Cẩn trọng với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi tham gia không gian mạng

Chủ Nhật, 13/12/2020, 08:07
Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về phần mềm gián điệp được các đối tượng ngụy tạo, giả danh ứng dụng điện thoại mang tên “Bộ Công an” nhằm lừa đảo, trộm cắp tài sản, chiếm đoạt tài sản đặc biệt nguy hiểm. Đây chỉ là một trong những thủ đoạn lừa đảo của tội phạm xảy ra trên không gian mạng trong thời gian vừa qua.

Để người dân hiểu hơn về phương thức, thủ đoạn phạm tội trên không gian mạng, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Đại tá Trương Sơn Lâm, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an.

Phóng viên: Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới, việc sử dụng mạng xã hội đang được sử dụng công khai với số lượng người sử dụng đông đảo trên các ứng dụng như Facebook, Zalo, Instagram... lại là điều kiện cho các đối tượng phạm tội. Đồng chí có thể cho biết thực trạng tình hình tội phạm lợi dụng mạng Internet và tính chất nghiêm trọng của loại tội phạm này?

Đại tá Trương Sơn Lâm: Thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có tính chất xuyên quốc gia, gây thiệt hại lớn và bức xúc trong nhân dân, xảy ra chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Nam, Đồng Nai... Đặc biệt lợi dụng tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chủ trương giãn cách xã hội, nhiều hoạt động xã hội “dịch chuyển” lên không gian mạng nên tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gia tăng hoạt động.

Năm 2020, phát hiện khoảng 4.100 vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng; trong đó có 776 vụ việc lừa đảo qua mạng viễn thông bằng thủ đoạn giả danh cơ quan thực thi pháp luật (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát), các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, bưu điện…, đe dọa, yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin tài khoản hoặc chuyển tiền. Riêng Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao đã tiến hành xác minh, điều tra 18 vụ; khởi tố 5 vụ án và 27 bị can; đang tiếp tục xác minh hơn 10 vụ.

Nổi bật là vào tháng 1/2020 đã phối hợp Công an tỉnh Quảng Nam, Công an TP Hồ Chí Minh đấu tranh, triệt phá Chuyên án bắt giữ, khởi tố 10 đối tượng, trong đó có 2 đối tượng người Malaysia, đã phong tỏa 55 tài khoản của bị hại là người Việt Nam với số tiền 3,7 tỷ đồng và nhiều tài sản, tài liệu có liên quan, tổng số tiền các đối tượng chiếm đoạt lên tới hơn 500 tỷ đồng; Tháng 6/2020, đã phối hợp với Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế triệt phá thành công chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua Facebook, bắt giữ 3 đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của gần 500 nạn nhân trên cả nước với tổng số tiền cho đoạt lên đến 117 tỷ đồng...

Đại tá Trương Sơn Lâm. 

Phóng viên: Như vậy, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng diễn ra phức tạp với nhiều phương thức và thủ đoạn khác nhau..., đồng chí có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Đại tá Trương Sơn Lâm: Tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet diễn ra phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, phổ biến là hình thức sau:

Thứ nhất, các đối tượng sử dụng các dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại, mạo danh cán bộ của cơ quan chức năng trong các cơ quan thực thi pháp luật như: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện cho người dân để thực hiện hành vi lừa đảo, gây sức ép, yêu cầu khác nhau như phục vụ điều tra, làm người dân hoang mang, từ đó phải chuyển một số tiền lớn vào một tài khoản do các đối tượng này cung cấp. Gần đây, sau khi cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo và đấu tranh quyết liệt với tội phạm này, các đối tượng đã chuyển qua hình thức mạo danh cán bộ ngân hàng, nhân viên bưu điện thông báo về tài khoản ngân hàng bị lỗi, nợ cước điện thoại để yêu cầu người dân phối hợp giải quyết.

Thứ hai, lừa đảo qua các mạng xã hội, cụ thể như: Chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của người bị hại, sau đó tạo ra các kịch bản nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại; kết bạn qua mạng xã hội và hứa hẹn gửi quà có giá trị... sau đó, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nộp thuế hoặc lệ phí hải quan nhằm chiếm đoạt tiền; hoặc gửi tin nhắn qua Facebook, Zalo, Viber... thông báo trúng thưởng và đề nghị nộp phí để nhận thưởng.

Thứ ba, tấn công mạng để chiếm đoạt thông tin, tài khoản, cụ thể như: Tấn công hộp thư thư điện tử, thay đổi nội dung các thư điện tử, nội dung các giao dịch, hợp đồng thương mại để chiếm đoạt tài sản; hoặc giả mạo các trang thông tin điện tử, các dịch vụ trực tuyến để lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng và rút tiền.

Thứ tư, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động thương mại điện tử như: Các đối tượng mở các trang cá nhân bán hàng online, đặt hàng qua mạng, sau đó quảng cáo, rao bán các mặt hàng, yêu cầu bị hại chuyển khoản đặt cọc. Sau khi nhận cọc hay được chuyển khoản trước để đặt mua hàng, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng, chúng thường khóa trang mạng của mình hoặc xóa hẳn để xóa dấu vết, bỏ số điện thoại và chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Thứ năm, thông qua hình thức kinh doanh đa cấp hoặc qua các sàn giao dịch ảo (sàn vàng, ngoại tệ, bất động sản), tự lập hoặc đứng ra làm đầu mối cho sàn giao dịch nước ngoài để lôi kéo khách hàng mở tài khoản giao dịch để chiếm đoạt tiền đầu tư.

Thứ sáu, giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các giao dịch ngân hàng của người dân để chiếm đoạt tài sản.

Phóng viên: Với phương thức và thủ đoạn phạm tội như đã nói ở trên, thời gian qua, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao đã có những biện pháp như thế nào để ngăn chặn tội phạm trên?

Đại tá Trương Sơn Lâm: Trong thời gian qua, cùng với việc tổ chức phòng ngừa xã hội, chúng tôi đã kết hợp với phòng ngừa nghiệp vụ và tổ chức đấu tranh, xử lý các đối tượng có hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... Cụ thể, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tham mưu với Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 15/5/2020 về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; báo cáo Chính phủ, Ban Bí thư về tình hình, kết quả đấu tranh tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội facebook. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất những giải pháp mang tính đồng bộ trong việc triển khai công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh đối với hoạt động của loại tội phạm sử dụng tài khoản facebook để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản..

Bên cạnh đó, đơn vị đã đẩy mạnh công tác nắm tình hình, phát hiện, điều tra, khám phá, xử lý các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng; phối hợp, chỉ đạo Công an các địa phương tiến hành xác minh, xử lý hàng trăm vụ việc liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; ngăn chặn, vô hiệu hóa hàng trăm đường link, tài khoản trên mạng xã hội có nội dung lừa đảo. Qua công tác đấu tranh đã triệt phá nhiều ổ, nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động có tính chất chuyên nghiệp, phương thức, thủ đoạn tinh vi, góp phần kiềm chế sự gia tăng, giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên của tội phạm sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Phóng viên: Đồng chí có thể nói rõ hơn về những biện pháp sẽ triển khai trong thời gian tới để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng?

Đại tá Trương Sơn Lâm: Trong thời gian tới, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao sẽ tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nâng cao hiệu quả hoạt động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa xã hội; phối hợp với Công an các địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí, thường xuyên thông báo các thủ đoạn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng để người dân biết mà phòng ngừa, đấu tranh, kịp thời tố giác tội phạm.

Cùng với đó, tăng cường công tác nắm tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; phối hợp chặt chẽ với Công an các đơn vị, địa phương tổ chức điều tra, xử lý nghiêm đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng; khẩn trương tiếp nhận, xử lý 100% tin báo, tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với loại tội phạm này.

 Nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mạng nói chung và phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, nhất là chia sẻ thông tin, phối hợp xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, đấu tranh, bắt giữ và chuyển giao đối tượng gây án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.

Phóng viên: Đồng chí có khuyến cáo gì với người dân để tránh rơi vào cạm bẫy của tội phạm mạng.

Đại tá Trương Sơn Lâm: Để chủ động phòng tránh các hoạt động lừa đảo qua không gian mạng, đề nghị nhân dân khi sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin các nhân trên mạng xã hội. Giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet... cho bất kỳ người lạ nào gọi đến. Không chuyển tiền cho bất cứ ai, bất cứ yêu cầu nào khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết.   

Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội, thư điện tử, tài khoản ngân hàng. Thường xuyên thay đổi và đảm bảo độ an toàn của mật khẩu (kết hợp chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt). Thận trọng khi nhận sử dụng thư điện tử. Không nhấn vào các đường link, các liên kết hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử mà chúng ta không chắc chắn nguồn gửi đến. Chỉ mở thư điện tử hoặc tải xuống phần mềm/ứng dụng từ các nguồn đáng tin cậy. Thực hiện các biện pháp để bảo vệ thiết bị cá nhân kết nối, truy cập các dịch vụ trên không gian mạng bằng các công cụ bảo mật, phần mềm diệt virus mạnh. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần bình tĩnh, kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

Xuân Mai (thực hiện)
.
.
.