Qua xét xử vụ án dùng nhục hình ở TP Tuy Hòa (Phú Yên):

Cần có một góc nhìn cảm thông và thượng tôn pháp luật

Thứ Tư, 02/04/2014, 10:30
Suốt mấy ngày qua, vụ án dùng nhục hình được TAND TP Tuy Hòa xét xử sơ thẩm đối với 5 bị cáo nguyên là CBCS Công an đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận ở Phú Yên.

Trong số đó có bốn điều tra viên, trinh sát hình sự ở Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Tuy Hòa, gồm: Thiếu tá Nguyễn Tấn Quang, Thượng úy Phạm Ngọc Mẫn, Trung úy Đỗ Như Huy, Thiếu úy Nguyễn Thân Thảo Thành và một trinh sát ở Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an tỉnh Phú Yên là Thiếu tá Nguyễn Minh Quyền. Ngoại trừ Nguyễn Thân Thảo Thành bị truy tố theo quy định tại khoản 3 Điều 298 có khung hình phạt tù từ 5 đến 12 năm, bốn bị cáo còn là bị truy tố theo khoản 1 Điều 298 có khung hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Người bị hại trong vụ án này là Ngô Thanh Kiều - trú ở thôn Mỹ Thuận Ngoài, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, đã tử vong, nên chị ruột và vợ của anh là Ngô Thị Tuyết, Trần Thị Tâm tham gia tố tụng tại tòa. Hai luật sư đến từ Đoàn luật sư TP Hà Nội là Nguyễn Văn Thắng, Lê Ngọc Hoàng bào chữa cho bị cáo Thảo Thành, trong khi đó luật sư Võ An Đôn - Đoàn luật sư Phú Yên đảm nhận bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị hại.

Vụ án này khởi phát từ một chuyên án trinh sát do Công an TP Tuy Hòa xác lập. Trong vòng ba tháng (từ 10/2 đến 12/5/2012), trên địa bàn TP Tuy Hòa xảy ra 8 vụ kẻ gian đột nhập nhà dân trộm cắp tài sản, trong đó 4 vụ mất két sắt với nhiều tài sản trị giá tiền tỷ. Trước thực trạng nhiều vụ trộm liên tiếp xảy ra với tính chất táo tợn, phức tạp, khiến cho dư luận bức xúc, nhiều cử tri là cán bộ, đảng viên đặt câu hỏi vì sao cơ quan điều tra không truy tìm được thủ phạm gây án ?

Trong khi đó, sau mỗi vụ trộm, Công an TP Tuy Hòa đều tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết, nhận định đối tượng gây án là một nhóm trộm chuyên nghiệp và đã xác định ba nghi can. Đến ngày 17/5/2012, vụ án chuyển giao cho cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên thụ lý theo thẩm quyền, hai bị can Trần Minh Cường (32 tuổi), trú ở Mỹ Lệ Tây, xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa và Ngô Thanh Sơn (30 tuổi), trú ở khu phố 2, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa đã khởi tố bị can, bắt tạm giam. Từ kết quả điều tra đã có đủ căn cứ xác định Trần Minh Cường cùng hai đối tượng đồng bọn gây ra 10 vụ trộm ở TP Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu - Phú Yên và huyện Ia Pa - Gia Lai với tổng giá trị tài sản hơn 1,3 tỷ đồng.

Việc điều tra luôn phải khách quan, trung thực và tuân thủ các qui định của pháp luật (ảnh minh họa).

Trong phiên xử sơ thẩm cuối tháng 3/2013, TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt Trần Minh Cường 15 năm tù, Ngô Thanh Sơn 12 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Riêng nghi can Ngô Thanh Kiều, sau một cuộc đấu tranh xét hỏi không đúng pháp luật đã tử vong vào chiều 13/5/2012 do chấn thương sọ não, chấn thương phần mềm trên cơ địa có viêm phổi. Theo đó, 5 CBCS nêu trên bị Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao khởi tố về tội dùng nhục hình, Nguyễn Thân Thảo Thành bị bắt tạm giam.

Không khí phiên tòa xét xử vụ án này không chỉ “nóng” dần lên trong suốt bốn ngày xét xử, mà nhiều người còn bày tỏ sự bức xúc sau khi khi kiểm sát viên Ngô Thị Hồng Minh - đại diện Viện KSND TP Tuy Hòa thực hành quyền công tố tại phiên tòa luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Thành từ 5 năm đến 5 năm 6 tháng tù, Quyền, Quang, Mẫn từ 18 đến 24 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo; Huy từ 12 đến 18 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.

Một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự là “Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật”. Pháp luật không cho phép những người thực thi công vụ bức cung, nhục hình trong hoạt động tư pháp. Các biện pháp nghiệp vụ điều tra, xét hỏi cũng không cho phép họ hành xử trái pháp luật. Trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng đã làm rõ mối quan hệ giữa người bị hại và 5 bị cáo ra tòa không hề có mâu thuẫn, thù oán cá nhân.

Các nghi can trong chuyên án đều là đối tượng từng có tiền án, tiền sự. Trần Minh Cường 3 lần bị TAND huyện Tuy Hòa (cũ), TAND tỉnh Phú Yên, TAND TP Tuy Hòa xử phạt 6 năm 3 tháng tù về tội trộm cắp tài sản trong năm 2002, 2005, 2008. Ngô Thanh Sơn bị đưa vào Cơ sở giáo dục 2 năm về hành vi trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng vào năm 2004 và bị TAND tỉnh Phú Yên xử phạt 4 năm tù về tội cướp tài sản vào năm 2008. Ngô Thanh Kiều trong năm 2005 đã bị TAND huyện Tuy Hòa (cũ) xử phạt 9 tháng tù về tội trộm cắp tài sản, hai lần bị chính quyền địa phương quản lý, giáo dục tại địa phương về hành vi cố ý gây thương tích và ném gạch, đá vào nhà người khác.

Không thể bào chữa, biện minh cho hành vi phạm pháp của 5 bị cáo trong vụ án dùng nhục hình, vì hành vi phạm tội của họ đã rõ; đương nhiên việc điều tra, truy tố và xét xử phải đảm bảo đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Tuy nhiên, để có một phán quyết công minh, cần phải nhìn nhận động cơ dẫn đến hành vi phạm pháp của họ là do thiếu kiềm chế, nóng vội, muốn kết thúc sớm một chuyên án đã có nhiều chứng cứ chứng minh tội phạm. Động cơ đó không vì lợi ích riêng tư của bất kỳ cá nhân trinh sát hình sự, điều tra viên nào, mà chỉ hướng tới mục đích đấu tranh phòng, chống tội phạm trong đời sống xã hội. Chính vì thiếu tinh tế, nhạy bén về nghiệp vụ và pháp luật; thiếu kiềm chế và nóng vội chỉ vì mục đích chung, đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, nên họ phải trả giá đắt khi bị tước danh hiệu CAND, bị truy tố và sẽ bị tòa án xử phạt về tội dùng nhục hình.

Hậu quả từ hành vi dùng nhục hình của 5 bị cáo không chỉ dẫn đến cái chết của anh Kiều, mà còn để lại nỗi xót xa, đau khổ của những người thân, đặc biệt là hai đứa trẻ sớm mồ côi cha. Sau khi gây ra hậu quả đó cho đến khi ra tòa, những người có hành vi dùng nhục hình dẫn đến cái chết của anh Kiều cũng đã chịu nhiều áp lực tâm lý từ phía gia đình bị hại, người thân của chính mình và từ “búa, rìu” dư luận xã hội. Biết rằng, bây giờ hối tiếc cũng đã muộn, số phận pháp lý của họ sẽ được tòa án phán quyết bằng một bản án nghiêm minh sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo quy định pháp luật.

Cần phải nói rằng, nỗi đau của gia đình anh Kiều cần phải được mọi người chia sẻ bằng tấm lòng, tình cảm sâu sắc nhất, nhưng cũng cần có cái nhìn khách quan về hành vi của những người đã vào vòng tố tụng hình sự. Vì thế, rất cần có một góc nhìn cảm thông, chia sẻ cho cả hai phía và điều quan trọng pháp luật phải được thượng tôn

P.Kim - Đ.Văn
.
.
.