày càng diễn ra tinh vi hơn. Vì thế, để tránh bị lừa đảo, hơn ai hết, chính mỗi người dân cần có ý thức cảnh giác hơn trước những cạm bẫy đầy ngon ngọt của bọn tội phạm. Có như thế, tình trạng này mới được xóa bỏ triệt để

Thanh Bình
.
.
.