Trốn thuế và những hệ lụy:

Cán bộ thuế bắt tay doanh nghiệp... trốn thuế

Thứ Bảy, 15/08/2015, 09:26
Để thực hiện hành vi gian lận thuế, các đối tượng lôi kéo một số cán bộ thuế sa ngã, tiếp tay cho hành vi phạm tội. Khi đồng tiền làm tha hóa, nhiều cán bộ thuế đã phải “bóc lịch”, còn DN cũng đang tự lấy đá ghè chân mình.

Cán bộ thuế “bóc lịch” vì tham nhũng

Ngày 11/8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố kết quả khảo sát mức độ hài lòng của DN đối với cơ quan thuế. Có 32% DN cho biết họ phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế. 40% DN cho rằng sẽ bị phân biệt đối xử nếu không chi trả "phí" này. Đáng báo động là hiện tượng nhũng nhiễu, thỏa thuận ngầm giữa cán bộ ngành Thuế với các hộ kinh doanh diễn ra khá phổ biến. Điều này không chỉ gây thất thu ngân sách, giảm lòng tin vào ngành Thuế mà ảnh hưởng cả môi trường cạnh tranh.

Trong rất nhiều vụ nhận hối lộ, có những cán bộ thuế đã bị chính DN tố cáo, bị bắt quả tang khi đang nhận tiền và kết cục đau lòng là phải “bóc lịch” trong trại giam. Ví dụ trường hợp bà Nguyễn Thị Thu, Đội phó Đội 1, Chi cục Thuế quận Hồng Bàng, Hải Phòng đang nhận tiền của một DN tại quán cà phê đã bị Công an Hải Phòng bắt quả tang. Trước đó, Công an Hải Phòng cũng từng bắt quả tang ông Phạm Văn Hoan (51 tuổi), Đội trưởng Đội nghiệp vụ dự toán Chi cục thuế quận Hải An, Hải Phòng nhận hối lộ từ một DN.

Cũng bị bắt vì nhận hối lộ từ DN tại một quán cà phê vỉa hè, ông Huỳnh Trung Hiếu (Chi cục Thuế quận 1, TP Hồ Chí Minh) cũng đã đánh mất toàn bộ sự nghiệp cũng như nhân cách của mình chỉ vì tiền. Hay vụ án gắn với tên tuổi đình đám của “Công Motor” chi hàng tỷ đồng để mua chuộc cán bộ. Trong vụ án này, một số cán bộ ngành Thuế ở huyện Ninh Giang (Hải Dương) cùng với một số cán bộ Quản lý thị trường cũng như cán bộ huyện đã “nhúng chàm”.

32% DN phải trả “phí bôi trơn” cho cán bộ thuế.

Không chỉ “đánh quả lẻ”, mà các cán bộ thuế cùng “đồng lòng” nhận hối lộ là một minh chứng cho sự tha hóa của một số cán bộ ngành Thuế và Hải quan tỉnh An Giang. Theo đó, cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam 8 cán bộ Cục Thuế tỉnh An Giang và Cục Hải quan tỉnh An Giang về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 

Trước đó, cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố điều tra hai vụ án của Phạm Thanh Dũng và Lê Thị Chi và đồng phạm (lừa đảo, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ) xảy ra tại An Giang. Theo kết quả xác minh, 8 cán bộ thuế, hải quan đã cố ý làm trái công vụ, tạo điều kiện cho bị can Dũng, Chi và các đồng phạm trong hai vụ án trên làm thủ tục hoàn thuế, chiếm đoạt một lượng tiền lớn từ NSNN…

Trong một khảo sát được công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) về vấn nạn tham nhũng tại Việt Nam dưới góc nhìn của DN, thuế vụ đứng đầu bảng. Đáng chú ý, góp mặt trong “top 5” ngành mà DN phải đưa hối lội nhiều nhất, còn có Hải quan - nơi trực tiếp tiếp xúc với DN và là lực lượng thu thuế XNK của ngân sách. Ngoài ra, còn có những “anh em họ” khác là Tài chính, Ngân hàng và Kho bạc. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - ông Nguyễn Đại Trí thừa nhận số liệu này là khách quan, phần nào phản ánh đúng tình trạng hiện nay của một bộ phận cán bộ thuế trong quá trình tác nghiệp.

Nền kinh tế méo mó vì nạn “đi đêm”

Có thể nói không ngoa rằng bất kỳ lĩnh vực nào có thu thuế, ở đó có gian lận. Việc gian lận được các đối tượng thực hiện theo cả “chiều ngang” ở tất cả các sắc thuế: Thuế thu nhập DN, thuế GTGT, thuế Xuất nhập khẩu, thuế Thu nhập cá nhân… và theo “chiều dọc” là các nhóm ngành nghề, hàng hóa như bất động sản, khai thác tài nguyên, hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm, ăn uống… 

Ví dụ gian lận thuế xuất nhập khẩu: theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong những năm qua đã có 500 ôtô nhập vào Việt Nam theo hình thức tạm nhập tái xuất nhưng chỉ có 100 chiếc làm thủ tục xuất và nhập trở lại. Nghĩa là còn 400 chiếc lưu hành trong nội địa gây thất thu số tiền thuế rất lớn cho Nhà nước. Ngoài ra, với hành vi cách khai sai chủng loại hàng hoá, cũng như khai sai xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính trung bình hằng năm có khoảng 10.000 mẫu hàng hóa được phân tích phân loại. Trong đó, mẫu khai đúng chiếm khoảng 47%, sai khoảng 53%, giảm thuế khoảng 7,4%...

Đối với từng mặt hàng riêng biệt, con số gian lận thuế cũng khiến không ít người giật mình vì số tiền “khủng” bị thất thu. Điều tra của Oxford Economics 2014 cho thấy, Việt Nam đã trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong số 14 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á được khảo sát. Thuốc lá lậu gây thất thu NSNN hơn 9.000 tỷ đồng mỗi năm, làm sụt giảm mạnh sản lượng nguyên liệu 18.000 tấn/năm (tương đương diện tích trồng là 10.000ha). Thuốc lá lậu đã khiến khoảng 5 triệu nông dân và 600.000 công nhân lao động trong ngành thuốc lá bị ảnh hưởng, thậm chí mất việc làm. 

Hay như vấn nạn bia giả, theo số liệu tính toán, chỉ riêng vấn nạn này, không nói đến hậu quả khôn lường cho sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng, thì hằng năm cũng đã khiến cho ngân sách thất thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế. Còn với hành vi chuyển giá, DN kêu cứ kêu, nhưng hễ ngành Thuế ra tay, ngay lập tức DN FDI lại giảm lỗ cả nghìn tỷ...

Cho đến nay, chưa có số liệu thống kê nào có thể tính toán được con số thiệt hại do gian lận thuế gây ra hằng năm cho ngân sách, nhưng nói ngót nghét trăm nghìn tỷ có lẽ vẫn còn khiêm tốn. Hiện có khoảng 21% cán bộ ngành Thuế thực hiện thu thuế hộ kinh doanh, nhưng cả năm 2014, nhóm này chỉ nộp khoảng 12,36 nghìn tỷ đồng, chiếm 2% trên tổng thu của ngành. Thực tế này cho thấy số thu thuế từ hộ kinh doanh không tương xứng. Nhóm đối tượng này tạo ra doanh thu lớn, nhưng thực hiện nghĩa vụ thuế quá nhỏ. 

Đáng chú ý hơn, hiện có sự thiếu hiệu quả, bất hợp lý trong việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh. Một cán bộ thuế tại Cục Thuế Nghệ An hưởng lương khoảng 5 triệu đồng, nhưng làm công việc thu thuế các hộ kinh doanh trên địa bàn phụ trách chỉ đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Báo cáo thường niên về Môi trường Kinh doanh thế giới và Việt Nam 2014 do WB công bố cho thấy, trong khi các quốc gia trong Đông Nam Á đạt được những bước đột phá mạnh mẽ, Việt Nam vẫn tiếp tục tụt một bậc so với báo cáo năm 2013 xuống vị trí 99/189 nước được khảo sát. Trong đó, nhiều chỉ tiêu "sát sườn" với các DN bị đánh giá ở mức rất thấp, đặc biệt là lĩnh vực nộp thuế tụt 11 bậc, từ xếp hạng 138 trên 183 quốc gia, xuống vị trí 149 trên 189 quốc gia. 

Theo khảo sát của TS Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), người đứng đầu đề tài nghiên cứu “Nguy cơ tham nhũng trong khu vực hộ kinh doanh Việt Nam” cho hay: hiện tượng thỏa thuận ngầm giữa cán bộ thuế và hộ kinh doanh diễn ra phổ biến. 

Kết quả khảo sát cho thấy, có 64% hộ kinh doanh luôn luôn thỏa thuận ngầm với cán bộ thuế. Trường hợp nếu cán bộ thuế đưa ra đề nghị thỏa thuận ngầm, 50% hộ kinh doanh sẵn sàng đồng ý nhằm giảm hoặc không phải nộp thuế. Điều đáng nói, các hộ kinh doanh ít bức xúc với tệ nạn này. Có 62% người được hỏi chấp nhận hối lộ cho cán bộ thuế 1 tháng doanh thu và không tố cáo để công việc làm ăn được thuận tiện. 

TS Giang cho biết, người dân không muốn tố cáo vì họ cho rằng “không đem lại điều gì” (83%) và “chẳng đi đến đâu” (35%).

“Mức độ hành vi vòi tiền công khai tương đối thấp, nhưng hành vi cấu kết lại khá phổ biến. 1/3 số đối tượng tham gia khảo sát đồng ý hoàn toàn hoặc một phần về việc mọi người thường dàn xếp với cán bộ nhà nước để phải nộp mức phạt thấp hơn và không lấy biên lai. 14% cho biết họ phải nộp thuế ít hơn nếu biếu quà cho cán bộ thuế. Ngoài ra, trường hợp cán bộ thuế đề nghị hối lộ để hai bên cùng có lợi, một nửa người nộp thuế lựa chọn sẽ tận dụng cơ hội này. Trong số 50% số người từ chối hối lộ, chỉ 25% làm vậy vì tuân thủ pháp luật. 63% tin rằng trong lĩnh vực của mình, các hộ kinh doanh luôn cấu kết với các cán bộ thuế”. (Trích báo cáo Nguy cơ tham nhũng trong khu vực hộ kinh doanh tại Việt Nam).

Lệ Thúy
.
.
.