Bức xúc nạn cho vay nặng lãi

Thứ Năm, 12/04/2018, 08:11
Những tờ giấy quảng cáo với nội dung cho vay tiền nhanh, không cần thế chấp được dán khắp nơi, từ thành thị tới nông thôn của tỉnh Lâm Đồng là một biểu hiện của nạn cho vay nặng lãi đang hoạt động hoành hành. Chính quyền cảnh báo người dân không nên vay tiền theo những tờ rơi này để tránh trở thành nạn nhân của trò cho vay nặng lãi.


Cho vay siêu lãi suất

Từ số điện thoại để lại trên tờ giấy rao vặt dán dưới trụ điện ở ngã 5 Đại học Đà Lạt, PV Báo CAND gọi đặt vấn đề cần vay “nóng” 10 triệu đồng theo lời rao “Giải ngân nhanh chóng trong ngày, không cần thế chấp”. Đầu bên kia, giọng một thanh niên còn khá trẻ, nói ngắn gọn: “Anh ở đâu, cứ cho địa chỉ em tới kiểm tra xong sẽ cho anh vay ngay. Thủ tục bên em nhanh chóng, đơn giản lắm!..”.

Qua điện thoại, người thanh niên trên cho biết, nếu vay 10 triệu đồng mỗi ngày người vay phải trả 400.000 đồng, bao gồm cả lãi và một phần gốc. Điều kiện được vay số tiền nhiều hay ít, hai bên sẽ bàn cụ thể khi bên cho vay “xem mặt” người đi vay.

Khi PV hỏi lãi suất thỏa thuận miệng hay ghi rõ trên giấy tờ như phía ngân hàng thường làm, người này tỏ vẻ khó chịu, nói “sẽ có người tới địa chỉ nơi ở của anh để kiểm tra, sau đó mới bàn tiếp được” rồi tắt điện thoại.

Công an huyện Di Linh làm việc với một thanh niên dán tờ rơi về “hỗ trợ vay vốn”.

Không chỉ tại TP Đà Lạt và TP Bảo Lộc, những tờ rao vặt với nội dung cho vay tiền “nóng”, thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp được dán tràn lan khắp nơi ở hầu hết các huyện của tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh...

Những tờ giấy rao vặt này còn len lỏi tới tận thôn, buôn xa xôi của bà con dân tộc thiểu số. Những tờ rao vặt với nội dung “hỗ trợ vay vốn” được dán tràn lan tại các cây cột điện ở ngã 3, ngã 4 đường hay những điểm tập trung đông dân cư. Anh KBreo (36 tuổi), ngụ xã Tân Thượng, huyện Di Linh cho biết, thậm chí có thời điểm những tờ giấy với nội dung cho vay tiền nhanh, không cần thế chấp này còn được một số người tiếp thị tới tận nhà hoặc dán ở đầu ngõ.

“Ai có nhu cầu vay tiền nhanh chỉ cần nhấc điện thoại là có tiền thôi. Vay không được bao nhiêu đâu nhưng có người đã phải bán cả đất để trả nợ rồi đó!.. Đừng có vay!..”, người đàn ông này khuyên chúng tôi.

Tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, chúng tôi gọi điện theo số điện thoại ghi trên tờ giấy dán ở bờ tường để đặt vấn đề vay tiền với người đàn ông tên H. Điều kiện được vay của ông H là: “Chỉ cần đưa tôi hộ khẩu phô tô, chứng minh nhân dân hoặc cà vẹt xe, tiền tôi đưa anh trong ngày luôn!..”. Theo ông H, hiện nay ông cho vay trả góp chứ không thu “một cục” như trước.

Ví dụ, nếu vay 10 triệu đồng người vay sẽ trả lãi “đứng” 50.000 đồng/ngày, tiền nợ gốc vẫn giữ nguyên. Nếu trả lãi “nằm” sẽ tính ra lãi suất mỗi tháng 1,5 triệu đồng (khoảng 15%/tháng). Tuy nhiên, ông H gợi ý nếu cần tiền gấp nên vay trong ngày, lãi suất chỉ khoảng từ 10% tới 20%, tùy số tiền muốn vay và phạm vi giải quyết hồ sơ là trên địa bàn huyện Đức Trọng.

Khi chúng tôi hỏi địa chỉ công ty ở đâu để tìm tới đưa giấy tờ, người đàn ông này nói chỉ cần khách có địa chỉ rõ ràng, đích thân ông sẽ tìm tới kiểm tra sau đó quyết định có cho vay hay không. Anh Duy, một người từng vay tiền từ ông H từ năm 2016 với 20 triệu đồng nhưng nay trả gốc và lãi số tiền đã lên tới 45 triệu đồng.

Những người PV tiếp xúc từng vay “nóng” tại TP Đà Lạt cho biết, hiện nhiều chủ tại đây cho vay theo ngày với mức lãi suất từ 5.000 - 7.000 đồng cho 1 triệu đồng/ngày, lãi suất năm lên gần 200%/năm. Một gói vay khác, nếu khách hàng vay 10 triệu đồng thì phải trả 350.000 đồng/ngày.

Phát sinh tội phạm

Vừa qua, Công an huyện Di Linh đã triệu tập Lê Tiến Đạt (18 tuổi) và Bùi Đức Dương (31 tuổi), đều tạm trú tại TP Bảo Lộc để làm rõ hành vi phát tờ rơi cho vay nặng lãi. Tại cơ quan Công an, Đạt và Dương khai nhận, đã dùng xe máy đi dọc theo QL20 để phát tờ rơi với nội dung hỗ trợ vay vốn, cho vay tiền góp với thủ tục đơn giản, giải ngân trong ngày.

Công an huyện Di Linh đã thu giữ 4.200 tờ rơi, 1 xe gắn máy và hơn 10 triệu đồng dùng để cho vay của hai đối tượng này. Theo Công an huyện Di Linh, thời gian gần đây, trên các tuyến đường chính của huyện thường xuất hiện các đối tượng phát và dán tờ rơi cho vay tiêu dùng, trả góp với thủ tục đơn giản để dụ dỗ các nạn nhân vay tiền nhưng thực chất đây là hoạt động cho vay nặng lãi. Người vay phải chịu lãi suất từ 15-25%/tháng và để lại những hệ lụy khôn lường.

Trong khi đó, Công an TP Đà Lạt cũng cho biết, thời gian qua, tình hình hoạt động của các băng nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay không thế chấp trên địa bàn diễn ra rất phức tạp.

Qua công tác nắm tình hình Công an TP Đà Lạt đã xác định được 22 đối tượng có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”, cho vay không thế chấp với lãi suất cao, trong đó, có 7 đối tượng từ tỉnh khác (Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định…) đến câu kết với một số đối tượng tại địa phương.

Công an TP Đà Lạt đã phát hiện 20 vụ việc liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, chủ yếu xuất phát từ việc đòi nợ thuê dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật. Đã khởi tố 3 vụ, 8 bị can, với các tội cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng..., lập hồ sơ xử lý 4 vụ, 7 đối tượng có hành vi xâm hại sức khỏe người khác, đập phá tài sản và đang tiếp tục lập hồ sơ xử lý 3 vụ.

Trước vấn nạn cho vay nặng lãi đang hoành hành tại địa phương, vừa qua UBND TP Đà Lạt đã phải chỉ đạo các cơ quan phường, xã, Công an TP Đà Lạt … đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng ngừa hoạt động “tín dụng đen”. Theo nhận định của UBND TP Đà Lạt, nạn cho vay nặng lãi trên địa bàn là hết sức phức tạp, người dân cần nâng cao cảnh giác, không để trở thành nạn nhân của hoạt động nguy hiểm này .

Khắc Lịch
.
.
.