Liên quan đến vụ hàng loạt cán bộ ngân hàng tại Cà Mau bị khởi tố:

Bất chấp pháp luật, vung tiền cho vay hàng trăm tỷ đồng

Thứ Bảy, 29/03/2014, 11:33
Báo CAND có thông tin về việc cơ quan CSĐT (C48) Bộ Công an vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Tuấn Mẫn, nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam – Chi nhánh khu vực Minh Hải (gọi tắt là VDB Minh Hải, trụ sở đặt tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau). Năm cán bộ thuộc cấp của ông Mẫn (gồm 1 phó giám đốc, 1 trưởng, 2 phó phòng và 1 cán bộ tín dụng) cũng liên đới bị khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

Một nguồn tin của PV Báo CAND cho biết, trước khi số cán bộ trên bị khởi tố, lãnh đạo VDB Minh Hải cũng từng có một báo cáo cho cơ quan chức năng về một số khách hàng sản xuất, chế biến thủy hải sản xuất khẩu (XK), từng được VDB Minh Hải duyệt vay với lãi suất ưu đãi. Quả thật nhìn báo cáo này, chúng tôi mới cảm thấy giật mình trước kiểu cho vay… hào phóng đến mức bất chấp pháp luật.

Công ty TNHH Hiệp Thành Phát là DN mới được thành lập. Tài sản duy nhất mà DN này đưa vào VDB Minh Hải thế chấp là chiếc xe ôtô tải BKS 65N-0484 trị giá 872 triệu đồng. Thế nhưng VDB đã dám duyệt cho DN này vay, dẫn tới dư nợ 13,301 tỷ đồng và khoản lãi treo 6,608 tỷ đồng.

Xí nghiệp Ngọc Sinh đang để lại VDB “quả bom nợ” gần 300 tỷ đồng.

Đối với Công ty TNHH TM&XNK Nam Thành, khi làm thủ tục vay, DN này đã đưa tài sản thế chấp có tổng giá trị là 9,514 tỷ đồng. Thế nhưng, từ ngày 15/6/2010 đến 5/7/2010, VDB đã ký liên tiếp 6 hợp đồng tín dụng, cho DN này vay 39,683 tỷ đồng. Sau khi phát hiện “sức khỏe” của “thượng đế” này có vấn đề, VDB cho cán bộ kiểm tra mới giật mình khi biết DN này đã ngừng hoạt động; tài sản bảo đảm (gồm xe ôtô và toàn bộ nhà máy ở An Minh tổng trị giá gần 5 tỷ đồng) đã được DN tháo dỡ dời đi nơi khác. Và tổng số nợ quá hạn và lãi treo của DN này đối với VDB Minh Hải là 56,191 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, Công ty TNHH TM&XNK Nam Thành là DN do ông Nguyễn Hữu Thành - nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Đại Dương lập nên. Ông Thành cũng từng được cử tri tín nhiệm làm đại biểu HĐND tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, sau khi dính nợ nần “khủng”, ông này phải lánh mặt. Kết cuộc, ông Thành bị bãi miễn chức danh đại biểu HĐND. Ngôi biệt thự lớn nhất Khu đô thị Hoàng Tâm từng làm trụ sở DN (cũng là tài sản đảm bảo thế chấp) hiện đã cửa đóng, then cài. Cả gia đình vị giám đốc này đã đến địa phương khác sinh sống.

Cũng cần kể thêm rằng, vào thời điểm mà những DN mà chúng tôi vừa kể trên được VDB tạo điều kiện đến mức… khó hiểu để tiếp cận với gói vay ưu đãi, có rất nhiều DN (cũng chế biến thủy hải sản XK) ở miền Tây đang rất “khát vốn”. Nhiều DN cho biết cũng đã vận dụng tối đa các mối quan hệ để được ngân hàng lưu tâm nhưng rốt cuộc hồ sơ bị đẩy ra rìa. Trong khi đó, có những DN không chút tên tuổi lại được VDB Minh Hải thể hiện sự hào phóng.

Trong bản báo cáo của VDB Minh Hải, chúng tôi thấy có tên Công ty TNHH Chế biến thủy sản XNK Minh Châu. DN này thế chấp chưa tới 22 tỷ đồng nhưng được vay 108,236 tỷ đồng. Mật độ mà VDB Minh Hải ký hợp đồng với DN này thuộc hàng “khủng”. Cụ thể, chỉ từ ngày 18/6/2010 đến 21/1/2011, có đến 11 hợp đồng được 2 bên ký kết. Kết cuộc, tính luôn khoản lãi treo, DN này nợ gần 160 tỷ đồng. Con số vừa kể vẫn còn kém con số 164,641 tỷ đồng mà Công ty TNHH CB&XNK Việt Hải, bị VDB kể ra trong báo cáo.

VDB Minh Hải hào phóng rồi bị nợ “khủng” nhất là “thượng đế” - Xí nghiệp Kinh doanh chế biến thủy sản XK Ngọc Sinh. Chỉ trong vòng 11 tháng, VDB Minh Hải đã ký 20 hợp đồng cho DN này vay 291,484 tỷ đồng. Điểm lại quá trình vay của DN này, chúng tôi thấy cũng khá bất thường. Cụ thể chỉ từ đầu tháng 7 cho tới gần cuối tháng 9-2009, DN này được VDB ký đến 18 hợp đồng, với số tiền gần 280 tỷ đồng. Khoản nợ này, DN này chưa trả đồng nào nhưng đến đầu tháng 6/2010, VDB lại ký tiếp 2 hợp đồng nữa, giải ngân thêm 12 tỷ đồng. Làm văn bản hối thúc “thượng đế” truyền thống này mau mau trả nợ nhưng không được, VDB Minh Hải cho kiểm tra lại tài sản thế chấp, kể cả tiền gửi tại VDB Minh Hải thì mới giật mình khi thấy tài sản đảm bảo mà DN này thế chấp để vay chỉ chiếm tỷ lệ 30% (gần 90 tỷ đồng), gồm 16 tỷ đồng tiền gửi, 2 chiếc xe tải và gần 25ha đất (của bên thứ 3) ở Ninh Thuận và An Giang.

Xếp thứ nhì về khoản nợ “khủng” của VDB tại Cà Mau là Công ty TNHH Nhật Đức. DN này được vay 176,573 tỷ đồng qua 13 hợp đồng (được ký từ ngày 12/5/2010 đến 22/6/2011) trong khi tổng giá trị tài sản thế chấp chỉ trên 32 tỷ đồng (18,4%). Đến khi VDB Minh Hải làm báo cáo, tổng nợ quá hạn và khoản lãi treo, DN này “dính” đến 258,234 tỷ đồng.

Chuyện có hay không các DN được vay vốn ưu đãi phải “lại quả” cho số cán bộ ngân hàng vừa bị khởi tố thì quá sớm và hiện cũng chưa có cơ sở để đề cập. Tuy nhiên, chuyện VDB Minh Hải làm thủ tục cho vay theo kiểu không “tuân chỉ” quy chế của VDB mà hào phóng đến tùy tiện, bất chấp cả quy định pháp luật, dẫn đến khoản tiền hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước khó thu hồi,… thì đã khá rõ ràng.

Thêm một bài học đắt giá cho hoạt động tín dụng

Binh Huyền
.
.
.