Bắt giam Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bưu điện

Thứ Sáu, 13/06/2014, 20:30
Ngày 13/6, tin từ cơ quan tố tụng cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét đối với ông Trương Anh Kiệt, Giám đốc; ông Phạm Văn Sửu, Trưởng phòng kế toán tài chính và bà Trương Bích Nguyệt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện đa khoa bưu điện (Bệnh viện bưu điện) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 281 BLHS.

Riêng ông Kiệt bị bắt tạm giam, còn ông Sửu và bà Nguyệt  cho tại ngoại và bị áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo tài liệu tố tụng: Bệnh viện bưu điện là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam. Có nhiệm vụ khám chữa bệnh, điều trị, điều dưỡng cho cán bộ công nhân viên (CB-NV) thuộc Tập đoàn này trên địa bàn 32 tỉnh thành phía Nam từ TP Đà Nẵng trở vào. Bệnh viện có 2 cơ sở: Cơ sở 1 tại quận 10 và cơ sở 2 tại quận 2 TP HCM.

Lợi dụng chủ trương của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam hỗ trợ kinh phí điều trị cho CB-NV. Từ năm 2009 đến 2011, ông Trương Anh Kiệt cùng 2 bị can Sửu và Nguyệt  đã chỉ đạo các phòng, khoa lập khống hồ sơ bệnh án, nâng khống số ngày điều dưỡng, điều trị nội trú tại cơ sở 2 của bệnh viện nhằm quyết toán khống hơn 23,1 tỷ đồng tiền hỗ trợ của Tập đoàn. Để "qua mặt" cấp chủ quản, Bệnh viện đã sử dụng danh sách CB-NV đi khám điều dưỡng của các đơn vị bưu chính, viễn thông các địa phương để "xào xáo" lại.

Cơ sở 1 Bệnh viện bưu điện tại TP HCM. (ảnh: CTV)

Thực tế, CB-NV khi tới Bệnh viện chỉ được bố trí ăn sáng, ăn trưa, cấp phát thuốc rồi về ngay trong ngày, nhưng Bệnh viện đã dùng hơn 13 ngàn hồ sơ điều trị nội trú và hồ sơ điều dưỡng để nâng khống số ngày để quyết toán số tiền với tập đoàn, coi như họ đã nằm điều dưỡng, điều trị nội trú tại khoa... Việc nâng khống này đáng ra không thực hiện được nếu các đơn vị có CB-NV đến khám chữa bệnh có trách nhiệm trước khi đóng dấu vào phiếu xác nhận theo yêu cầu của  Bệnh viện. Nhưng vẫn được các đơn vị xác nhận vào hồ sơ nêu trên, tạo điều kiện cho Bệnh viện rút tiền của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam.

Một phần số tiền rút khống được từ Tập đoàn được Bệnh viện sử dụng vào việc chi tiền lương, tiền ăn giữa ca; hạch toán chi tiền thuốc, hóa chất y cụ, vật tư y tế cho bệnh nhân... Cơ quan điều tra cũng xác định, trong số hơn 23,1 tỷ đồng quyết toán khống của Tập đoàn, ông Kiệt đã hưởng lợi gần 118 triệu đồng; ông Sửu hưởng lợi hơn 76 triệu đồng; còn bà Nguyệt hưởng lợi hơn 77 triệu đồng

Đào Minh Khoa
.
.
.