Bịt lỗ hổng trong các vụ mua bán hóa đơn

Thứ Sáu, 21/12/2018, 09:08
Năm 2018, lực lượng Công an liên tiếp phát hiện các vụ mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (hóa đơn) với số lượng lớn. 

Việc mua bán hóa đơn trái phép đã trực tiếp xâm hại đến trật tự quản lý Nhà nước về lĩnh vực này; đồng thời là điều kiện để các đối tượng thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, lừa đảo, cờ bạc, rửa tiền..., gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước, các tổ chức và các doanh nghiệp. Vì thế, việc ngăn chặn và phòng ngừa tội phạm mua bán hóa đơn trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Vạch trần thủ đoạn tinh vi của các đối tượng mua bán hóa đơn trái phép

Từ thực tế các vụ án được phát hiện trong thời gian qua cho thấy, để che đậy hành vi phạm tội, đối tượng mua bán hóa đơn không từ phương thức, thủ đoạn nào. 

Ngoài việc thuê người đứng tên làm giám đốc doanh nghiệp, trụ sở đăng ký hoạt động kinh doanh, một số còn thành lập các công ty ma..., để ngụy trang, che giấu hành vi, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Lý giải về vấn đề trên, Trung tá Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Để thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng đã lợi dụng danh nghĩa các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân nên khi mua bán hóa đơn, các đối tượng phải hợp thức để hạch toán, kê khai, quyết toán thuế với cơ quan Nhà nước. 

Đối tượng Nguyễn Thị Ngọc thành lập công ty ma để mua bán hóa đơn.

Do đó, đối tượng vi phạm đồng thời phải dùng nhiều thủ đoạn để hợp thức, ngụy trang, coi việc mua bán, thanh toán hàng hóa, dịch vụ có thật để hợp thức hóa việc hạch toán kế toán, kê khai... Theo đó, các cá nhân đăng ký thành lập các doanh nghiệp “ma” đăng ký mã số thuế, đăng ký sử dụng hóa đơn, sau đó tổ chức bán hóa đơn hàng loạt với số lượng và doanh số cực lớn rồi bỏ trốn. 

Trong trường hợp này, các đối tượng thường thuê những người kém hiểu biết (cá biệt có người không biết chữ). Một số trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo làm đại diện pháp luật. 

Sau đó, thực hiện mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) lòng vòng để bán cho các doanh nghiệp khác làm chứng từ hợp thức hóa đầu vào nhằm khấu trừ thuê hoặc xin hoàn thuế. Khi thuê người đứng tên làm giám đốc doanh nghiệp, đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường không trực tiếp giao dịch mà thông qua các đối tượng cò mồi, trung gian tìm thuê người làm giám đốc. 

Trong quá trình này, đối tượng không cho người được thuê biết tên, tuổi và địa chỉ nên trong trường hợp bị phát hiện thì việc tìm kiếm của cơ quan Công an cũng khó khăn.

Trường hợp khác, cùng lúc đối tượng thành lập nhiều doanh nghiệp. Doanh nghiệp này phát hành hóa đơn làm “đầu vào” cho doanh nghiệp kia cùng hoạt động mua bán hóa đơn với số lượng lớn, trong thời gian dài, sau đó cùng bỏ trốn. 

Ở hai trường hợp này, các đối tượng thường không đứng tên mình để thành lập doanh nghiệp mà mượn, lợi dụng hoặc thuê giấy tờ tùy thân của người khác để đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký sử dụng hóa đơn; sử dụng con dấu để phát hành bán hóa đơn với số lượng lớn trong thời gian dài nhằm che giấu hành vi và đối phó với việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng. 

Một số trường hợp còn lợi dụng hoạt động sản xuất, kinh doanh để mua bán hóa đơn với hình thức nâng khống giá trị hàng hóa mua bán trên các hóa đơn. Hoạt động này có thể diễn ra trực tiếp giữa đối tượng mua và đối tượng bán nhưng cũng có thể được thực hiện thông qua các đối tượng trung gian mang tính chuyên nghiệp, nhiều trường hợp mua và người bán không biết nhau.

Giữa năm 2018, Công an tỉnh Bắc Giang đã phát hiện đường dây mua bán trái phép hóa đơn lên tới gần 100 tỷ đồng. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội này là Nguyễn Thị Ngọc (29 tuổi, ở xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) cầm đầu. 

Thông qua Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trường Thanh (Có trụ sở tại xã Tân Dĩnh - huyện Lạng Giang), Ngọc đã mua bán bất hợp pháp hóa đơn GTGT cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng… 

Trong vụ án này, Ngọc là người trực tiếp thỏa thuận, giao dịch với khách hàng hoặc qua môi giới về nội dung hóa đơn, sau đó viết, xuất hóa đơn cho khách. Đối với hóa đơn trị giá từ 20 triệu đồng trở lên, Ngọc đề nghị khách chuyển khoản qua ngân hàng, sau đó đi rút tiền và thanh toán cho khách.

Để tránh sự phát hiện của cơ quan Công an, đối tượng thường xuyên thay đổi người giao dịch ngân hàng, vận chuyển hoá đơn, địa điểm giao nhận… Với mỗi hóa đơn, đối tượng được trích 5% giá trị và đến nay, đã thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.

Những giải pháp ngăn ngừa tội phạm

Lý giải nguyên nhân khiến tình trạng mua bán hóa đơn GTGT vẫn có khi diễn biến phức tạp, một cán bộ Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Theo quy định, mọi loại hình thanh, quyết toán đều phải có hóa đơn. Song thực tế cho thấy, hiện nay có nhiều loại hình kinh doanh nhưng không phải cơ sở nào cũng phát hành hóa đơn. 

Vì thế, để thanh và quyết toán, các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp buộc phải mua bán trái phép hóa đơn để thanh, quyết toán theo quy định. 

Mặt khác có cầu ắt có cung, do nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mua bán hóa đơn để thực hiện các hành vi phạm pháp luật như quyết toán khống chiếm đoạt tiền của Nhà nước, lừa đảo chiếm đoạt tài sản..., nên các đối tượng có “đất” để hoạt động. 

Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này còn lỏng lẻo, tạo nhiều kẽ hở để các đối tượng vi phạm lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Sự phức tạp còn thể hiện ở chỗ, không chỉ “doanh nghiệp ma” mà có những đơn vị quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thuế cũng thực hiện hành vi mua bán hóa đơn. Vụ việc xảy ra tại Chi cục Thuế huyện Yên Lập, trực thuộc Cục Thuế tỉnh Phú Thọ là một điển hình.

Ông Nguyễn Thanh công tác tại Chi cục Thuế huyện Yên Lập từ năm 2008 đến năm 2014, được bổ nhiệm làm Đội trưởng đội thuế liên xã Hưng Long. 

Năm 2015, làm Đội trưởng đội tuyên truyền nghiệp vụ kê khai thuế kế toán thuế và tin học - Chi cục Thuế huyện Yên Lập. 

Trong thời gian làm đội trưởng đội thuế liên xã Hưng Long, với chức năng quản lý, thu thuế các tổ chức, cá nhân nộp tiền trên địa bàn xã được phân công, ông Thanh còn chịu trách nhiệm cấp hóa đơn lẻ theo đúng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chi cục trưởng về việc làm của mình. 

Trong quá trình cấp hóa đơn lẻ tại Đội thuế liên xã Hưng Long, Nguyễn Thanh đã thực hiện việc cấp hóa đơn bán lẻ trái với quy định nêu trên.

Cụ thể, khi các cá nhân thuộc doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp là người mua hàng (người sử dụng hóa đơn) cần mua hóa đơn lẻ (hóa đơn bán hàng khống) để hợp thức cho số hàng đã mua của những hộ kinh doanh nhưng không có hóa đơn, họ đến đội thuế liên xã Hưng Long gặp Nguyễn Thanh để mua hóa đơn.

Tại đây, người mua hóa đơn không phải làm bất kỳ một thủ tục gì vì chỉ cần cung cấp bảng kê thể hiện tên hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá và tổng giá trị hàng hóa cần ghi trên hóa đơn cho Nguyễn Thanh. 

Căn cứ vào đó, Nguyễn Thanh viết hóa đơn theo yêu cầu của họ. Trên cơ sở từng loại hàng hóa do người mua hóa đơn cung cấp, Nguyễn Thanh tự ý lấy họ tên, địa chỉ ông Nguyễn Văn Phụng ở xã Hưng Long, huyện Yên Lập, hộ kinh doanh nộp thuế khoán trên địa bàn quản lý đứng tên người bán hàng trong hóa đơn (thực tế không có việc mua bán hàng hóa như trên hóa đơn thể hiện). 

Để hợp thức hóa việc mua bán hóa đơn khống, Nguyễn Thanh đã lập khống hồ sơ, sau đó ký giả chữ ký, chữ viết, họ tên Nguyễn Văn Phụng tại mục người bán hàng trên hóa đơn... Sau đó, đối tượng giao hóa đơn khống (liên 2) cho người mua và thu tiền bán hóa đơn từ 1,5 đến 5 % trên tổng doanh số ghi trên hóa đơn. 

Bằng thủ đoạn nêu trên, trong thời gian từ năm 2013 đến 2015, Nguyễn Thanh đã lập hóa đơn và hồ sơ đề nghị cấp hóa đơn khống đứng tên người bán hàng là ông Nguyễn Văn Phụng để bán tổng số 50 hóa đơn lẻ với tổng doanh số trên 3,7 tỷ đồng cho 16 doanh nghiệp.

Với phương thức, thủ đoạn nêu trên, việc điều tra, xử lý các vụ mua bán hóa đơn hiện nay rất khó khăn. Để hạn chế các vụ mua bán hóa đơn, nên chăng các cơ quan quản lý cần làm tốt công tác hậu kiểm, kiểm soát tốt hoạt động thành lập doanh nghiệp. Việc này phải được tiến hành một cách thường xuyên, cùng với đó, phải giám sát chặt chẽ việc thành lập các doanh nghiệp. 

Để được mua hóa đơn hoặc xin phát hành hóa đơn giá trị gia tăng đối với hóa đơn tự in thì phải có tư cách pháp nhân là doanh nghiệp. Bởi thực tế, các đối tượng mua bán hóa đơn đã lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp, thuê người khác đứng tên làm giám đốc, không có tài sản kho tàng bến bãi, không có vốn điều lệ như đăng ký nhưng vẫn có thể thành lập được doanh nghiệp.

Cơ quan chức năng hoàn thiện cơ sở pháp lý, siết chặt những kẽ hở trong hoạt động doanh nghiệp, kê khai và nộp thuế. Bởi nhiều doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh, thay đổi địa điểm kinh doanh, đổi tên, thậm chí bỏ địa chỉ kinh doanh không đóng mã số thuế. 

Điều này đã gây nhiều khó khăn cho cơ quan thuế bởi những hóa đơn xuất trước thời điểm bị cơ quan quản lý phát hiện, doanh nghiệp bỏ trốn hoặc chuyển địa điểm kinh doanh đã được hợp thức hóa bằng các hợp đồng, biên bản giao nhận, chứng từ thanh toán qua ngân hàng và các cam kết của doanh nghiệp mua hàng hóa là có thật...

Xuân Mai
.
.
.