Buôn lậu ma túy, sản phẩm động vật hoang dã còn rất phức tạp

Chủ Nhật, 28/04/2019, 07:36
Đây là nhận định của Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Khánh Quang tại buổi Họp báo chuyên đề thông tin kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý I của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia diễn ra ngày 25-4 tại Hà Nội.

Thống kê sơ bộ của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, quý I/2019, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 33.549 vụ vi phạm, tăng 10%; thu nộp ngân sách đạt 2.470,6 tỷ đồng, tăng 16%; khởi tố 820 vụ, tăng 67%; 982 đối tượng, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Quý I, lực lượng Hải quan phát hiện, xử lý 101 vụ buôn lậu, trị giá 14,7 tỷ đồng; 42 vụ ma túy; 3.886 vụ xử lý vi phạm hành chính; 10 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ. 

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp, không hề suy giảm ngay từ đầu năm 2019. Quý I, nhất là trong tháng 3, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại luôn nóng, giống như đối tượng buôn lậu không nghỉ ngơi. 

Hàng nghìn con voi, tê giác đã bị giết để lấy ngà và sừng.

“Tình hình bắt giữ của lực lượng chức năng đã nói lên mức độ phạm tội, mức độ vi phạm nghiêm trọng chưa từng thấy, nhất là phạm tội về ma túy và sản phẩm từ động vật hoang dã, thuốc lá… diễn ra trên quy mô lớn. Đặc biệt, trong thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hàng tấn ma túy. So với những năm trước, số lượng ma túy chỉ tính bằng đơn vị gram, đến nay lượng ma túy được tính bằng đơn vị tấn và diễn ra trên nhiều địa bàn. Lực lượng Hải quan đã chung tay cùng lực lượng chức năng, cộng đồng xã hội làm tốt công tác nghiệp vụ, phát hiện và triệt phá nhiều vụ việc lớn”, ông Nguyễn Khánh Quang nói.

Theo nhận định của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma tuý qua biên giới diễn ra phức tạp, các đối tượng chuyển hướng hoạt động từ các khu vực biên giới tỉnh Sơn La sang địa bàn các tỉnh biên giới miền Trung với quy mô lớn, chuyên nghiệp và manh động hơn. Đặc biệt, tỷ lệ tội phạm sử dụng vũ khí nóng gia tăng, nhiều vụ vận chuyển ma tuý với số lượng lớn đã bị phát hiện, xử lý như vụ ngày 6-3, lực lượng Bộ đội Biên phòng đấu tranh chuyên án 015Av bắt giữ 2 đối tượng người Lào, tang vật thu giữ 600.000 viên ma tuý tổng hợp và 36 bánh heroin.

Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh- Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho biết, tình hình mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới diễn ra phức tạp, bất thường. 

Thời gian qua, lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn, đặc biệt là có vụ việc thu giữ tang vật gần 1 tấn ma túy. Mặt khác, hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy có sự tham gia của các đối tượng ở trong nước và nước ngoài, thậm chí hình thành các đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia. 

Quý I, lực lượng Biên phòng đã phát hiện thu giữ 662,25kg ma túy các loại,  tăng 437kg, bằng 53,24% lượng ma tuý năm 2018. Điều đó cho thấy, quy mô tính chất tội phạm ngày càng tăng, số lượng ma túy bị lực lượng chức năng bắt giữ ngày càng lớn. Trong quý I, có sự gia tăng đột biến.

Lý giải tội phạm ma tuý tăng đột biến trong quý I, Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh cho rằng, số lượng ma túy tăng vọt trong thời gian gần đây là do nhu cầu tăng cao. Nguồn ma túy tổng hợp chủ yếu được sản xuất ở nước ngoài. Mặt khác, công nghệ sản xuất ma túy tổng hợp cũng được các đối tượng ở các nước láng giềng đã tiếp cận, tổ chức sản xuất, sau đó vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ trong nước và vận chuyển đi nước thứ 3.

Về bắt giữ sản phẩm từ động vật hoang dã, ngày 25-1, tại Hải Phòng, lực lượng Hải quan bắt giữ 2 vụ, thu giữ 1.500 vảy tê tê, 500kg ngà voi. Ngày 30-1, tại Hải Phòng, lực lượng Hải quan đã phát hiện 1.300kg vảy tê tê, 109kg ngà voi. 

Ngày 20-3, tại Đà Nẵng, lực lượng Hải quan đã phát hiện 11.548kg ngà voi. Gần đây nhất là ngày 11-4, tại sân bay quốc tế Nội Bài, lực lượng Hải quan phát hiện 13 khúc sừng tê giác, có trọng lượng gần 15kg. Theo ông Nguyễn Khánh Quang, các đối tượng giấu hàng vi phạm trong những hàng hóa thông thường (gỗ). Phần lớn tang vật có nguồn gốc từ các nước châu Phi có cung đường vận chuyển về châu Á.

Trong đó có Việt Nam là điểm đến, điểm trung chuyển đã thu hút sự quan tâm của các tổ chức quốc tế với mong muốn phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam góp phần ngăn chặn tình trạng này. 

Đại diện một số tổ chức quốc tế khi đến làm việc với Hải quan Việt Nam đã thốt lên rằng: Chưa bao giờ chứng kiến những vụ bắt giữ sản phẩm động vật hoang dã có trọng lượng lên đến hàng tấn như Hải quan Việt Nam bắt giữ. Với số lượng tang vật lớn như vậy, không thể tính toán được số lượng voi, tê tê, tê giác đã bị giết hại để lấy ngà, sừng, vảy trong những năm qua. Vấn đề này cũng đặt ra nhiệm vụ lớn cho lực lượng chức năng phải nỗ lực nhiều hơn nữa để ngăn chặn trong thời gian tới.

Lưu Hiệp
.
.
.