Bài học đau lòng từ việc tranh chấp đất đai giữa anh em ruột

Thứ Tư, 22/04/2015, 05:02
Thửa đất đã được chính quyền địa phương khẳng định thuộc quyền sở hữu của ông Lê Ngọc Mỹ, 65 tuổi, ở thôn Trung, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (Hà Nội), nhưng trong khi ông Mỹ xây dựng nhà trên thửa đất này, ông Lê Ngọc Bốn, 58 tuổi, ở cùng thôn (em ruột ông Mỹ) vẫn chỉ đạo người thân đến phá dỡ toàn bộ tài sản trên đất thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Mỹ. Ngày 21/ 4, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà hình sự phúc thẩm xét xử vụ án này.

Theo bản án sơ thẩm, năm 1989, gia đình ông Lê Ngọc Mỹ được Đội sản suất thôn Trung, xã Cao Viên chia ba thước ruộng 5% ghép với ba thước của ông Nguyễn Văn Cận (bố vợ ông Mỹ), tổng cộng là sáu thước có diện tích 184m2  thuộc quyền sở hữu của ông Lê Ngọc Mỹ.

Năm 1992, ông Mỹ xây dựng một căn nhà cấp 4 trên diện tích 184m2 của ông sở hữu. Sau đó, ông Mỹ cho một người ở cùng xã Cao Viên thuê diện tích đất này để làm hàn xì. Năm 2009, gia đình ông Mỹ và gia đình ông Bốn xảy ra tranh chấp đất đai. Ông Bốn cho rằng, mẹ đẻ hai ông là bà Nguyễn Thị Phóng đã cho ông Bốn hai thước đất ruộng 5% trong thửa đất ông Mỹ đang đứng tên sở hữu.

Ông Bốn và đồng phạm tại phiên xử ngày 21/ 4.

Năm 2011, UBND xã Cao Viên đã có thông báo giải quyết tranh chấp đất đai giữa gia đình ông Bốn và gia đình ông Mỹ. Nội dung kết luận của UBND xã Cao Viên khẳng định: “Di chúc của bà Nguyễn Thị Phóng là không có căn cứ vì bà Phóng không có đất ở khu vực này”. Thông báo này đã được gửi cho ông Bốn nhưng ông Bốn không đồng ý với kết quả giải quyết của UBND xã Cao Viên nên hai gia đình đã nhiều lần xảy ra tranh chấp, dẫn đến xô xát.

Khoảng 9h30’ ngày 25/5/2014, gia đình ông Mỹ thuê thợ đến đóng cọc sắt và hàn tôn quây xung quanh khu đất tranh chấp, nhưng mới đóng được ba cọc sắt và hàn được một tấm tôn thì gia đình ông Bốn đến ngăn cản nên không làm tiếp được. Sáng hôm sau, ông Bốn nhờ một số người thân trong gia đình xuống phá dỡ khu đất gia đình ông Mỹ đang đóng cọt sắt và quây tôn.

Khi Công an xã Cao Viên phát hiện ra sự việc này và đến hiện trường lập biên bản sự việc thì toàn bộ khu đất thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Mỹ đang quây tôn đã bị gia đình ông Bốn phá dỡ toàn bộ.

Xác định hành vi của ông Bốn và đồng phạm đã phạm vào tội hủy hoại tài sản, được quy định tại Điều 46, Bộ luật Hình sự, Tòa sơ thẩm tuyên phạt ông Bốn 12 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng kể từ ngày tuyên án. Ngoài hình phạt tù, Tòa sơ thẩm còn buộc ông Bốn có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về kinh tế đã gây ra cho gia đình ông Mỹ.

Đồng phạm ông Bốn tùy theo mức độ phạm tội mà bị tuyên phạt từ 3 đến 9 tháng tù, cho hưởng án treo. Sau phiên tòa sơ thẩm, ông Mỹ đã làm đơn kháng cáo đề nghị tăng hình phạt tù với ông Bốn và đồng phạm và tăng bồi thường về kinh tế cho gia đình ông.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Bốn và đồng phạm thừa nhận nội dung bản án sơ thẩm đã nêu là đúng.

Vị Chủ tọa phiên tòa khẳng định: “Ông Bốn và ông Mỹ là hai anh ruột trong gia đình. Xuất phát từ việc tranh chấp đất đai, chỉ vì không đồng ý với giải quyết của chính quyền địa phương mà ông Bốn đã chỉ đạo người thân trong gia đình phá dỡ tài sản của ông Mỹ đã xây dựng. Hành vi của ông Bốn không chỉ hủy hoại tài sản của gia đình ông Mỹ được pháp luật bảo vệ mà còn gây mất an ninh trật tự địa phương, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân, gây dư luận xấu và tâm lý lo lắng trong nhân dân nên cần phải có hình phạt xứng đáng để giáo dục, răn đe các bị cáo và phòng ngừa chung chung xã hội”.

Với phán quyết trên, HĐXX phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm đối với ông Bốn và đồng phạm. Mong rằng qua vụ án này là bài học giúp mỗi người rút kinh nghiệm cho bản thân, để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Nguyễn Hưng
.
.
.