Cận cảnh Công ty Luyện cán thép Gia Sàng sau ngày Phó TGĐ bị bắt

Thứ Bảy, 09/08/2014, 10:48
Có mặt tại Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng những ngày này, chúng tôi mới thấy hết được sự trống vắng, tan hoang của công ty, khi mà số công nhân từ 750 người rút xuống 372 người, rồi giờ đây là không một bóng người. Bên trong chỉ là nhà xưởng bỏ hoang với máy móc bị hoen gỉ do đã bỏ không từ lâu, cỏ mọc um tùm trên những lối đi, thậm chí một số khu vực là cảnh tượng “vườn không nhà trống” do máy móc bị rút ruột, phá hoại.

Như Báo CAND đã thông tin, ngày 29/7 vừa qua, tại trụ sở Công ty cổ phần (CP) Luyện cán thép Gia Sàng, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Lê Xuân Hộ (tức Động), 49 tuổi, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc công ty vì đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại điều 281 Bộ luật Hình sự. Thực chất hành vi của Hộ không phải diễn ra trong thời gian gần đây, đó là kết quả của cả một quá trình kéo dài với một số đồng phạm, mà CQĐT vẫn đang tiếp tục xác minh, làm rõ.

Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng tiền thân là Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng do Cộng hòa Dân chủ Đức xây dựng, với tổng diện tích mặt bằng hơn 24ha, được đưa vào sản xuất năm 1975. Từng được ví là “cánh chim đầu đàn” của ngành Thép Việt Nam sau giải phóng, Công ty Luyện cán thép Gia Sàng từng là doanh nghiệp thép có quy mô và công nghệ thuộc loại lớn và hiện đại nhất miền Bắc. Đến ngày 1/1/2007, công ty được cổ phần hóa với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó vốn sở hữu Nhà nước 39,66%; vốn của ông Lê Xuân Hộ 41%; của cán bộ công nhân viên còn lại trong công ty là 19,34%. Từ khi được cổ phần hóa, kết quả sản xuất kinh doanh ngày một đi xuống và liên tục lỗ. Chỉ riêng năm 2010 lãi 15,375 tỷ đồng. Năm 2011 lỗ hơn 21 tỷ đồng, năm 2012 lỗ hơn 28 tỷ đồng. Đến hết năm 2012, công ty này lỗ lũy kế hơn 108 tỷ đồng, và đã ngừng sản xuất từ tháng 1 năm 2013.

Có mặt tại Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng những ngày này, chúng tôi mới thấy hết được sự trống vắng, tan hoang của công ty, khi mà số công nhân từ 750 người rút xuống 372 người, rồi giờ đây là không một bóng người. Bên trong chỉ là nhà xưởng bỏ hoang với máy móc bị hoen gỉ do đã bỏ không từ lâu, cỏ mọc um tùm trên những lối đi, thậm chí một số khu vực là cảnh tượng “vườn không nhà trống” do máy móc bị rút ruột, phá hoại. Toàn bộ hệ thống phương tiện, máy móc, dây chuyền sản xuất của phân xưởng luyện thép, phân xưởng cán thép có giá trị hàng trăm tỷ đồng đã bị tháo dỡ và tẩu tán…

Ông Vũ Sơn Đông, Ủy viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn cho biết, hiện hằng ngày công ty chỉ duy trì khoảng 40 người để bảo vệ tài sản và giải quyết những công việc hành chính văn phòng. Và số người đi làm này được tạm ứng tiền lương từ 1-1,5 triệu đồng/tháng, từ nguồn thu cho thuê mặt bằng và sự hỗ trợ của Tổng công ty Thép. Công ty vẫn giải quyết đầy đủ chế độ cho nhân viên, đối với những người chấm dứt hợp đồng hay nghỉ hưu đều được giải quyết theo chế độ Nhà nước, nhưng nợ tiền, đến bao giờ có nguồn thu mới trả. Cũng theo ông Đông, công ty vừa bầu lại HĐQT khóa mới, nhưng khi Ban quản trị khóa mới họp phiên đầu tiên thì do không đủ thành viên nên lại phải hoãn. Tóm lại, hiện Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng chưa có bộ máy điều hành.

CQĐT đọc lệnh bắt Lê Xuân Hộ.

Tình trạng nợ nần ở công ty gây rất nhiều bức xúc cho công nhân. Chị Hoàng Thị Phương (30 tuổi), công nhân phân xưởng cơ điện, trạm oxy cho biết: “Tôi bắt đầu vào công ty từ năm 2005, mới đầu công ty cũng ăn nên làm ra, tạo điều kiện cho công nhân lắm. Đến cuối năm 2012 đột nhiên công ty cho tôi nghỉ chờ việc, và từ đó đến nay không có một chế độ gì cả. Đợt vừa rồi công nhân đấu tranh nhiều quá thì Tổng Công ty Thép mới ứng cho hơn 600 nghìn đồng…”. Bố đẻ chị Phương là ông Hoàng Văn Dũng (55 tuổi), công nhân phân xưởng cán thép về hưu tháng 7/2012 nhưng đến nay vẫn chưa được công ty thanh toán 61 triệu đồng tiền chấm dứt hợp đồng. Nếu bây giờ những người như chị Phương muốn chấm dứt hợp đồng thì đồng nghĩa với việc chị phải cho công ty vay 9 triệu để đóng bảo hiểm với lời hứa bao giờ có tiền công ty sẽ hoàn trả. “Nhưng chúng tôi lấy đâu ra tiền, từ khi nghỉ việc ở công ty tôi đi bán hàng thuê cũng chỉ đủ sống, không có 9 triệu nộp nên tôi vẫn phải giữ hợp đồng…” - chị Phương chia sẻ thêm.

Để hiểu rõ hơn về những sai phạm tại Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng, chúng tôi đã có buổi làm việc với Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Thái Nguyên. Theo tài liệu từ CQĐT thì ngày 25/12/2013 cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố vụ án hình sự “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đến tài sản nhà nước”, xảy ra tại Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng. Qua quá trình điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam đối với 4 bị can.

Ngoài đối tượng Lê Xuân Hộ, trước đó, ngày 14/1/2014, cơ quan CSĐT cũng đã bắt, khởi tố 2 đối tượng Dương Minh Vang (56 tuổi) và Đoàn Bá Huấn (52 tuổi), đều là Phó quản đốc phân xưởng cán thép về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đến tài sản nhà nước”. Ngày 7/4 bắt, khởi tố đối tượng Bùi Hồng Dương (31 tuổi), nhân viên bảo vệ về tội “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước”. Bước đầu cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên có đủ tài liệu, chứng cứ xác định Lê Xuân Hộ là chủ mưu trong vụ án. Hiện CQĐT đang tiếp tục điều tra, làm rõ những sai phạm của Lê Xuân Hộ và các đồng phạm.

Nợ ngân hàng, nợ lương cán bộ nhân viên, nợ tiền bảo hiểm, nợ tiền khách hàng, hiện Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng đang đứng bên bờ vực phá sản và khiến cho hàng trăm công nhân lâm vào tình trạng “sống dở chết dở”… Nguyện vọng của hàng trăm công nhân ở công ty này dù đang giữ hợp đồng lao động hay đã nghỉ hưu, chấm dứt hợp đồng đều chung một mong muốn, các cơ quan chức năng mau chóng làm sáng tỏ những khuất tất xảy ra ở công ty, đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Quỳnh Vinh
.
.
.