Bệnh viện Mắt Thái Thành Nam phải bồi thường cho bệnh nhân gần 1 tỷ đồng

Thứ Tư, 07/01/2015, 19:01
Ngày 7/1, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM mở lại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Hữu Thông (tên gọi khác là Huynh Tom Vu, 55 tuổi, Việt kiều Mỹ) và bị đơn là Công ty TNHH Bệnh viện Mắt Thái Thành Nam (đặt tại quận 1, TP HCM).

Theo đó, HĐXX đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Thông, buộc bị đơn phải bồi thường cho ông 46.700 USD (gần 1 tỷ đồng). Trong phần nhận định, HĐXX cho rằng: căn cứ vào kết quả giám định cho thấy Bệnh viện Mắt Sài Gòn có lỗi do không thực hiện đúng quy trình phẫu thuật do chính bệnh viện ban hành.

Trước đó, vào giữa tháng 11/2014, phiên tòa từng mở nhưng sau đó được hoãn giữa chừng để các bên thương lượng nhưng không có kết quả.

Đầu tháng 6/2009 ông Thông về Việt Nam và có đến BV Mắt Sài Gòn (chi nhánh Bệnh viện mắt Thái Thành Nam) khám thì được chẩn đoán mắt phải ông bị đục thủy tinh thể. Ngày 5/6/2009, ông đồng ý mổ theo phương pháp Phaco + IOL và xuất viện ngay trong ngày.

Theo lịch hẹn, ngày 12/6/2009 ông đến bệnh viện tái khám, lúc này mắt phải ông có nhiều biểu hiện không bình thường nhưng bác sĩ chỉ cho thuốc uống và thuốc nhỏ mắt. Lo lắng cho sức khỏe của mình, cũng trong ngày 12/6/2009, ông Thông đến Bệnh viện Mắt TP.HCM khám lại và được chẩn đoán mắt ông bị loạn dưỡng giác mạc, loét giác mạc nếu không chữa trị kịp thời sẽ mù vĩnh viễn.

Ngay sau đó, ông Thông trở về Mỹ chữa trị với chi phí điều trị 46.700 USD. Ngay sau khi chữa trị xong, ông Thông về VN và yêu cầu Bệnh viện Mắt Thái Thành Nam phải bồi thường cho ông khoản tiền gần 80.000 USD bao gồm chi phí điều trị, đi lại và mất thu nhập trong thời gian điều trị bệnh.  

Xử sơ thẩm vào tháng 4/2014, TAND TP.HCM đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Thông với lý do: trong biến chứng y khoa có nhiều nguyên nhân do cơ địa, hạn chế tay nghề, sai sót y khoa, điều trị không đúng… vì vậy không đủ cơ sở để đánh giá nguyên nhân phù và loạn dưỡng giác mạc trong trường hợp ông Thông là do bác sĩ mổ. Vì vậy, theo HĐXX, trong trường hợp này, ông Thông không chứng minh được là bệnh biện có lỗi.

Ngay sau bản án sơ thẩm tuyên, ông Thông đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm được mở vào giữa tháng 11/2014 vừa qua, HĐXX đã mời đại diện hội đồng giám định thuộc Viện pháp y quốc gia (phân viện tại TP.HCM) có kiến về trường hợp này. Giám định viên cho biết qua hồ sơ bệnh án cho thấy bệnh viện đã có một phần lỗi.

Cụ thể, trước khi cho bệnh nhân ra viện, Bệnh viện không khám lại sau mổ và không kiểm tra thị lực nhãn áp mắt mà chỉ ghi tình trạng ổn định, đánh giá tình trạng người bệnh ra viện: khỏi, nhưng không ghi rõ tình trạng nhãn áp mắt bao nhiêu cũng như các thông tin khác. Bệnh viện không theo dõi bệnh nhân sau mổ theo đúng các nội dung quy định trong quy trình phẫu thuật Phaco do chính Bệnh viện Mắt Sài Gòn ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/10/2005.

Sau khi nghe giám định viên trình bày cùng phân tích đúng sai của HĐXX, nguyên đơn và phía bị đơn đồng ý thương lượng lại việc bồi thường. Được tòa hòa giải, phía nguyên đơn chấp nhận rút phần yêu cầu bồi thường mất thu nhập, chỉ yêu cầu bồi thường phần chi phí chữa trị tại Mỹ với tổng số tiền 46.700 USD.

Với lý do cần có sự bàn bạc với Hội đồng quản trị của bệnh viện, phía bị đơn xin Tòa cho thời gian. HĐXX chấp nhận và cho hai bên có thời gian thương lượng. Tuy nhiên, trong thời gian trên hai bên thương lượng không có kết quả nên HĐXX tiếp tục xét xử. 

A. Huy
.
.
.